Có gì đặc biệt sau đòn không kích Pakistan của Ấn Độ?

Có gì đặc biệt sau đòn không kích Pakistan của Ấn Độ?
8 giờ trướcBài gốc
Ấn Độ hôm 7/5 đã phát động chiến dịch không kích mang tên “Chiến dịch Sindoor” nhằm vào các mục tiêu được cho là “trại huấn luyện khủng bố” ở Pakistan. Islamabad lập tức đáp trả bằng hỏa lực pháo binh và tuyên bố bắn rơi nhiều máy bay Ấn Độ.
Các quan chức chính phủ và cư dân địa phương tại miền Đông Pakistan đã tiến hành đánh giá thiệt hại sau vụ không kích của Ấn Độ. Theo một quan chức địa phương, vào khoảng nửa đêm rạng sáng, bốn tên lửa của Ấn Độ đã tấn công một khu phức hợp rộng lớn tại Muridke trong vòng 6 phút. Vụ tấn công đã phá hủy một nhà thờ Hồi giáo và tòa nhà hành chính liền kề, khiến ba người bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Một người đàn ông đứng trên đống đổ nát của một tòa nhà bị phá hủy tại khu phức hợp Y tế và Giáo dục ở Muridke, Pakistan, vào ngày 7/5/2025. Ảnh: Farooq Naeem/AFP/Getty Images.
Biển hiệu bên ngoài khu vực mô tả nơi đây là một tổ hợp y tế và giáo dục của chính phủ, tuy nhiên Ấn Độ cho rằng khu vực này có liên quan đến tổ chức vũ trang Lashkar-e-Taiba. Chính phủ Ấn Độ và Mỹ từng cáo buộc tổ chức này đứng đằng sau vụ tấn công Mumbai năm 2008 khiến hơn 160 người thiệt mạng. Lashkar-e-Taiba đã phủ nhận liên quan đến vụ việc.
Cuộc không kích hôm 7/5 chỉ phá hủy một phần khu phức hợp, các tòa nhà khác không bị ảnh hưởng. Một quan chức địa phương cho biết thông thường có khoảng 3.500 nhân viên và học sinh tại đây, nhưng phần lớn đã được sơ tán trong những ngày gần đây do lo ngại nơi này có thể trở thành mục tiêu tấn công.
Người dân Kashmir hoang mang
Người dân tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đang rơi vào tình trạng hoang mang và căng thẳng sau một đêm nữa xảy ra pháo kích xuyên biên giới từ lực lượng Pakistan, buộc một số người phải sơ tán. Tại khu vực Karnah, gần Đường Kiểm soát (LoC), nhiều ngôi nhà bị hư hỏng do pháo kích, trong khi tình trạng nã pháo được ghi nhận là tiếp diễn suốt đến đêm 7/5.
Trước tình hình an ninh bất ổn, nhiều gia đình đã chuyển đến Srinagar – thành phố lớn nhất ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát – để tạm trú, chờ đợi đến khi tình hình lắng dịu mới quay trở lại. Một số người phải tìm nơi trú ẩn trong các hầm bê tông dưới lòng đất, điều kiện sinh hoạt tối thiểu, trong khi các thành viên còn lại tìm cách ở lại trong các căn phòng phía sau nhà.
Một chiếc xe ủi đất đang chở các mảnh vỡ máy bay ở Kashmir. Ảnh: Tauseef Mustafa/AFP.
Tại khu vực gần thị trấn Kupwara, tiếng pháo được nghe thấy từ rạng sáng, khiến người dân cảnh giác cao độ. Mặc dù mức độ pháo kích lần này được cho là không dữ dội như hôm trước, tâm lý lo ngại vẫn bao trùm khi có những đồn đoán rằng các hành động trả đũa có thể tiếp diễn trong đêm. Trường học trong vùng phải đóng cửa khiến trẻ em nghỉ học, và sự thiếu hụt thông tin chính thống càng khiến người dân thêm hoang mang.
Dù khu vực Kashmir vốn là một điểm nóng thường xuyên căng thẳng, song những diễn biến lần này xảy ra sau một giai đoạn tương đối yên ổn, làm dấy lên lo ngại về khả năng leo thang xung đột. Tình trạng sơ tán và bất an không chỉ xảy ra ở khu vực do Ấn Độ kiểm soát, mà cả tại phía Pakistan kiểm soát cũng ghi nhận những đợt di dời dân cư tương tự.
