Cô gái bỏ việc văn phòng về quê nuôi lợn

Cô gái bỏ việc văn phòng về quê nuôi lợn
9 giờ trướcBài gốc
Khi Sun Shuangshuang, 26 tuổi, mang một túi bột ngô nặng đến 40 kg đến chuồng lợn ở ngôi làng nhỏ của mình tại huyện Yingshan (Hồ Bắc, Trung Quốc), thật khó tin cô đã từng làm việc trong một văn phòng cao cấp ở Vũ Hán.
Sun Shuangshuang cho lợn ăn. Ảnh: China Daily
Hiện tại, cô điều hành trang trại lợn của riêng mình đồng thời quản lý tài khoản Douyin có tên "Black Pig Run Run", nơi có tới 626.000 người theo dõi cuộc sống, công việc hàng ngày.
Sun là gương mặt điển hình cho “hot trend bỏ phố về quê” nở rộ từ cách đây vài năm nhưng vẫn rầm rộ với giới trẻ hiện nay.
Năm 2021, Sun tốt nghiệp Đại học Kinh tế Hồ Bắc với tấm bằng về Internet và phương tiện truyền thông mới. Khi được hỏi liệu việc về làm nông ở quê có phải đã lãng phí quá trình học tập không, cô cười nói: "Có rất nhiều lựa chọn trong cuộc sống.”
Đối với Sun, được sử dụng kiến thức chuyên môn của mình để mở rộng thị trường và thúc đẩy các giá trị nông thôn chính là mục đích thực sự của việc học.
Ảnh: ChinaDaily
Sự xuất hiện của cô trên mạng xã hội giúp các sản phẩm bán chạy hơn. Video đầu tiên của Sun, trong đó có cảnh cô quét mái chuồng lợn với đàn lợn đen xung quanh, đã thu hút 2 triệu lượt thích trên Douyin và có 200.000 người theo dõi chỉ trong một ngày.
Hashtag "sinh viên chăn nuôi lợn" thu hút sự chú ý, cũng như các video của “tiên nữ đồng quê” Lý Tử Thất, điều thực sự cuốn hút khán giả là cuộc sống nông thôn chân thực, giản dị được mô tả trong các video
"Mọi người thích xem chúng tôi chia sẻ những khoảnh khắc trong cuộc sống hàng ngày, như làm vườn, nấu ăn…", Sun cho biết, nhiều người theo dõi cô, đặc biệt là những người trẻ, bởi họ cũng mong muốn có được lối sống "nhàn nhã và tự do" này.
"Một số người để lại bình luận nói rằng họ ngưỡng mộ lòng dũng cảm của tôi khi làm những điều mà họ không dám thử", cô bày tỏ.
Trong các buổi livestream kéo dài nửa tiếng hàng tuần, Sun có thể bán được hai con lợn mỗi con nặng 300 kg. Có thời điểm trước Tết nguyên đán, cô đã bán được 30 con lợn đen.
Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Hồi tháng 7 năm 2023, một đợt bùng phát dịch tả lợn đã tàn phá trang trại lợn của Sun. "Lúc đó, tôi thực sự muốn từ bỏ và quay trở lại thành phố để kiếm việc làm", cô nhớ lại.
Nhưng đúng lúc mọi thứ có vẻ khó khăn nhất, cô nhận được sự giúp đỡ. Các cơ quan công nghệ và nông nghiệp đã cử chuyên gia đến hướng dẫn tại chỗ để kiểm soát dịch bệnh.
"Họ nói với tôi rằng không dễ để một người trẻ trở về nông thôn", Sun nói. Chính sự hỗ trợ thực tế này đã thuyết phục cô ấy gắn bó lâu dài với cuộc sống ở làng quê.
Trang trại lợn mới hiện có 3 chuồng lợn hiện đại với sức chứa 1.200 con, cùng thiết bị cho ăn hiện đại. "Trước đây chúng tôi là những người nông dân nhỏ lẻ. Bây giờ đã đến lúc nâng cấp bằng công nghệ" - Sun nói. Ngoài ra, chi phí vận chuyển cũng rẻ hơn 30% so với trước đây.
Là một “ngôi sao” trên mạng xã hội, Sun cũng năng nổ giúp đỡ mọi người. Cứ hai tuần, cô lại tổ chức một buổi livestream để giới thiệu và bán các sản phẩm địa phương như đậu khô, dầu hạt cải, hoa cúc…
Một người chăn nuôi gia cầm với nickname là Little Ming ở gần đó, đã thấy đơn đặt hàng trứng của mình tăng vọt sau khi Sun giới thiệu anh trong các video của cô.
"Lúc đầu, họ không tin tôi có thể bán rau giúp họ", Sun nhớ lại. "Nhưng khi tôi đưa tiền cho họ, niềm vui được lan tỏa".
Sun giúp đỡ những người dân địa phương bán nông sản. Ảnh: ChinaDaily
Mong muốn giúp đỡ người khác của Sun bắt nguồn từ thời thơ ấu của cô. Được ông bà nuôi dưỡng, cô luôn ghi nhớ cách ông bà mình "luôn nghĩ đến người khác, còn bản thân lại sống tiết kiệm".
Vì vậy, khi nhìn thấy những người dân làng có các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao nhưng bán lại khá vất vả, Sun thấy mình phải bắt tay vào giúp họ.
"Nông thôn không thiếu những người trồng trọt hay chăn nuôi. Những gì nơi này thiếu là những người biết cách bán các sản phẩm đó" – Cô nói.
Khi được hỏi ý nghĩa của việc trở về nông thôn để khởi nghiệp, câu trả lời của Sun rất đơn giản: "Chỉ cần ở lại và sống ở nông thôn".
Cô nhớ lại những ngày tháng ở thành phố, sống bằng đồ ăn ship về, cực kỳ bận rộn, đôi khi thậm chí không có thời gian nghỉ ngơi, đến khi căng thẳng quá mức khiến cô bị bệnh nặng. Kể từ khi chuyển về sống ở nông thôn, cô tự trồng rau, nấu ăn, được tập thể dục thường xuyên thông qua công việc đồng áng và đã học được nhiều kỹ năng sống thực tế.
"Tôi không thích lối sống vội vã, cạnh tranh cao độ ở thành phố lớn. Tôi thích cuộc sống ở nông thôn. Đúng là phải làm nhiều công việc chân tay hơn, nhưng điều đó giúp tôi bình tĩnh về mặt tinh thần và mang lại cho tôi sự bình yên trong tâm trí", cô chia sẻ.
Minh Vy
Theo ChinaDaily
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/co-gai-bo-viec-van-phong-ve-que-nuoi-lon-post1743929.tpo