Cô gái Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu trong ngành quảng cáo tại Mỹ ở tuổi 27.
La Tường Vi (sinh năm 1998) hiện là chuyên gia chiến lược cấp cao (Senior Strategist) tại Rethink New York (Mỹ) - agency quảng cáo được vinh danh top 1 tại Liên hoan Sáng tạo Quốc tế Cannes Lions 2024.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, cô gái 27 tuổi đến từ Hà Nội cho biết điều thú vị nhất trong công việc làm chiến lược là tìm ra lý do khiến người ta dừng lại, ghi nhớ và cuối cùng lựa chọn một thương hiệu, dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi khi lướt qua các sản phẩm trên kệ.
“Càng làm lâu, tôi càng tin rằng một chiến lược hiệu quả luôn bắt đầu từ việc đặt ra câu hỏi đúng”, cô nói.
Tường Vi theo học ngành quảng cáo tại Đại học Temple (Mỹ) chỉ đơn giản vì môn Advertising Brand Strategy (Chiến lược Quảng cáo cho Thương hiệu) đứng đầu danh sách các ngành học theo bảng chữ cái. Tuy nhiên, sự lựa chọn ngẫu nhiên đó đã mở ra một hành trình nghề nghiệp mà cô chưa từng hình dung sẽ đặt chân đến.
Trong quá trình học tập, cô nhận ra chiến lược là một lĩnh vực đặc biệt trong ngành quảng cáo. Người làm chiến lược đóng vai trò như người đứng giữa phần chữ và hình ảnh, là người vạch ra con đường, định hướng cho thương hiệu về thông điệp, hành động và cách xuất hiện để khắc sâu dấu ấn trong tâm trí công chúng.
Đúc kết 5 năm kinh nghiệm chỉ trong 2 năm
Năm 2020, Tường Vi bắt đầu sự nghiệp tại agency Noble People (Mỹ) với vai trò Junior Creative Strategist (Chiến lược gia Sáng tạo cấp cơ bản). Ngay từ những ngày đầu, cô được tham gia vào công việc thực tế, viết bản tóm tắt yêu cầu (brief), cùng đội nhóm tìm ý tưởng và góp phần vào các chiến dịch lớn.
Sau hơn 2 năm gắn bó với Noble People, Tường Vi chuyển sang McCann New York (Mỹ), nơi cô lần lượt đảm nhận vai trò Senior Brand Strategist (Chiến lược gia Thương hiệu cấp cao) và Associate Director (Quản lý chiến lược cấp cao).
Đến năm 2024, cô gia nhập Rethink New York, nơi Tường Vi đánh giá là môi trường giúp cô học được nhiều nhất về tinh thần cạnh tranh tích cực và sức mạnh của tinh thần đồng đội.
6 tháng đầu tại Rethink New York là thử thách lớn, khiến Vi từng nghi ngờ bản thân.
Tuy nhiên, những tháng đầu tiên tại một trong những agency hàng đầu không hề dễ dàng. Trong 6 tháng đầu tiên, nhân sự Gen Z không ít lần tự hỏi liệu vị trí công việc hiện tại có phải là do may mắn mang lại hay không.
Song, cô may mắn có một người quản lý sẵn sàng trao cơ hội trực tiếp đối mặt với các thử thách. Sau những lần thử nghiệm, vấp ngã và học hỏi, Tường Vi dần xóa bỏ sự nghi ngờ bản thân và tự tin hơn trong công việc.
“Nhìn lại chặng đường 2 năm kể từ khi rời vị trí thực tập sinh, tôi thấy mình đã đi được một đoạn khá xa. Công việc đôi khi kéo dài từ sáng đến tối muộn, có những tuần không có ngày nghỉ, nhưng đổi lại, tôi học được những điều mà có lẽ phải mất 4-5 năm mới tích lũy được”, Vi chia sẻ.
