Cơ hội chưa từng có

Cơ hội chưa từng có
3 ngày trướcBài gốc
Năm 2024 đã khép lại với hàng loạt điểm sáng, trong đó nổi bật là sự hấp dẫn của Việt Nam với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tính đến hết tháng 11-2024, thu hút vốn FDI tăng khá, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt gần 31,4 tỉ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023.
Điểm đến hấp dẫn
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết trong năm 2024, Chính phủ và tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới NVIDIA đã ký kết thành lập Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI).
"Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á" - Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhận xét. Theo ông, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực bán dẫn, AI trong năm 2025 và giai đoạn tới.
Trong báo cáo về kinh tế vĩ mô vừa được công bố, Ngân hàng HSBC dự báo dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. HSBC nhấn mạnh chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Mỹ hồi tháng 9-2024 đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) phía Mỹ. Điển hình, Meta hay Shunsin - một công ty con của Foxconn - đã xin giấy phép đầu tư 80 triệu USD để sản xuất mạch tích hợp tại tỉnh Bắc Giang; hay như trường hợp nêu trên khi NVIDIA mở Trung tâm R&D để phát triển ứng dụng AI ở Việt Nam.
Về phía nhà đầu tư, hơn 5 năm trước, khi đến nước ta du lịch, ông Trương Thiệu Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiết bị hiển thị Tomko (Trung Quốc), nhận thấy Việt Nam là địa điểm lý tưởng để đầu tư. Sau đó, DN này đã quyết định đầu tư một nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử và đang nghiên cứu đầu tư thêm vào lĩnh vực logistics, chăm sóc sức khỏe.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, 2 năm trở lại đây, việc chuyển dịch chuỗi cung ứng vào Việt Nam ngày càng rõ nét. Năm 2024, dòng vốn đầu tư liên tiếp đổ vào Việt Nam, đặc biệt trong phần sản xuất lắp ráp, cung ứng linh kiện.
Những hãng lớn như Foxconn, Apple, Luxshare và GoerTek... đang đầu tư mở rộng sản xuất. Cùng với đó, các hãng điện tử lớn đã đầu tư tại Việt Nam như Samsung, LG, Intel... cũng cam kết mở rộng hoạt động. Việt Nam đang là điểm đến của dòng vốn chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc. Ngành điện tử Việt Nam đang đứng trước cơ hội chưa bao giờ có để bứt phá và tăng tốc.
Dự báo năm 2025, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhiều khả năng khởi động cuộc thương chiến với Trung Quốc, khiến nhiều tập đoàn lớn tiếp tục chuyển hướng đầu tư hoặc dời dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Với xuất khẩu, nhiều DN trong ngành dệt may đã có đơn hàng tới hết quý I/2025 và đang đợi tín hiệu từ thị trường Mỹ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Nếu Tổng thống Donald Trump đánh thuế vào hàng Trung Quốc với mức dự kiến 60%, trong khi các nước khác, trong đó có Việt Nam, chịu mức thuế thấp hơn từ 10%-20%, lợi thế cạnh tranh của hàng dệt may khi xuất khẩu vào Mỹ sẽ được duy trì.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm 2025, xuất khẩu dệt may kỳ vọng đạt 45,5-46 tỉ USD, tăng 5%-6% so với mức 43,5 tỉ USD của năm nay, với điều kiện hàng dệt may Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển bền vững, đáp ứng nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Chương trình đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với doanh nghiệp triển khai trong năm 2024Ảnh: DŨNG MINH
Nâng cao năng lực
Để tận dụng được làn sóng dịch chuyển của chuỗi cung ứng, ngành sản xuất của Việt Nam cần nâng cao năng lực. Thống kê từ Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam cho thấy tỉ lệ DN Việt tham gia chuỗi ngày càng nhiều nhưng mức độ tham gia và đóng góp không cao, chủ yếu vẫn dừng ở công đoạn giản đơn. DN Việt hầu hết quy mô vừa và nhỏ, trình độ công nghệ và nguồn nhân lực hạn chế.
