Cơ hội để các địa phương rà soát lại kết quả học tập và kỹ năng của học sinh

Cơ hội để các địa phương rà soát lại kết quả học tập và kỹ năng của học sinh
một ngày trướcBài gốc
Học sinh Trường tiểu học Bình Hòa 2 (Bình Dương) tham gia đánh giá.
Cơ hội để rà soát chất lượng
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, tham gia các kỳ đánh giá diện rộng cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức là những dịp rất tốt để địa phương rà soát lại kết quả học tập và kỹ năng của học sinh.
Từ kinh nghiệm tham các kỳ đánh giá và tập huấn vận dụng chương trình PISA, TP. Hồ Chí Minh triển khai một số đợt khảo sát, kỳ thi cho toàn bộ học sinh mặc dù bộ đề thi chưa thực sự giống với đề thi của PISA.
Quang cảnh hội nghị.
TP. Hồ Chí Minh vận dụng Thông tư 69 của Bộ Tài chính về việc chi kinh phí triển khai các hoạt động đánh giá, khảo sát trong đó hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết cho kỳ đánh giá.
Còn theo ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, lãnh đạo Tỉnh, Ủy Ban nhân dân rất lắng nghe các cơ chế, chính sách để chất lượng giáo dục được nâng lên (hơn 96% các cơ sở giáo dục ở Bắc Giang đạt chuẩn quốc gia);
Chủ tịch UBND ban hành Kế hoạch số 33 để các cơ sở giáo dục thực hiện việc kiên cố hóa chuẩn quốc gia mức độ 2; Bắc Giang triển khai chuyển đổi số trong giáo dục như tổ chức dạy học theo mô hình kết hợp.
Vì vậy, trong các kỳ đánh giá Sở GD&ĐT Bắc Giang triển khai minh bạch, khách quan, công tâm.
Còn ở Thanh Hóa, mặc dù cơ sở hạ tầng còn khá khó khăn khi một số trường nằm trong mẫu khảo sát thuộc vùng sâu-vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. “Tuy nhiên, việc triển khai trả lời phiếu hỏi cha mẹ học sinh cần sự hỗ trợ tham gia của nhà trường, giáo viên để hoàn thành đầy đủ”, ông Lê Mạnh Quang, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết.
Đánh giá cao về quá trình thực hiện đánh giá chính thức, ông Lê Văn Cao, Chuyên viên Sở GD&ĐT Bình Phước cho hay, mốc thời gian thực hiện khảo sát rất phù hợp và được lãnh đạo Sở rất quan tâm các hoạt động kiểm tra-đánh giá.
Cùng với đó, Sở GD&ĐT Bình Phước phối hợp với Sở Truyền thông, Sở Điện lực để hỗ trợ triệt để trong thời gian tham gia các đợt khảo sát đánh giá diện rộng, vì vậy Sở GD&ĐT Bình Phước đã đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Hoàng Như Thanh, Chuyên viên phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Nam Định đánh giá: “Học sinh Tiểu học đã phát huy tốt khả năng khi tham gia chương trình SEA-PLM nhưng cần có giải pháp cho học sinh phổ thông khi tham gia chương trình PISA”.
Đề xuất đưa hoạt động đánh giá vào hoạt động chuyên môn
Từ những kinh nghiệm thực tế trong quá trình đánh giá, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, đề xuất Bộ GD&ĐT nên thường xuyên tổ chức các đợt đánh giá, khảo sát, đưa hoạt động đánh giá vào hoạt động chuyên môn của cả nước.
“Nếu được Bộ GD&ĐT đồng ý, Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh sẽ tham gia đánh giá toàn bộ học sinh”, ông Lê Hoài Nam cho biết thêm.
Đồng quan điểm với Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, ông Hoàng Như Thanh, Chuyên viên phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Nam Định đề xuất đưa đánh giá chất lượng giáo dục vào nhiệm vụ năm học.
Đại diện Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho hay, Thái Nguyên có nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng áp dụng và vận dụng cho hoạt động đánh giá lại khá khó khăn. Vì vậy, mong muốn Bộ GD&ĐT ban hành những văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đánh giá để quá trình triển khai các hoạt động này được thuận lợi.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Quảng Lãng tham gia đánh giá.
Tương tự, ông Lê Văn Cao, Chuyên viên Sở GD&ĐT Bình Phước đề xuất Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu đưa ra giải pháp hỗ trợ cho các đơn vị về kinh phí triển khai các chương trình đánh giá.
Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cho rằng nên đưa hình thức của các chương trình đánh giá quốc tế vào kiểm tra-đánh giá tại địa phương; Giáo viên phải được trang bị, tập huấn cho việc xây dựng đề thi; định hình hoạt động kiểm tra-đánh giá ở bất kỳ môn học nào.
Theo chia sẻ của ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk: “Thực tế đổi mới phương pháp dạy và học và kiểm tra - đánh giá chưa theo kịp với nhau; biên soạn đề thi, xây dựng ma trận, đề kiểm tra phải tương thích với đối mới phương pháp dạy và học; Tổ chức dạy và học trong nhà trường phải tiếp cận với kiểm tra-đánh giá. Vì vậy, chúng tôi đề xuất đưa nội dung của các chương trình đánh giá vào việc dạy và học trong nhà trường”
Văn Đức
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/co-hoi-de-cac-dia-phuong-ra-soat-lai-ket-qua-hoc-tap-va-ky-nang-cua-hoc-sinh-post725480.html