Trong quá trình phỏng vấn tìm việc, một số nhà tuyển dụng Mỹ đã bày tỏ sự tò mò về tốc độ thăng tiến "nhanh bất thường" của cô gái trẻ. Không né tránh những câu hỏi về tốc độ phát triển, Tường Vi thẳng thắn chia sẻ rằng những gì cô có được không đến từ may mắn, mà từ việc dấn thân, làm thật và không ngại va chạm.
Dùng AI để vượt qua 'trang giấy trắng'
Dù đã có nhiều năm làm việc trong ngành quảng cáo, Tường Vi thừa nhận bản thân không tránh khỏi những lần rơi vào trạng thái bế tắc trong công việc. Những lúc này, cô thường tìm đến công cụ AI như ChatGPT hay Claude để khơi gợi hướng đi.
“Đôi khi câu trả lời từ AI có phần ngây ngô hoặc không liên quan, nhưng thỉnh thoảng lại khơi gợi một mầm ý tưởng mới”, cô chia sẻ.
Tại công ty nơi Vi làm việc, AI được khuyến khích sử dụng một cách có trách nhiệm và đúng chỗ. Ví dụ, đội thiết kế có thể phác thảo bằng Midjourney, team account dùng Gemini để ghi chép cuộc họp, còn cô sử dụng AI để tinh chỉnh các bản brief sao cho mạch lạc, thuyết phục hơn.
Tường Vi thẳng thắn rằng thành công của cô đến từ sự dấn thân, dám làm dám thất bại.
Nhưng theo chiến lược gia 27 tuổi, AI không thể thay thế con người, ít nhất là trong ngành sáng tạo. Cô ví công cụ này như các phần mềm thiết kế Photoshop hay Illustrator, nếu không có tư duy và cảm nhận, người dùng sẽ không thể tạo ra điều có ý nghĩa.
“AI có thể giúp mọi người làm việc nhanh hơn và giảm bớt nỗi sợ hãi khi đối diện với ‘trang giấy trắng’. Tuy nhiên, những yếu tố như cảm xúc, khả năng quan sát xã hội và việc lựa chọn đúng câu chuyện để kể vẫn là công việc của con người”, cô nhận định.
'Làm quảng cáo cũng giống hài độc thoại'
Bên cạnh công việc quảng cáo, Tường Vi còn là một người yêu thích hài độc thoại (stand-up comedy). Mỗi tuần, cô đều lên sân khấu, kể những mẩu chuyện thường nhật và không phải lúc nào cũng nhận được tiếng cười từ khán giả.
Với cô, sân khấu và quảng cáo có điểm chung: không phải mọi ý tưởng đều thành công
“Bạn có thể đề xuất 100 ý tưởng, nhưng 99 trong số đó sẽ bị từ chối. Có những lần tôi viết đúng, đủ và hay, nhưng chiến dịch vẫn không được triển khai”, cô kể.
Trevor Noah hay Ali Wong là những nghệ sĩ truyền cảm hứng cho Vi đến với hài độc thoại.
Rất nhiều chiến dịch quảng cáo, dù đã được phê duyệt nội bộ, vẫn có thể "đổ vỡ" vào phút cuối do các yếu tố khách quan, chẳng hạn như sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh, ưu tiên về doanh số hoặc đơn giản là sự bất đồng quan điểm từ phía khách hàng.
Trong những tình huống như vậy, thay vì tự trách mình, Vi học cách lùi lại một bước, viết lại hoặc kể một câu chuyện khác, cả trong công việc lẫn trên sân khấu. Nhờ đó, cô học được cách đối diện với những thất bại một cách nhẹ nhàng hơn.
Trong năm nay, mục tiêu của chiến lược gia Gen Z là cùng đội nhóm tạo ra một chiến dịch quảng cáo có sức lan tỏa toàn cầu, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, được báo chí đưa tin và nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội.
Song, cô cũng đã lên tinh thần rằng không phải mọi chiến dịch đều sẽ được đón nhận.
“Nếu ý tưởng bị từ chối? Không sao cả. Tôi sẽ kể lại nó ở một sân khấu khác”, Vi nói.
Như Phương
Ảnh: NVCC