Mục tiêu trong cuộc không kích của Ấn Độ
Hai nhóm vũ trang mà Ấn Độ tuyên bố là mục tiêu trong cuộc không kích gần đây tại Pakistan là Lashkar-e-Tayyiba (LeT) và Jaish-e-Mohammed (JeM). Cả hai đều bị nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế liệt vào danh sách khủng bố và bị cáo buộc đã thực hiện nhiều vụ tấn công đẫm máu nhằm vào Ấn Độ.
Lãnh đạo Jaish-e-Mohammed Masood Azhar, bên trái, và lãnh đạo Lashkar-e-Tayyiba Hafiz Saeed. Ảnh: AP/Getty.
New Delhi cho biết cuộc không kích là hành động đáp trả sau một vụ tấn công nhắm vào du khách tại Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Phía Pakistan bác bỏ mọi liên quan và khẳng định đang tiến hành các hoạt động chống khủng bố trong nước.
Jaish-e-Mohammed (nghĩa là “Quân đội của Nhà tiên tri Mohammed”) là một nhóm cực đoan hoạt động chủ yếu ở khu vực Kashmir, với mục tiêu sáp nhập phần Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào Pakistan. Nhóm này đã bị Mỹ và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa vào danh sách khủng bố từ năm 2001. Trụ sở của JeM được cho là nằm tại Peshawar và Muzaffarabad – địa điểm mà Ấn Độ đã thực hiện không kích.
Tổ chức này do Masood Azhar sáng lập sau khi được thả khỏi nhà tù Ấn Độ vào năm 1999 trong một vụ trao đổi con tin liên quan đến chiếc máy bay bị không tặc của Hãng hàng không Ấn Độ. JeM được cho là đã nhận được sự hậu thuẫn từ nhiều tổ chức cực đoan trong khu vực, bao gồm cả mạng lưới al-Qaeda và Taliban.
Pakistan có thực sự bắn hạ tiêm kích Ấn Độ?
Một ngày sau cuộc không kích của Ấn Độ vào các mục tiêu mà họ gọi là “căn cứ khủng bố” bên trong lãnh thổ Pakistan và khu vực Kashmir do Islamabad kiểm soát, sự thật phía sau trận chiến vẫn còn mờ mịt giữa những tuyên bố đối lập. Giới chức Pakistan ca ngợi chiến thắng lớn của không quân nước này, khẳng định đã bắn hạ 5 máy bay chiến đấu của Ấn Độ trong một trận không chiến kéo dài khoảng một giờ diễn ra trên không phận trải rộng hơn 160 km.
Mảnh vỡ của một chiếc máy bay ở khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý vào ngày 7/5/2025. CNN không thể xác minh độc lập chiếc máy bay này thuộc sở hữu của ai hoặc nguyên nhân nào khiến nó rơi. Ảnh: Tauseef Mustafa/AFP/Getty Images.
Phía Ấn Độ gần như không phản hồi gì trước các tuyên bố từ Pakistan, mặc dù họ khẳng định các đợt tấn công của mình đã đánh trúng nhiều mục tiêu khủng bố như dự kiến và công bố các đoạn video mà họ nói là bằng chứng của những cuộc tấn công này.
Đại sứ quán Ấn Độ tại Trung Quốc đã bác bỏ các thông tin cho rằng Pakistan đã bắn rơi các chiến đấu cơ của Không quân Ấn Độ. Trên nền tảng X, đại sứ quán nêu rõ một số bức ảnh lan truyền trên mạng được cho là hình ảnh các máy bay rơi thực chất là ảnh cũ từ những vụ việc không liên quan xảy ra vào năm 2021 và 2024.
Đuôi của máy bay Rafale EH của Ấn Độ. Nguồn hình ảnh: mạng xã hội X.
Trong khi Ấn Độ chưa thừa nhận bất kỳ tổn thất nào về máy bay, thì phía Pakistan cũng không đưa ra thêm bằng chứng cụ thể nào chứng minh họ đã bắn hạ các máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Pháp cho biết ít nhất một chiếc Rafale – loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Ấn Độ do Pháp sản xuất – đã bị bắn rơi trong trận chiến. Các chuyên gia quân sự vẫn giữ thái độ thận trọng, lưu ý rằng các tuyên bố của Pakistan chưa được xác nhận, trong khi Ấn Độ cũng không bác bỏ chúng.
