Cơ hội bứt phá cho Ấn Độ nhờ căng thẳng Mỹ – Trung Quốc

Cơ hội bứt phá cho Ấn Độ nhờ căng thẳng Mỹ – Trung Quốc
5 giờ trướcBài gốc
Thời cơ của Ấn Độ
Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã nâng thuế nhập khẩu lên mức kỷ lục 145% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, từ đó tạo ra cuộc đua giành thị phần xuất khẩu vào thị trường Mỹ cho nhiều quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ. Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Thương mại toàn cầu (GTRI), “Ấn Độ hiện đang có lợi thế ở một số nhóm ngành hàng quan trọng nhờ chính sách mới của Mỹ”.
Với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng, các chuỗi cung ứng toàn cầu đang buộc phải đẩy mạnh tái cấu trúc. Nhiều doanh nghiệp quốc tế đã lên kế hoạch chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc sang những thị trường mới.
Apple đã nâng mức sản xuất iPhone tại Ấn Độ lên gần 22 tỉ đô la trong giai đoạn 12 tháng kết thúc vào tháng 3-2025, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Apple hiện đang đàm phán với các đối tác gia công tại Ấn Độ để chuyển sang lắp ráp tại quốc gia Nam Á này phần lớn số iPhone mà hãng sẽ bán tại Mỹ vào cuối năm 2026. Kế hoạch này được dự báo sẽ giúp Ấn Độ nâng tầm vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang nổi lên là điểm đến thay thế Trung Quốc trong các ngành xuất khẩu chủ chốt mà nước này có lợi thế tự nhiên hoặc công nghệ như dược phẩm, hóa chất, dệt may, da giày, gốm sứ, sản phẩm thủy tinh, nhựa và thiết bị y tế.
Trong ngành hóa chất, chỉ riêng trong năm 2024, Mỹ đã nhập khẩu 165,5 tỉ, trong đó 9,7% là từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng nhóm sản phẩm quan trọng là hoạt chất tiền dược phẩm (API), vitamin C, và thuốc thử hóa học, Trung Quốc chiếm tới 71,8% lượng hàng hóa xuất vào Mỹ. Báo cáo của GTRI phân tích: “Ấn Độ với hệ sinh thái sản xuất API mạnh mẽ và tiết kiệm chi phí đang ở vị thế khá thuận lợi để hấp thụ một phần lớn nhu cầu mà Trung Quốc từng đảm nhiệm”.
Đối với lĩnh vực dệt may, trong năm ngoái Mỹ nhập khẩu 16,6 tỉ đô la, trong đó Trung Quốc chiếm 15,3% chủ yếu là sợi bông, xơ tổng hợp, vải nhuộm. Ấn Độ cùng Pakistan, Bangladesh là những quốc gia có năng lực cạnh tranh tốt về kéo sợi, dệt vải đang sẵn sàng nắm bắt thị phần mà các doanh nghiệp Trung Quốc bỏ lại.
Với các mặt hàng da giày, tổng lượng nhập khẩu của Mỹ trong năm ngoái đạt 14,9 tỉ đô la, trong đó Trung Quốc chiếm 21,9%. Ấn Độ cùng với Việt Nam được đánh giá là những quốc gia có các cụm công nghiệp da giày lớn cũng đang đứng trước cơ hội vươn lên mạnh mẽ.
Những lợi thế sẽ càng lớn hơn nữa nếu Ấn Độ có thể trở thành quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ để tránh bị áp thuế đối ứng. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ đang diễn ra dễ dàng hơn so với nhiều nước khác vì rào cản thương mại của quốc gia Nam Á này chủ yếu là thuế quan cao. New Delhi được Washington đánh giá là “không thao túng tiền tệ” và có ít rào cản thương mại phi thuế quan phức tạp.
Những rào cản cố hữu cho tham vọng của Ấn Độ
Tuy nhiên con đường chuyển mình của Ấn Độ được dự báo sẽ không hề bằng phẳng. Các doanh nghiệp nước này hiện vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt rào cản cố hữu: từ việc thiếu lực lượng lao động có tay nghề, khó tiếp cận công nghệ cao, cho tới nguồn nguyên liệu và linh kiện vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Câu chuyện của nhà máy pin lithium LiKraft ở bang Haryana là minh chứng rõ ràng cho vấn đề này. Ông Vikram Bathla, nhà sáng lập LiKraft cho biết, việc tiếp cận công nghệ là rào cản khó khăn nhất đối với doanh nghiệp của ông. Công ty phụ thuộc rất nhiều vào hàng nhập khẩu, cần phải mua số lượng lớn và mất thời gian vận chuyển.
