Lò lửa Trung Đông bùng cháy trở lại và những hệ lụy tiềm tàng

Lò lửa Trung Đông bùng cháy trở lại và những hệ lụy tiềm tàng
3 giờ trướcBài gốc
Máy bay bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống sân bay quốc tế Sanaa, ngày 7/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Chảo lửa Trung Đông tiếp tục nóng
Trên Biển Đỏ, cuộc đối đầu Israel-Mỹ và Houthi leo thang. Căng thẳng giữa Israel và lực lượng Houthi ở Yemen đã leo thang nghiêm trọng sau các cuộc tấn công trả đũa liên tiếp. Ngày 5/5, quân đội Israel thừa nhận đã huy động khoảng 20 máy bay chiến đấu tiến hành hàng chục đợt không kích nhằm vào Cảng Hodeidah và các mục tiêu khác của Houthi dọc bờ biển phía Tây Yemen.
Động thái này được thực hiện để đáp trả vụ Houthi phóng tên lửa tấn công gần sân bay quốc tế Ben Gurion của Israel một ngày trước đó. Kênh truyền hình Al-Masirah của Houthi đưa tin có ít nhất 48 đợt không kích nhắm vào các vị trí trọng yếu như cảng, sân bay, nhà máy xi măng và các cơ sở quân sự, khiến ít nhất 21 người bị thương. Thiệt hại tại Cảng Hodeidah, điểm tiếp nhận khoảng 80% lượng thực phẩm nhập khẩu vào Yemen, được cho là rất nghiêm trọng, với ước tính 70% cầu tàu, nhà kho và khu vực hải quan bị phá hủy, làm tê liệt hoàn toàn giao thông tại cảng. Phía Houthi cảnh báo Israel sẽ phải đối mặt với hậu quả "không thể tưởng tượng được".
Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ đáp trả cả Houthi và Iran, quốc gia mà Israel cáo buộc đứng sau các cuộc tấn công. Mặc dù một quan chức Mỹ giấu tên cho biết lực lượng nước này không tham gia trực tiếp vào vụ không kích ngày 5/5, nhưng thừa nhận có sự phối hợp chung giữa hai đồng minh.
Tại điểm nóng Gaza, Israel mở rộng chiến dịch, áp lực gia tăng. Sau khi lệnh ngừng bắn kéo dài 2 tháng kết thúc và các cuộc đàm phán gia hạn thất bại vào giữa tháng 3 năm nay, Israel đã nối lại và đẩy mạnh chiến dịch quân sự tại Dải Gaza. Ngày 5/5, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố về một cuộc tấn công mới, mô tả đây là một chiến dịch quân sự "chuyên sâu" nhằm đánh bại Hamas, thay vì các cuộc tấn công chớp nhoáng "đánh rồi rút lui" như trước.
Nội các an ninh Israel cũng đã nhất trí thông qua kế hoạch mở rộng hoạt động trên bộ, bao gồm "các cuộc tấn công mạnh mẽ vào Hamas", giữ quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ và di chuyển dân số Gaza về phía Nam, nhằm gia tăng sức ép buộc Hamas giải cứu các con tin.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cũng đã triệu tập hàng chục nghìn quân dự bị để chuẩn bị cho chiến dịch mới, thay thế lực lượng đang tại ngũ ở Israel và Bờ Tây để tái triển khai đến Gaza. Tuy nhiên, con số này vẫn ít hơn nhiều so với hàng trăm nghìn quân được huy động hồi tháng 10/2023. Kể từ khi nối lại chiến dịch ngày 18/3 năm nay, quân đội Israel đã kiểm soát khoảng 40% Dải Gaza.
Trên mặt trận Syria, Israel tăng cường không kích. Song song với các diễn biến tại Yemen và Gaza, Israel cũng gia tăng đáng kể các hoạt động quân sự tại Syria. Ngày 2/5, hãng thông tấn SANA của Syria đưa tin quân đội Israel đã tiến hành hàng loạt cuộc không kích nhằm vào nhiều địa điểm gần thủ đô Damascus và các khu vực khác trên cả nước.
Cụ thể, các cuộc tấn công đã nhắm vào vùng ngoại ô Harasta gần Damascus, với ít nhất 10 cuộc không kích được ghi nhận xung quanh khu vực này, bao gồm cả đồn quân sự gần Bệnh viện quân y Harasta. Tại thị trấn Kanaker, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã làm 4 người thiệt mạng. Ở miền Nam Syria, các vùng ngoại ô của thị trấn Mothbeen và Izraa thuộc tỉnh Daraa cũng bị không kích. Miền Trung Syria cũng không ngoại lệ, với các cuộc tấn công vào ngoại ô làng Shahta và các tỉnh Homs, Hama, khiến ít nhất 4 cư dân Hama bị thương.
