Nhiều người lầm tưởng rằng gan nhiễm mỡ chỉ xảy ra ở người béo. Tuy nhiên, thực tế, bệnh hoàn toàn có thể âm thầm tấn công cả người có thân hình mảnh mai. Đó là trường hợp của cô Lâm (gần 30 tuổi, sống tại Đài Loan - Trung Quốc), người chỉ nặng chưa đầy 48kg, cao 1m63, chỉ số BMI ở mức 18,1 – thuộc nhóm gầy.
Gần đây, cô thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, thỉnh thoảng đau nhẹ vùng bụng bên phải. Thấy bụng to bất thường, cô đi khám và bàng hoàng khi được chẩn đoán mắc gan nhiễm mỡ không do rượu giai đoạn 2, lượng mỡ chiếm tới 12% trọng lượng gan – vượt xa ngưỡng an toàn.
“Nhìn tổng thể bệnh nhân rất gầy, chỉ có vùng bụng là nhô lên nhẹ. Ban đầu, cô nghĩ do ngồi văn phòng lâu ngày nên tích mỡ bụng. Nhưng thực chất, gan đã bị mỡ hóa nghiêm trọng”, bác sĩ Wei Shihang tại phòng khám Churi (Đài Loan) chia sẻ.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân: uống nước ép thay cơm và thói quen “hảo ngọt”
Theo bác sĩ Wei, điều khiến cô Lâm mắc bệnh gan nhiễm mỡ dù cơ thể gầy chính là thói quen uống nước ép trái cây thay bữa chính trong quá trình ăn kiêng giữ dáng. Mỗi ngày, cô tiêu thụ ít nhất 2 cốc nước ép – chủ yếu là các loại trái cây ngọt như xoài, nho, dứa… thậm chí còn thêm mật ong để “ngon miệng hơn”.
“Trái cây tươi chứa đường fructose – loại đường chỉ có gan mới xử lý được. Khi hấp thụ quá nhiều, gan sẽ chuyển fructose thành chất béo, tích tụ lại và gây ra gan nhiễm mỡ. Nếu ăn trực tiếp trái cây, chất xơ sẽ giúp giảm hấp thu đường, tạo cảm giác no. Nhưng khi ép lấy nước, lượng chất xơ bị loại bỏ, khiến đường vào cơ thể nhanh và nhiều hơn”, bác sĩ Wei lý giải.
Không chỉ vậy, việc nhịn ăn, bỏ bữa và dùng nước ép thay cơm khiến cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng, làm tăng tốc độ tổn thương gan, đặc biệt khi kết hợp cùng thói quen “thêm đường/mật ong” vào nước trái cây.
Người gầy vẫn có thể mắc gan nhiễm mỡ
Quan niệm “gầy thì không bị gan nhiễm mỡ” là hiểu lầm tai hại. Chỉ cần lượng mỡ tích tụ chiếm hơn 5% trọng lượng gan, bạn đã mắc bệnh này, bất kể chỉ số BMI ra sao.
Đặc biệt, theo bác sĩ Wei, những người suy dinh dưỡng, ăn kiêng quá mức hoặc rối loạn chuyển hóa cũng có nguy cơ cao mắc gan nhiễm mỡ không do rượu. Với trường hợp cô Lâm, bệnh tuy đã bước sang giai đoạn 2 nhưng vẫn có thể điều trị phục hồi bằng cách thay đổi chế độ ăn, tăng vận động, nghỉ ngơi hợp lý và tuân thủ phác đồ của bác sĩ.
Nhận biết sớm gan nhiễm mỡ: Đừng bỏ qua những dấu hiệu mờ nhạt
Gan nhiễm mỡ thường diễn tiến âm thầm qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (5 – 10%): Không triệu chứng rõ ràng, dễ bỏ qua.
Giai đoạn 2 (10 – 20%): Xuất hiện dấu hiệu nhẹ như mệt mỏi, chán ăn, đau lâm râm vùng hạ sườn, buồn nôn.
Giai đoạn 3 (trên 20%): Bệnh nặng, dễ biến chứng viêm gan, xơ gan, ung thư gan. Các biểu hiện rõ rệt gồm đau tức gan, vàng da, u mạch hình sao, rối loạn nội tiết, sụt cân…
Cảnh báo quan trọng: Gan nhiễm mỡ giai đoạn đầu hoàn toàn có thể hồi phục nếu phát hiện sớm và điều chỉnh lối sống kịp thời. Vì vậy, đừng chủ quan dù bạn có thân hình mảnh khảnh.
Xuân Vũ (T/H)