Đặc biệt, việc thuê được nhân sự cần thiết để thực hiện các công việc kỹ thuật cao cũng rất khó khăn. “Chúng tôi có thể mua thiết bị và chúng tôi đã mua, phần lớn trong số đó đến từ Trung Quốc”. Ông Bathla cho biết, “điều chúng tôi còn thiếu là những công nhân lành nghề để sử dụng chúng”.
Ngay cả Apple dù đã mở rộng sản xuất tại Ấn Độ, nhưng các linh kiện chủ chốt vẫn nhập từ Trung Quốc, trong khi công đoạn tại Ấn Độ chủ yếu là bước lắp ráp cuối cùng.
“Sẽ mất nhiều năm để chuyển một bộ phận đáng kể chuỗi cung ứng sản xuất iPhone cốt lõi từ Trung Quốc sang Ấn Độ”, chuyên gia phân tích Dan Ives tại Wedbush Securities cho biết.
Mỹ trong quá trình đàm phán thương mại song phương cũng đòi hỏi Ấn Độ phải mở cửa thị trường hơn nữa, đặc biệt là với các lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp, thực phẩm, thương mại điện tử. Điều này đang đặt chính quyền Thủ tướng Modi trước áp lực phải cân bằng giữa lợi ích quốc gia và nhu cầu đối tác, đặc biệt là trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực đã chủ động cam kết giảm thuế, tăng nhập khẩu hàng Mỹ để sớm đạt được thỏa thuận thương mại, tranh thủ cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu vào Mỹ.
Triển vọng nào cho kinh tế Ấn Độ
Trong suốt thập niên qua, Thủ tướng Narendra Modi đã đặt tham vọng đưa Ấn Độ trở thành trung tâm công nghiệp mới của thế giới. New Delhi đã chủ động đẩy mạnh chiến lược “Make in India” đi kèm hàng loạt cải tổ và ưu đãi đầu tư nhằm tăng sức hấp dẫn với các tập đoàn đa quốc gia.
Tuy nhiên trớ trêu ở chỗ, sau một thập niên, tỷ trọng sản xuất công nghiệp của nước này không những không tăng lên, mà thậm chí suy yếu so với các ngành nông nghiệp và dịch vụ, giảm từ 15% xuống dưới 13% GDP. Đó là nghịch lý của một quốc gia đông dân bậc nhất và đang ở thời kỳ “dân số vàng”.
Thêm vào đó, tỷ trọng của xuất khẩu hàng hóa trong nền kinh tế Ấn Độ vẫn còn khá thấp, chỉ khoảng 12% GDP. Theo Bloomberg, đây là một con số quá thấp để có thể cạnh tranh vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc - nơi xuất khẩu hàng hóa chiếm tới 25% GDP. Việc thiếu các chuỗi cung ứng tích hợp cũng khiến Ấn Độ khó lòng thay thế Trung Quốc ở những ngành công nghệ cao như điện tử, máy móc.
Tuy vậy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã mang đến cho Ấn Độ một cơ hội hiếm có để bứt phá thành trung tâm sản xuất mới toàn cầu - giấc mơ lâu nay của các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp nước này. Nếu biết tận dụng thời điểm vàng này để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng sản xuất và thu hút đầu tư ngoại, kinh tế Ấn Độ sẽ được tiếp thêm động lực tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo các chuyên gia, để duy trì tăng trưởng bền vững, nước này cần đầu tư thực chất vào sản xuất, xây dựng các cụm công nghiệp chuyên sâu, ứng dụng công nghệ cao, tăng giá trị nội địa và minh bạch hóa chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Mỹ.
Nguồn: Al Jazeera, Fortune, NDTV, New York Times, RSIS, New India Express, Asia Times, Semafor
Ngân Diệp
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/co-hoi-but-pha-cho-an-do-nho-cang-thang-my-trung-quoc/