Đáng chú ý, đài truyền hình KAN của Israel đưa tin chính phủ nước này đã phê chuẩn việc mở rộng các mục tiêu tấn công ở Syria, với sự chấp thuận trực tiếp từ Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Katz. Ngoài ra, Israel còn đưa quân vào khu phi quân sự rộng 235 km2 do Liên hợp quốc giám sát tại Syria và tuyên bố vùng đất sâu 50 km trong lãnh thổ Syria là một phần của "khu vực ảnh hưởng" phi quân sự của mình.
Người dân Palestine chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại thành phố Gaza ngày 24/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Hệ lụy đa chiều tại Trung Đông
Xung đột leo thang đang phủ bóng đen lên nền kinh tế Trung Đông. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Trung Đông và Bắc Phi năm 2025 xuống còn 2,6%, giảm đáng kể so với mức 4% dự báo trước đó, và dự báo tăng trưởng năm 2026 cũng giảm từ 4,2% xuống 3,4%. Nguyên nhân chính được chỉ ra là tác động từ căng thẳng thương mại toàn cầu, bất ổn kinh tế và chính trị, sự phục hồi sản lượng dầu chậm hơn dự kiến và ảnh hưởng kéo dài từ các cuộc xung đột. Mặc dù các biện pháp thuế quan của Mỹ không ảnh hưởng trực tiếp nhiều đến khu vực, nhưng sự bất ổn toàn cầu đã tác động mạnh đến đầu tư, thị trường tài chính và giá dầu, làm trầm trọng thêm đà suy thoái.
Căng thẳng quân sự kéo theo những rạn nứt nghiêm trọng trên mặt trận ngoại giao. Mối quan hệ giữa Israel và Qatar, một trong những quốc gia trung gian quan trọng trong các cuộc đàm phán ngừng bắn tại Gaza, trở nên đặc biệt căng thẳng. Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 4/5 đã công khai cáo buộc Qatar "không hợp tác" và phải chịu trách nhiệm cho sự đổ vỡ của thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin, yêu cầu các nước khác gây sức ép lên Doha.
Thảm kịch nhân đạo ở Gaza ngày càng trầm trọng. Hậu quả của các hoạt động quân sự đang giáng những đòn nặng nề nhất lên người dân thường tại Dải Gaza. Kể từ khi Israel nối lại chiến dịch vào ngày 18/3, đã có hơn 2.300 người Palestine thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương, nâng tổng số người thiệt mạng kể từ tháng 10/2023 lên hơn 52.400, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Các vụ không kích vẫn tiếp diễn gây thương vong dân sự, như vụ tấn công vào trại tị nạn ở Khan Younis ngày 3/5 làm ít nhất 11 người chết, gồm 8 thành viên một gia đình với 3 trẻ nhỏ, trong đó có trẻ một tháng tuổi.
Tình hình nhân đạo đang ở mức báo động. Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cảnh báo Gaza đang "bên bờ vực sụp đổ hoàn toàn" sau khi Israel chặn toàn bộ viện trợ từ ngày 2/3 để gây sức ép lên Hamas. ICRC nhấn mạnh nếu viện trợ không được nối lại ngay lập tức, họ sẽ không đủ lương thực, thuốc men và vật tư để duy trì các chương trình cứu trợ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra lời cảnh báo đau lòng, cho rằng "thể xác và tâm hồn của trẻ em ở Gaza đang bị hủy hoại", tình trạng suy dinh dưỡng làm suy giảm hệ miễn dịch, gia tăng nguy cơ bệnh tật.
Trong bối cảnh xung đột lan rộng, chiến lược và mục tiêu của Israel và đồng minh Mỹ trong thời gian tới trở thành tâm điểm chú ý. Thủ tướng Netanyahu, sau những gì được coi là thất bại an ninh ngày 7/10/2023, dường như đang chuyển sang một học thuyết quân sự mới. Ông tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự "chuyên sâu" tại Gaza nhằm gây áp lực tối đa lên Hamas để giải cứu con tin, đồng thời giữ quyền kiểm soát lãnh thổ đã chiếm đóng và có thể mở rộng hoạt động. Mục tiêu giải cứu con tin được IDF đặt lên hàng đầu, nhưng song song đó là quyết tâm đánh bại Hamas. Israel cũng cho thấy ý định duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài hoặc thiết lập các "khu vực ảnh hưởng" tại các nước láng giềng như Liban và Syria.
Một yếu tố quan trọng được cho là ảnh hưởng đến các quyết sách của Israel là chính quyền Trump. Nhà Trắng đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Israel, đảo ngược các chính sách trước đây của Mỹ, dỡ bỏ lệnh tạm hoãn cung cấp vũ khí hạng nặng và ủng hộ các hành động quân sự của Israel. Mỹ cũng duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong khu vực, gia hạn thời gian hoạt động của các tàu sân bay như USS Harry S. Truman và USS Carl Vinson để đối phó với Houthi và các mối đe dọa khác.
Công Thuận/Báo Tin tức và Dân tộc (tổng hợp)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/lo-lua-trung-dong-bung-chay-tro-lai-va-nhung-he-luy-tiem-tang-20250508145849372.htm