Cơ hội cho sản phẩm đặc trưng Đồng Tháp vươn xa

Cơ hội cho sản phẩm đặc trưng Đồng Tháp vươn xa
7 giờ trướcBài gốc
ĐTO - Để giúp doanh nghiệp (DN) quảng bá sản phẩm hàng hóa, vừa qua, Sở Công thương Đồng Tháp hỗ trợ các sản phẩm đặc sản đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp tham gia Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2024. Chương trình này góp phần giúp các sản phẩm của tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng đến xây dựng thương hiệu.
Khách hàng TP Hồ Chí Minh quan tâm đến gian hàng giới thiệu đặc sản của tỉnh Đồng Tháp tại Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2024
Nhiều hoạt động kết nối
Để nâng cao giá trị cho sản phẩm đặc trưng, ngay từ đầu năm, Sở Công thương Đồng Tháp xây dựng kế hoạch triển khai chuỗi sự kiện trong chương trình kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2024. Đây được xem là cơ hội hình thành kênh tiếp xúc giữa chính quyền, DN các tỉnh, thành phố với thị trường TPHCM, cung ứng và phân phối đến với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chương trình giúp kết nối, hỗ trợ phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm lợi thế của tỉnh; thúc đẩy thương mại điện tử, kết nối cung cầu trực tuyến, hỗ trợ DN, đơn vị sản xuất - kinh doanh trong tỉnh tiếp cận và xây dựng kênh bán hàng trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử...
Đưa các sản phẩm tinh dầu mang đậm hương vị đặc trưng Đồng Tháp tham gia sự kiện, chị Đoàn Ngọc Minh Thùy - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất tinh dầu Hương Đồng Tháp (phường An Thạnh, TP Hồng Ngự), chia sẻ: “Khi tham gia chương trình, nhiều khách hàng quan tâm đến sản phẩm của công ty. Việc cung - cầu hàng hóa thông qua sự kiện này là biện pháp tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiêu thụ sản phẩm. Cũng tại sự kiện này, các hộ sản xuất hiểu thêm nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng từ lời khuyên của các đầu mối thu mua sản phẩm. Tôi mong muốn các đơn vị Trung ương tổ chức nhiều hơn nữa các sự kiện kết nối cung - cầu hàng hóa để đem lại lợi ích thiết thực cho các DN như tôi, mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm ổn định hơn”.
Ông Trương Thanh Hoài - Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kích cầu tiêu dùng trong nước, thời gian qua, ngành công thương tích cực kết nối để lưu thông, trao đổi hàng hóa trong nước; gỡ khó cho DN. Trong đó, hội nghị kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2024 có ý nghĩa to lớn cho sự phát triển kinh tế của thành phố và các tỉnh, thành trong cả nước nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đồng thời triển khai nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới, hoàn thiện sản xuất trong nước”.
Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất tinh dầu Hương Đồng Tháp giới thiệu sản phẩm với khách hàng tại TP Hồ Chí Minh
Cơ hội mở rộng thị trường
Sau 12 năm tổ chức, Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2024 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 700 gian hàng của hơn 2.000 DN đến từ 45 tỉnh, thành phố trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, đi vào chiều sâu. Trong đó, các hoạt động kết nối B2B trực tiếp; tìm kiếm nguồn hàng của các chợ đầu mối; 13 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, 4 sàn thương mại điện tử; cùng với các hoạt động kết nối trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử và không gian trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, ẩm thực đặc sắc của 6 vùng miền trên cả nước, mang đến những cơ hội hợp tác thiết thực và trải nghiệm mua sắm thú vị cho người tiêu dùng.
Để đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của cộng đồng DN, hoạt động kết nối trực tuyến với chủ đề “Mega Live hàng Việt - Sản phẩm OCOP tiêu biểu” được tổ chức sôi động với 19 phiên livestream quy mô lớn, 2 chiến dịch “Đặc sản vùng miền” trên các sàn thương mại điện tử, các phiên kết nối thương mại điện tử chuyên đề, các hoạt động tập huấn kỹ năng bán hàng trực tuyến; không gian trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, ẩm thực đặc sắc của 6 vùng miền cả nước...
