Doanh nhân Khương Đức Sỹ: Hành trình khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu bền vững

Doanh nhân Khương Đức Sỹ: Hành trình khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu bền vững
4 giờ trướcBài gốc
Doanh nhân Khương Đức Sỹ
Khởi đầu từ những ngày tháng gian khó
Sinh năm 1954 tại Thôn Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây cũ (nơi Xứ Đoài), vùng đất nổi tiếng là đất Hai Vua, và được mệnh danh là “quê hương trăm nghề”, nơi sản sinh ra biết bao thế hệ người thợ tài hoa khéo léo, ông Khương Đức Sỹ đã sớm được hun đúc tinh thần lao động cần cù và niềm say mê với nghề xây dựng.
Thuở nhỏ, chàng thanh niên Khương Đức Sỹ đã quen với cảnh làng xóm luôn rộn ràng tiếng búa, tiếng đục, tiếng xe chở vật liệu, và hình ảnh những người thợ tay thước, tay bay vất vả nhưng đầy tự hào với sản phẩm của mình đã trở thành biểu tượng nghề nghiệp mà ông mang theo suốt cuộc đời.
Bước vào tuổi thanh niên, anh rời quê, theo các tổ thợ xây đi khắp các vùng quê Bắc Bộ để tìm việc, học hỏi kinh nghiệm và kiếm sống. Những năm tháng rong ruổi ấy, dù vất vả và gian truân, lại là khoảng thời gian quý giá giúp Khương Đức Sỹ tôi luyện tay nghề, tích lũy kiến thức thực tiễn cũng như học được cách xử lý tình huống trên công trường, những bài học mà không trường lớp nào có thể dạy được.
Với bản tính chăm chỉ, tháo vát và nhanh nhẹn, Khương Đức Sỹ không chỉ là người thợ giỏi mà còn luôn được đồng nghiệp yêu quý bởi sự khiêm tốn, mẫu mực trong sinh hoạt và thái độ làm việc chuyên nghiệp.
Với bản tính chăm chỉ, tháo vát và nhanh nhẹn, doanh nhân Khương Đức Sỹ không chỉ là người thợ giỏi mà còn luôn được đồng nghiệp yêu quý bởi sự khiêm tốn, mẫu mực trong sinh hoạt và thái độ làm việc chuyên nghiệp.
Đến cuối thập niên 1980, khi đất nước bắt đầu đổi mới, kinh tế tư nhân dần được khuyến khích, ông Sỹ quyết định dành tâm huyết với vùng núi Yên Lập, tỉnh Phú Thọ nơi mà thời điểm ấy vẫn còn là một địa bàn khó khăn, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp tự cung tự cấp, giao thông còn chưa phát triển, nhà cửa đơn sơ, hạ tầng yếu kém. Trong bối cảnh đó, nhiều người tỏ ra e ngại, cho đó là bước đi liều lĩnh khi thấy ông dồn hết số tiền tích góp được khoảng 18 triệu đồng (một con số lớn lúc bấy giờ) để thành lập tổ hợp XDCB Xuân Thủy.
Doanh nhân Khương Đức Sỹ với phong thái đĩnh đạc, tư duy sâu sắc và trái tim hướng thiện.
Thực tế đã cho thấy những ngày đầu khởi nghiệp của ông Sỹ vô cùng gian nan. Dù đã đầu tư máy móc, thiết bị, tuyển thợ lành nghề và tổ chức lực lượng thi công bài bản, việc thiếu tên tuổi khiến tổ hợp của ông khó cạnh tranh với các nhà thầu lâu năm. Không có hợp đồng, không có công trình khiến ông trằn trọc nhiều đêm nghĩ cách đưa tổ hợp đi lên. Tự ông lái xe máy vượt hàng vài chục cây số đi tiếp cận các chủ đầu tư, xin làm những công trình nhỏ để có cơ hội khẳng định tay nghề.
