Cơ hội cho trung tâm dạy thêm?

Cơ hội cho trung tâm dạy thêm?
10 giờ trướcBài gốc
Theo Thông tư 29, chỉ một số nhóm học sinh mới phải học thêm do nhà trường tổ chức (ảnh minh họa)
Chớp thời cơ
Có nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, ngay khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm được ban hành, đại diện Công ty CP Thương mại Tân Việt Phát ở xã Tân Việt (Thanh Hà) đã đăng ký bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh là giáo dục THCS và THPT. Để đáp ứng các điều kiện của ngành nghề kinh doanh mới, công ty xây dựng thêm 10 phòng học và tuyển từ 5 - 10 giáo viên dạy thêm các môn. Dự kiến, đến khoảng tháng 4, doanh nghiệp này sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất, bảo đảm nguồn nhân lực và tiến hành hoạt động dạy thêm.
Ngay sau khi Thông tư 29 ban hành, anh Phạm Duy Khương cũng làm thủ tục để mở Trung tâm Giáo dục và Đào tạo FTC ở quê tại xóm 1, thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) với mục đích tổ chức dạy thêm, học thêm đa chương trình, giáo dục kỹ năng sống. Hiện nay, trung tâm đã tuyển được nhân sự gồm giáo viên các môn toán, văn, tiếng Anh, lịch sử, địa lý, nhân viên hành chính, truyền thông… và đang hoàn thiện các điều kiện để chuận bị bước vào hoạt động.
Theo anh Khương, các trung tâm mở ra nhằm đáp ứng cho những học sinh có nhu cầu thực. Các em học các môn mình cần chứ không phải nhiều môn như trường mở.
Nhiều trung tâm đã có đội ngũ giáo viên, cơ sở giảng dạy đáp ứng yêu cầu mới Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra. Đây sẽ là cơ hội cho các trung tâm tổ chức dạy thêm, giải quyết được nhu cầu thực sự muốn bồi dưỡng kiến thức của học sinh mà không phải học thêm theo trào lưu.
Lo "hút" giáo viên giỏi
Giảm việc học thêm, học sinh có thời gian dành cho các hoạt động vui chơi, giải trí
Có nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, anh Nguyễn Văn Tuấn ở TP Hải Dương đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục để thành lập trung tâm dạy thêm, học thêm. Theo anh Tuấn, ngoài cơ sở vật chất hiện đại phục vụ giảng dạy, nhân lực là yếu tố quan trọng nhất để hút giáo viên.
"Trung tâm đã liên kết với một số trường chất lượng cao trên địa bàn và sẽ ký hợp đồng lao động với một số giáo viên dạy giỏi. Với những giáo viên giỏi thì ký hợp đồng dài hạn, trung tâm sẽ có thêm nhiều chính sách phúc lợi để giữ chân giáo viên", anh Tuấn cho biết thêm.
Anh Nguyễn Văn Hùng có con đang học tại một trường THCS ở xã Hợp Tiến (Nam Sách) cho biết con anh đang học lớp 9, nhà trường thông báo phụ huynh có thể tìm các lớp ôn tập cho con tại các trung tâm hoặc mời gia sư. Tuy nhiên, vào thời điểm này khi học sinh đang chạy đua “nước rút” để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10, việc thay đổi giáo viên cũng như tìm kiếm trung tâm học thêm là rất khó khăn. "Chúng tôi đành phải dựa vào chất lượng giáo viên ở các trung tâm để quyết định việc học thêm cho các con và chấp nhận tăng chi phí học thêm", anh Hùng nói.
Ngoài nhân lực thì địa điểm đặt trung tâm cũng là vấn đề được quan tâm. Thực tế cho thấy, không ít trung tâm được thành lập ở khu vực thành phố nên việc đăng ký học thêm ở khu vực này sẽ dễ dàng và thuận tiện cho cả phụ huynh, học sinh. Nhưng ở nông thôn, không phải xã nào cũng có trung tâm để học sinh học thêm nên một số phụ huynh lo lắng, con phải đi cả chục km lên thị trấn hoặc sang các xã bên để học.
Một phụ huynh ở Tứ Kỳ cho biết: "Mở trung tâm dạy thêm không hề đơn giản nên không phải ai cũng mở được. Để học thêm con phải đi khá xa trong khi đi lại rất nguy hiểm, phụ huynh chúng tôi không phải lúc nào cũng đưa đi, đón về được. Tôi cũng chưa biết giải quyết vấn đề này thế nào", phụ huynh này nói.
Trong bối cảnh chính sách giáo dục có nhiều đổi mới, các trung tâm dạy thêm, học thêm cần nhanh chóng có những thay đổi cho phù hợp tình hình mới.
Phụ huynh cần lựa chọn trung tâm học thêm phù hợp với con em mình để việc học thêm không còn là áp lực và mang lại những kết quả tích cực, theo đúng nhu cầu mong muốn.
THỦY HIỀN
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/co-hoi-cho-trung-tam-day-them-405822.html