Từ một loại dược liệu đặc biệt - sâm Bố Chính, chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty CP V-Ginseng (ở xóm Làng Huyện, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương) đã mang giống cây này về trồng trên đồng đất huyện Phú Lương, Đồng Hỷ và Võ Nhai. Sau nhiều năm nghiên cứu, chăm sóc và chế biến thành các sản phẩm như cao sâm, bột sâm, trà hoa sâm…, chị Hằng đã chinh phục được nhiều khách hàng trên cả nước.
Sinh ra và lớn lên trên quê lúa Thái Bình, năm 1997, chị Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1980) trúng tuyển Trường Cao đẳng Y Nam Định và theo học hệ Điều dưỡng 3 năm. Ra trường, chị công tác tại Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình). Làm việc trong ngành Y, chị Hằng luôn có niềm đam mê với các loại cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm Bố Chính. Chính bởi vậy, năm 2010, chị đã “rẽ hướng” sang lĩnh vực sản xuất nông nghiệp an toàn.
Nói về việc “bén duyên” với cây sâm Bố Chính, chị Hằng chia sẻ: Năm 2013, sau những biến cố về sức khỏe, tưởng chừng như phải sống chung với bệnh viêm cầu thận mãn, dạ dày, viêm gan… tôi rất hoang mang. Tìm đến những bài thuốc nam (cụ thể là sâm Bố Chính) để chữa bệnh, tôi thấy bệnh tình của mình ngày một thuyên giảm, tình trạng sức khỏe cải thiện tốt hơn rất nhiều, chứng tỏ loại dược liệu này có công dụng tuyệt vời trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh. Năm 2016, tôi tìm hiểu, nghiên cứu và đưa cây sâm Bố Chính từ Quảng Bình về trồng trên đồng đất huyện Phú Lương, Đồng Hỷ.
Khi mới bắt đầu trồng thử nghiệm, chị Hằng chỉ trồng trên vài sào đất, cây phát triển tốt. Năm 2018, chị nhân rộng diện tích trồng. Tuy nhiên, vì đây là loại dược liệu ưa khí hậu khô nóng nên khi mang về trồng ở Thái Nguyên cây không hợp đất và khí hậu nên chết nhiều. Chị chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các vùng đất thích hợp để trồng loại cây này.
Theo chị, khí hậu chỉ là một yếu tố, quan trọng là phải xử lý đất thật kỹ trước khi trồng (diệt nấm mốc, các mầm bệnh trong đất), biết được cây hay mắc loại bệnh gì để phòng chống, giúp cây tăng đề kháng. Quá trình chăm sóc cây tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình hữu cơ (chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh; thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc…).
Tâm huyết với cây sâm Bố Chính, năm 2018, chị thành lập Công ty TNHH Son Ngọc, chuyên sản xuất cao sâm, bột sâm, được khách hàng đón nhận và đánh giá tốt trong hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Từ vài sào sâm Bố Chính ban đầu, chị Hằng đã nhân rộng lên 20ha, đồng thời liên kết với 40 hộ dân, trồng tại nhiều địa phương trong tỉnh như: Đồng Hỷ, Phú Lương và Võ Nhai.
Từ sau đợt COVID-19, chị Hằng chuyên tâm nghiên cứu, đầu tư các loại máy móc hiện đại và sản xuất ra trà hoa sâm. Đây là một loại sản phẩm dạng túi lọc, có sự kết hợp giữa hoa sâm và củ sâm, tiện lợi cho khách hàng khi sử dụng, không cầu kỳ trong pha chế mà vẫn giữ nguyên được hương vị vốn có. Năm 2022, Công ty CP V-Ginseng được thành lập từ tiền thân Công ty TNHH Son Ngọc.
Cũng theo chị Hằng, việc nghiên cứu, trồng và sản xuất ra thành phẩm từ cây sâm Bố Chính là cả một quá trình dài, tốn rất nhiều công sức, thời gian và kinh phí. Trong đó, có thời điểm chị tưởng chừng như mất tất cả.
Chị tâm sự: Sau khi thành lập Công ty, tôi đã nhân rộng diện tích trồng sâm Bố Chính, đồng thời xây dựng nhà xưởng rộng 500m2, đầu tư nhiều thiết bị máy móc hiện đại như hệ thống máy triết, máy sấy công nghệ cao, máy đóng túi, máy rót… phục vụ quy trình sản xuất. Tuy nhiên, cơn bão số 3 hồi tháng 9-2024 đã “cướp” đi của tôi tất cả. Tôi gần như phải làm lại từ đầu (xây dựng lại nhà xưởng, sửa lại máy móc bị hỏng…), nhưng không vì thế mà tôi chùn bước bởi trồng sâm, sản xuất các sản phẩm từ sâm Bố Chính là niềm đam mê, là tâm huyết của tôi.
Khó khăn vậy nhưng chị Hằng đã mạnh mẽ vượt qua. Đến nay, sản phẩm trà hoa sâm của Công ty CP V-Ginseng đã được công nhận OCOP 4 sao, trà sâm Bố Chính được công nhận OCOP 3 sao. Với các sản phẩm trà, trung bình mỗi tháng, Công ty bán ra thị trường từ 1.000-2.000 hộp/tháng (tăng gấp 2 lần so với trước).
Không chỉ dừng lại ở sản xuất bột sâm, cao sâm, trà hoa sâm, chị Nguyễn Thị Hằng đang tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các nhà khoa học ở Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa)… thực hiện trồng, chăm sóc và nghiên cứu để ra mắt thị trường sản phẩm Sâm hồng trà - sự kết hợp tinh túy giữa cây sâm Bố Chính và cây chè Thái Nguyên.
Không dừng lại ở việc thương mại hóa, mang đến cho khách hàng những sản phẩm hữu ích đối với sức khỏe, chị Hằng còn xây dựng không gian trải nghiệm nông nghiệp, đưa du khách đến gần hơn với cây sâm, cây chè.
Khu chế biến các sản phẩm từ sâm Bố Chính tại xóm Phả Lý (xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ) đang được chị vun đắp, xây dựng cảnh quan. Kỳ vọng sẽ là điểm đến lý tưởng, “níu” du khách dừng chân lâu hơn để trải nghiệm, “chạm” vào quy trình tạo ra sản phẩm; cùng người dân hái sâm, hái chè, thấu cảm tâm huyết và sự kỳ công của những người tạo ra sản phẩm giá trị.
Nhìn lại hành trình đã qua, những kết quả đạt được trong quá trình tạo ra các sản phẩm giá trị từ cây sâm Bố Chính, có thể thấy chị Nguyễn Thị Hằng không chỉ là người tiên phong đưa sâm Bố Chính bén rễ trên đất chè Thái Nguyên, mà còn là một nữ doanh nhân năng động, dám nghĩ, dám làm và dám đổi mới tư duy.
Khát vọng xây dựng một quy trình sản xuất tuần hoàn, khép kín để tạo ra sản phẩm mang lại giá trị cho cộng đồng của chị Hằng đã và đang góp phần xây dựng quê hương thứ 2 - Thái Nguyên ngày càng phát triển.
TNĐT