Thế nhưng, trong môi trường luôn đề cao yếu tố quen biết, kinh nghiệm và tài chính, việc nhận được sự tin tưởng không hề dễ dàng. Cơ hội lớn đầu tiên đến vào năm 1989, khi Nhà máy chè Cẩm Khê cần xây dựng một khu nhà điều hành cho chuyên gia nước ngoài. Trước đó, một nhà thầu có tiếng đã được chọn nhưng sau đó đã âm thầm rút lui do gặp khó khăn trong quá trình thi công. Đang trong tình thế gấp rút, chủ đầu tư buộc phải tìm đến tổ hợp của ông Sỹ như một giải pháp tình thế. Nhưng ông không xem đó là “cơ hội hời”, mà là cơ hội để chứng minh năng lực của mình. Ông nhận công trình với sự nghiêm túc cao độ, yêu cầu toàn bộ anh em thợ phải tuyệt đối tuân thủ quy trình, thi công chuẩn chỉ từ khâu nhỏ nhất. Ngày ngày, ông có mặt tại công trường, cùng làm việc với anh em, trực tiếp kiểm tra từng công đoạn. Dưới sự chỉ đạo sát sao của ông Sỹ, công trình không chỉ hoàn thành đúng tiến độ mà còn đạt chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật vượt kỳ vọng. Đại diện chủ đầu tư từ chỗ nghi ngại đã không ngừng bày tỏ sự thán phục trước tác phong làm việc của đội thợ vùng núi Yên Lập. Và kể từ đó, tiếng lành đồn xa, tổ hợp xây dựng Khương Đức Sỹ bắt đầu được biết đến nhiều hơn, các công trình lớn nhỏ lần lượt tìm đến. Đó cũng là bước ngoặt đưa tên tuổi ông trở thành một trong những người tiên phong khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực xây dựng tại vùng trung du Phú Thọ thời bấy giờ.
Nhận thấy cần một mô hình quản lý chuyên nghiệp hơn để phát triển lâu dài, năm 1992, ông Sỹ chính thức xin cấp phép thành lập Xí nghiệp Xây dựng Tây Phương. Không lâu sau, khi Luật Doanh nghiệp được ban hành và môi trường kinh doanh cởi mở hơn, ông chuyển đổi xí nghiệp thành Công ty TNHH Xây dựng Tây Phương Phú Thọ, có trụ sở đặt tại Khu Tân An 4, thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Với phương châm “Chất lượng - Uy tín - Hiệu quả”, công ty của ông Sỹ từng bước chiếm lĩnh thị trường xây dựng không chỉ trong huyện mà còn lan rộng sang các tỉnh lân cận.
Ông luôn chú trọng tuyển chọn thợ tay nghề cao, đầu tư máy móc hiện đại, và đặc biệt đề cao sự tử tế, trung thực trong quan hệ với đối tác, khách hàng. Nhờ đó, công ty đã tham gia và trúng thầu nhiều gói thầu lớn như: Gói thầu thi công xây dựng công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang mời thầu. Gói thầu xây lắp công trình: Xử lý, khắc phục điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên đoạn Km112+00 - Km114+160, Quốc lộ 32, tỉnh Phú Thọ. Gói thầu số 11: Thi công xây dựng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Lập mời thầu. Những dự án này không chỉ giúp công ty có chỗ đứng vững chắc trong ngành mà còn trực tiếp cải thiện diện mạo hạ tầng của các địa phương – điều mà ông Sỹ luôn tâm niệm là trách nhiệm của người làm nghề xây dựng. Với ông, mỗi con đường, trường học, bệnh viện, cây cầu, trụ sở hay khu dân cư được dựng lên không chỉ là thành quả kinh doanh mà còn là niềm tự hào, là dấu ấn đóng góp cho cộng đồng và quê hương, đất nước.
Phát triển bền vững và đóng góp cộng đồng
Không dừng lại ở việc phát triển quy mô và nâng cao hiệu quả kinh doanh, ông Khương Đức Sỹ còn luôn tâm niệm, một doanh nghiệp thành công không thể tách rời trách nhiệm với xã hội và cộng đồng. Với tư duy dài hạn và triết lý “làm nghề bằng cả cái tâm”, ông Sỹ từng bước đưa Công ty TNHH Xây dựng Tây Phương Phú Thọ trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu trong công cuộc phát triển bền vững tại địa phương.
Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và uy tín, ông bắt đầu dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác an sinh xã hội, nhất là ở địa bàn huyện Yên Lập nơi ông khởi nghiệp và gắn bó hơn bốn thập kỷ qua. Những năm đầu thập niên 2000, khi đời sống người dân vùng núi còn gặp nhiều khó khăn, trường học, trạm y tế xuống cấp, nhiều tuyến đường vào bản còn lầy lội, ông đã chủ động đề xuất với chính quyền địa phương việc hỗ trợ cải tạo hạ tầng.
Không ít lần, ông Sỹ tự nguyện đầu tư nhân lực, vật lực để làm những đoạn đường bê tông nối làng với xã, sửa lại mái trường cũ kỹ, hay tài trợ vật liệu xây dựng cho những gia đình chính sách, hộ nghèo sửa sang nhà cửa.
Ngoài ra, công ty ông còn là đơn vị tiên phong trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hàng năm, công ty tuyển dụng nhiều lao động là con em vùng Yên Lập, ưu tiên đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật và tạo điều kiện cho họ học hỏi để phát triển bản thân. Nhiều người từng là thợ học việc nay đã trở thành Giám đốc công ty mới, đội trưởng, chỉ huy công trường, có thu nhập ổn định và góp phần nâng cao chất lượng nhân lực xây dựng tại địa phương. Đối với ông Sỹ, mỗi người thợ giỏi được đào tạo không chỉ là tài sản của công ty mà còn là sự đóng góp cho nguồn lực lao động có kỹ năng của xã hội.
Vợ chồng doanh nhân Khương Đức Sỹ kỷ niệm 40 năm ngày cưới.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Công ty TNHH Xây dựng Tây Phương Phú Thọ luôn đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn về môi trường trong thi công, như xử lý nước thải đúng cách, hạn chế bụi công trình, áp dụng các vật liệu thân thiện và bền vững. Ông cũng tích cực khuyến khích đội ngũ kỹ thuật nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến giúp giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và hiệu quả dài hạn cho công trình. Song song với hoạt động chuyên môn, ông Sỹ còn được biết đến là người giữ gìn giá trị đạo đức trong kinh doanh. Trong suốt quá trình điều hành doanh nghiệp, ông luôn đề cao sự minh bạch, trung thực và giữ chữ tín với đối tác. Có không ít lần công ty gặp tình huống trượt thầu hoặc phải nhường lại dự án cho đơn vị khác, nhưng ông vẫn giữ thái độ điềm tĩnh, không oán trách, không cạnh tranh bằng thủ đoạn. Ông tin rằng, “chữ Tâm trong nghề là thứ không thể bị đánh đổi, và chỉ có Tâm mới giữ được Tầm.”
Ghi nhận những đóng góp bền bỉ và hiệu quả ấy, ông Khương Đức Sỹ nhiều lần được UBND huyện Yên Lập, Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ và các bộ, ban, ngành Chính phủ biểu dương, khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong xây dựng hạ tầng và đóng góp cho công tác xã hội. Năm 2011 ông đã được Chủ tịch nước Việt Nam tặng Huân chương Lao động. Nhưng với ông, phần thưởng quý giá nhất không nằm ở những tấm bằng khen hay danh hiệu, mà là sự tín nhiệm từ cộng đồng, từ những người dân địa phương mỗi lần gọi tên công ty Tây Phương với sự tin tưởng và trân quý.
Nhìn lại hành trình hơn bốn mươi năm lập nghiệp, từ một người thợ tài hoa đi lên từ đôi tay trắng cho đến người sáng lập và điều hành một công ty xây dựng uy tín trong khu vực, ông Khương Đức Sỹ đã chứng minh rằng, thành công không đến từ sự may mắn nhất thời mà được tạo dựng bởi ý chí, sự nỗ lực không ngừng nghỉ và một trái tim luôn hướng về cộng đồng. Câu chuyện khởi nghiệp của ông không chỉ là bài học về sự dấn thân và bản lĩnh trong thương trường, mà còn là minh chứng sống động cho chân lý giản dị: “Làm nghề tử tế, cuộc đời sẽ không phụ mình.”
Thanh Hiền
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/doanh-nhan-khuong-duc-sy-hanh-trinh-khoi-nghiep-va-xay-dung-thuong-hieu-ben-vung-314980.html