Tham gia Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2024, tỉnh Đồng Tháp có 30 đơn vị là DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, với hơn 80 sản phẩm tham gia trưng bày kết nối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp. Qua đó, gian hàng của tỉnh đã thu hút và đón tiếp hơn 2.000 lượt khách tham quan, dùng thử và mua sắm sản phẩm. Ngoài ra, các đơn vị của tỉnh còn trao đổi ghi nhớ với hơn 20 đối tác quan tâm đến tìm hiểu, trao đổi thông tin.
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động kết nối B2B trực tiếp, các đơn vị Đồng Tháp đã thỏa thuận ghi nhớ và ký hợp đồng tiêu thụ với 5 đại lý, nhà phân phối. Đối với hoạt động kết nối trực tuyến, DN, hợp tác xã của tỉnh đã học hỏi thêm nhiều kỹ năng kinh doanh thương mại điện tử; cách thức xây dựng và phát triển sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử; đồng thời giúp các DN, hợp tác xã thực hành các thao tác bán hàng trực tiếp, xây dựng các video quảng bá thương hiệu sản phẩm... giúp gia tăng cơ hội kết nối giao thương và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm...
Ông Nguyễn Văn Luận - Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, cho biết: “Thời gian tới, Sở Công thương Đồng Tháp sẽ phối hợp với Sở Công thương TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hợp tác thương mại giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, triển khai chương trình “Tick xanh trách nhiệm” đến các chủ thể nhằm định hướng hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững khi tham gia vào các hệ thống phân phối bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh; phối hợp với các ngành, địa phương đôn đốc, hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất thông tin nhu cầu thị trường, cải tiến thiết bị, máy móc, chủ động trong minh bạch nguồn gốc sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải tiến mẫu mã bao bì, nhãn hiệu phù hợp nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng và quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu; triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, hộ kinh doanh phát triển kinh doanh qua thương mại điện tử, vận hành kênh bán hàng trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử; hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản, đặc trưng trong việc tìm kiếm mở rộng hệ thống đại lý phân phối hàng hóa...”.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Sự phát triển của TP Hồ Chí Minh luôn gắn liền với sự phát triển của các địa phương khác. Trong đó, xây dựng chuỗi cung ứng từ nuôi, trồng, thu hoạch, lưu trữ, sơ chế, chế biến, sản xuất... đến tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động kết nối cung cầu. Kết nối cung cầu không chỉ dừng lại là kết nối người mua và người bán mà phải là kết nối nâng cao trách nhiệm. Trách nhiệm không chỉ của nhà cung cấp trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn là trách nhiệm của nhà bán lẻ trong việc định hướng, hỗ trợ sản xuất; trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc giám sát và trách nhiệm của ngành công thương, ngành nông nghiệp trong xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững...”.
Ông Trương Thanh Hoài - Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, để phát huy các kết quả đạt được và khắc phục hạn chế tồn tại, UBND các tỉnh, thành phố và Sở Công thương các địa phương và các DN cần tăng cường triển khai các giải pháp, đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng hàng hóa Việt Nam; đẩy mạnh thương mại điện tử, kết nối cung cầu; tập trung hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, sản phẩm bình chọn thương hiệu vàng, OCOP, nông sản đặc sản... đạt tiêu chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi cung ứng xanh. Cùng với đó, chú trọng phối hợp kiểm tra chất lượng hàng hóa để đảm bảo tiêu chí mà chương trình đặt ra; kết hợp chặt chẽ triển khai kết nối cung cầu với chương trình bình ổn thị trường để tạo nguồn hàng giá cả hợp lý cung ứng cho thị trường...”.
Nhật Nam
Nguồn Đồng Tháp : https://baodongthap.vn/kinh-te/co-hoi-cho-san-pham-dac-trung-dong-thap-vuon-xa-126121.aspx