Đại diện Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam khuyến nghị các DN trong nước cần lên kế hoạch để nắm bắt. Bà Hương thông tin các DN ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia cũng đang có xu hướng theo "ông lớn" đầu tư chuỗi vào Việt Nam. Những DN này có lợi thế về quy mô sản xuất, năng lực quản trị, tiềm lực tài chính tốt hơn DN Việt Nam. Nếu DN Việt không thay đổi, tái cấu trúc để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu về quản trị sản xuất, công nghệ, máy móc thiết bị thì sẽ rất khó để cạnh tranh giành đơn hàng, trở thành "mắt xích" trong chuỗi.
Ông Trương Thiệu Cường cũng nhìn nhận Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái cho ngành công nghiệp hỗ trợ, chủ động nguyên phụ liệu để tránh phụ thuộc nhập khẩu; đồng thời đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực DN trong nước chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng giá trị công nghiệp cả nước. "DN trong nước chỉ có 24%, còn 76% là DN FDI. Một số DN đã ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo nhưng nhìn chung còn ở khu vực thấp. Rõ ràng DN chưa tận dụng được cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chưa tận dụng được xu thế dịch chuyển, chưa thu hút được vốn FDI. Chúng ta xem trong hệ sinh thái của Samsung hay một số tập đoàn điện, điện tử của Nhật Bản và Hàn Quốc, các DN nội tham gia được bao nhiêu trong phân khúc này?" - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đặt vấn đề.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thu hút vốn FDI không chỉ đơn giản tính bằng giá trị DN mà phải tính bằng năng lực và nội lực của DN Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất cung ứng. Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng cần hợp tác trong chuyển giao công nghệ, có cơ chế để DN FDI có lộ trình chuyển giao công nghệ; hợp tác đầu tư, đặc biệt là hợp tác đầu tư ra nước ngoài thông qua cơ chế đa phương, song phương, thông qua thu hút đầu tư FDI, thông qua hỗ trợ DN đầu tư ra nước ngoài.
Về phía mình, Bộ Công Thương khẩn trương tiếp thu và hoàn thiện, trình Chính phủ và trình Quốc hội các dự án luật liên quan đến phát triển công nghiệp, như luật về công nghiệp trọng điểm; tham mưu sửa đổi, bổ sung các luật và nghị định liên quan đến phát triển công nghiệp.
Để sẵn sàng trước các cơ hội đón dòng vốn đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ KH-ĐT sẽ phối hợp với các cơ quan tăng cường đối thoại kinh tế, thu hút các dự án FDI lớn, có tính lan tỏa, dẫn dắt cho các ngành, lĩnh vực kinh tế mới, chuỗi giá trị trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. "Cần xây dựng chính sách đủ mạnh để kết nối kinh doanh, hợp tác cùng phát triển giữa DN trong nước với DN FDI" - Bộ trưởng lưu ý.
Tập trung hút FDI công nghệ cao
Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc; tăng cường xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, AI, hydrogen.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, tạo điều kiện cho sản xuất - kinh doanh; đồng thời không để tỉ giá tăng nhanh, gây khó khăn cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm phục vụ sản xuất, xuất khẩu của DN.
Bắc Ninh đón 1,5 tỉ USD vốn ngoại ngay đầu năm mới
Ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, tiết lộ ngay những ngày đầu năm 2025, tỉnh sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho hàng loạt nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, với tổng số vốn ước tính khoảng 1,5 tỉ USD.
Năm 2025, Bắc Ninh sẽ nỗ lực thu hút đầu tư vào phát triển lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, phát triển khu công nghệ thông tin tập trung, tạo ra "thung lũng silicon", thu hút các trung tâm nghiên cứu và sản xuất, ứng dụng công nghệ AI, công nghệ bán dẫn. Tỉnh sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Bắc Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ đào tạo đối với lĩnh vực bán dẫn và ngành bán dẫn. Học sinh, sinh viên sẽ được hỗ trợ chi phí trong đào tạo. Đây là bước đi nhằm đón đầu dòng vốn FDI chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn.
Cùng với đó, Bắc Ninh đang hoàn thiện quy hoạch hệ thống cảng cạn, sân bay hàng không Gia Bình. Tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình đến trung tâm Hà Nội cũng sẽ sớm được triển khai xây dựng để tăng tính kết nối. Các dự án giao thông chiến lược, kết nối vùng, như dự án đường Vành đai 4, đang được triển khai tích cực, dự kiến hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch.
LÊ THÚY - MINH CHIẾN
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/co-hoi-chua-tung-co-196241231184857338.htm