Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khởi nguồn từ năm 2018, đã bước sang giai đoạn căng thẳng mới vào năm 2025 với các mức thuế trả đũa liên tục leo thang. Tính đến ngày 10.4 vừa qua, Mỹ đã áp dụng mức thuế 125% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, sau khi tăng thêm 50% vào ngày 9.4 (từ mức 104% trước đó). Động thái này là lời đáp trả trực tiếp của Tổng thống Donald Trump khi Trung Quốc từ chối rút lại mức thuế 34% áp lên hàng hóa Mỹ công bố ngày 4.4. Đến ngày 9.4, Trung Quốc nâng mức thuế trả đũa lên 84% (tăng thêm 50% so với mức 34% trước đó), chính thức có hiệu lực từ ngày 10.4.2025.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định là đây cơ hội để Việt Nam củng cố vị thế tại Mỹ, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn từ sự chuyển hướng của Trung Quốc. Ngành thủy sản Việt Nam cần hành động nhanh, linh hoạt và minh bạch để tận dụng "cửa sổ vàng" này, đồng thời cũng cần thận trọng để tránh bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh tiêu cực.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang với các mức thuế trả đũa ngày càng tăng, tạo ra những biến động lớn trong dòng chảy thương mại toàn cầu, đặc biệt là trong ngành thủy sản. Với vị thế là quốc gia sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ mất thị phần tại Mỹ, buộc họ phải chuyển hướng sang các thị trường khác.
Theo VASEP, sự dịch chuyển của Trung Quốc làm thay đổi dòng chảy thương mại thủy sản. Giá nguyên liệu có thể biến động khi Trung Quốc giảm nhập khẩu (4,4 triệu tấn năm 2024, giảm từ 4,6 triệu tấn năm 2023). Các nhà cung cấp lớn như Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn để chiếm thị phần tại Mỹ và EU.
Sự suy giảm của Trung Quốc tại Mỹ mở ra cơ hội cho Việt Nam gia tăng thị phần. Với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ khoảng 1,8 - 2 tỉ USD/năm (20% tổng kim ngạch), Việt Nam có thể tận dụng nhu cầu ổn định từ người tiêu dùng Mỹ để đẩy mạnh xuất khẩu tôm và cá tra.
Tuy nhiên, Trung Quốc tăng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản (nơi Việt Nam chiếm 15 - 17% và 14 - 15% kim ngạch) cũng sẽ tạo áp lực cạnh tranh lớn. Nguy cơ hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam để né thuế Mỹ cũng đe dọa uy tín và có thể dẫn đến thuế trừng phạt từ Mỹ.
Để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro, VASEP khuyến cáo ngành thủy sản Việt Nam cần tăng cường xuất khẩu sang Mỹ, đó là tập trung vào các sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ và chế biến giá trị gia tăng để lấp khoảng trống Trung Quốc để lại; đàm phán với Mỹ để tránh thuế chống bán phá giá, cung cấp dữ liệu minh bạch về nguồn gốc và giá thành.
Cần chuyển hướng và đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ hoặc Trung Quốc: Đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, qua các FTA (các hiệp định EVFTA, CPTPP, RCEP) để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Ví dụ, tôm Việt Nam vào EU được miễn thuế, trong khi hàng Trung Quốc chịu 12 - 20%; khai thác thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ để phân tán rủi ro.
Cần tăng cường kiểm soát hải quan, kiểm soát xuất xứ, minh bạch truy xuất nguồn để đảm bảo thủy sản xuất khẩu là 100% từ Việt Nam; hợp tác với Mỹ để giám sát chuỗi cung ứng, tránh bị nghi ngờ lẩn tránh thuế; cùng với đó là phát triển chuỗi cung ứng bền vững để giảm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh.
Tuyết Nhung