Hãng tin CNN dẫn lời một người dân địa phương cho biết, một máy bay chiến đấu chưa xác định danh tính đã rơi xuống gần tòa nhà trường học tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Các bức ảnh do hãng tin AFP công bố cho thấy các mảnh vỡ máy bay nằm rải rác trên một cánh đồng. Tuy nhiên, vẫn chưa thể xác định rõ từ các bức ảnh rằng chiếc máy bay đó thuộc bên nào và nguyên nhân bị rơi là gì.
Tên lửa không đối không PL-15 của Trung Quốc được sử dụng trong không chiến Pakistan - Ấn Độ?
Cuộc không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan hiện vẫn rất mơ hồ, nhưng có một điểm gần như chắc chắn: Pakistan đã sử dụng tên lửa không đối không PL-15 do Trung Quốc sản xuất.
Tên lửa không đối không PL-15 của Trung Quốc. Ảnh: TWZ.
Cuộc giao tranh giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này là một trong những trận chiến căng thẳng nhất trong nhiều thập kỷ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ leo thang. Hình ảnh tên lửa PL-15, cùng các bộ phận của tên lửa rơi ở quận Hoshiarpur, Ấn Độ, đã bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội. Phần thân tên lửa có số sê-ri và một cánh cửa nhỏ đánh dấu là "cổng thử đầu dò".
Hình ảnh được cho là đầu dò tên lửa PL-15 của Trung Quốc. Ảnh: TWZ.
Tên lửa PL-15 sử dụng công nghệ radar mảng pha điện tử, cho phép khả năng chống trả tốt hơn so với các tên lửa không đối không trước đây. Dù chưa xác định chắc chắn liệu tên lửa này có bắn hạ thành công mục tiêu hay không, nhưng việc Pakistan sử dụng vũ khí này là một bước tiến lớn, đánh dấu lần đầu tiên vũ khí này được xác nhận trong tác chiến.
Tên lửa PL-15 của Trung Quốc có khả năng tầm xa 124 dặm, với hệ thống liên kết dữ liệu hai chiều giúp cập nhật thông tin cho cả máy bay phóng và tên lửa. Vũ khí này hiện đang thay thế tên lửa PL-12 cũ trên các máy bay chiến đấu của Trung Quốc và được xuất khẩu với tên gọi PL-15E.
Ảnh: TWZ.
Pakistan đang trang bị PL-15E cho các máy bay chiến đấu JF-17 Block III và J-10C. Ấn Độ có vũ khí đối trọng với PL-15 là tên lửa MBDA Meteor, một vũ khí tầm xa sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng, được cho là có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm xa tốt hơn. Tuy nhiên, dù tên lửa PL-15 có tấn công thành công hay không, Pakistan vẫn tiếp tục tuyên bố rằng máy bay Ấn Độ đã bị bắn hạ.
Vì sao Mỹ không đứng ra làm dịu căng thẳng Ấn Độ – Pakistan?
Căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan hiện nay là kiểu xung đột mà trước đây Mỹ thường can thiệp mạnh mẽ để làm trung gian hòa giải, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh lan rộng. Tuy nhiên, lần đối đầu mới nhất, vượt ra ngoài khu vực Kashmir có thể trở thành một phép thử đối với mức độ quan tâm và chính sách ngoại giao của chính quyền Trump, cũng như cho thấy một thế giới không còn vai trò lãnh đạo chủ chốt của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong một buổi lễ tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images.
Phản ứng của Tổng thống Donald Trump ban đầu khá dè dặt, và dù sau đó có ngỏ ý sẵn sàng hỗ trợ, Mỹ vẫn chưa thể hiện một nỗ lực ngoại giao rõ ràng nào nhằm làm trung gian hòa giải hay điều phối phản ứng quốc tế. Việc này phần nào phản ánh cách tiếp cận đối ngoại hạn chế của chính quyền Trump nhiệm kỳ thứ hai, vốn đã từ bỏ nhiều nguyên tắc truyền thống trong sách lược ngoại giao của Mỹ.
Bối cảnh hiện tại cũng chưa thuận lợi cho các nỗ lực ngoại giao, khi hai bên được cho là vẫn đang trong giai đoạn leo thang căng thẳng. Việc Pakistan tuyên bố đã "trả đũa" bằng các hành động quân sự chưa làm dịu đi cam kết tấn công từ cả hai phía.
Ngọc Mai
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/co-gi-dac-biet-sau-don-khong-kich-pakistan-cua-an-do-328067.htm