Cơ hội để thành phố Hà Nội phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, thể thao

Cơ hội để thành phố Hà Nội phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, thể thao
3 giờ trướcBài gốc
Hình minh họa
Cơ hội để thành phố Hà Nội phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, thể thao
Theo ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, việc xây dựng và ban hành Quyết định về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng con người Việt Nam, tạo sự chuyển biến to lớn đối với phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và đảm bảo phát triển bền vững của đất nước ta trong thời kỳ mới.
Hai Quy hoạch này được ban hành cùng với Luật Thủ đô đã được Quốc Hội phê chuẩn, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội để thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo chỉ đạo tại Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Chính phủ.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho rằng, đây là cơ hội để thành phố Hà Nội phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, thể thao, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô.
Ông Đỗ Đình Hồng cho biết, Hà Nội là trung tâm cấp quốc gia, là nơi tập trung các cơ sở văn hóa, thể thao quan trọng nhất của quốc gia; đóng vai trò là trung tâm động lực phát triển văn hóa, thể thao của miền bắc Việt Nam (vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Trung du Miền núi Phía bắc). Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, thể thao đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô "Văn hiến - văn minh - hiện đại".
Nhận thức được tầm quan trọng đó và bám sát Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ, Sở VHTT Hà Nội đã xây dựng phương án phát triển hạ tầng, cơ sở văn hóa, thể thao Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung này đã được cập nhật vào Quy hoạch chung Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.
Về phương án phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, ông Đỗ Đình Hồng cho biết, thứ nhất là đầu tư tu bổ, tôn tạo, mở rộng 22 di tích trọng điểm như Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, khu di tích Cổ Loa, di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt do Thành phố và quận, huyện quản lý.
Hai là, xây dựng thiết chế văn hóa tiêu biểu của Thủ đô có quy mô xứng tầm là trung tâm phát triển văn hóa của cả nước và trong khu vực. Đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao có quy mô, giá trị gắn với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa và yêu cầu hội nhập quốc tế. Xây dựng công trình văn hóa mới tiêu biểu, xứng tầm với vị thế của Thủ đô và là trung tâm của vùng Đồng Bằng Sông Hồng như Nhà hát thành phố Hà Nội, Nhà hát múa rối Thăng Long, Cung văn hóa thể thao Thanh niên. Xây mới Thư viện Hà Đông theo hướng thư viện mở nhằm phát triển văn hóa đọc và trở thành điểm sinh hoạt của cộng đồng.
Xây dựng hệ thống tượng đài, công viên, bảo tàng chuyên đề và hệ thống sân khấu ngoài trời trên cơ sở khai thác điều kiện tự nhiên các hồ lớn. Đồng thời, phát triển không gian bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa xứ Đoài ở Sơn Tây, không gian văn hóa 02 bên bờ sông Hồng; hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa tại khu vực bãi sông, bãi nổi và các khu vực có lợi thế thương mại.
Thứ ba là xây mới các công trình thể thao đạt tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực phía bắc, hình thành Tổ hợp thể thao mang tính chất liên kết vùng của thành phố ở phía Tây, phía Nam. Mở rộng, nâng cấp Trung tâm vận động viên cấp cao Hà Nội tại Mỹ Đình theo hướng hiện đại.
Thứ tư là tiếp tục Chỉnh trang, nâng cấp các công trình văn hóa hiện có nhằm đáp ứng hoạt động văn hóa Thủ đô. Cải tạo, nâng cấp các công trình thể thao hiện có như sân vận động Hà Đông, trung tâm đua thuyền Hồ Tây, sân vận động Hàng Đẫy và một số khu thể thao, nhà thi đấu của các quận, huyện, thị xã để đáp ứng yêu cầu tập luyện, đào tạo và thi đấu của các vận động viên, huấn luyện viên.
Thứ năm là từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở: quận, huyện, thị xã; thôn làng, tổ dân phố, khu công nghiệp, khu đô thị và các điểm dân cư nông thôn. Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới phương thức hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới. Phấn đấu đến năm 2030: 100% các quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hóa Thể thao cấp huyện; 100% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 75% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa; 100% khu công nghiệp có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt văn hóa phục vụ công nhân, người lao động. Hoàn thiện mạng lưới cơ sở thể thao tiến tới đảm bảo mỗi quận, huyện, thị xã đảm bảo có đủ sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi và khu vui chơi ngoài trời phục vụ người dân trên địa bàn.
Thứ sáu là phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao ngoài công lập nhằm thu hút nguồn lực của khu vực tư nhân để phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, thể thao của Thủ đô.
Tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Cũng theo ông Đỗ Đình Hồng, để đảm bảo định hướng phát triển đã đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 của Thành ủy về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Thành phố, Nghị quyết 09/NQ-TU của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Chương trình 06/CTr-TU của Thành ủy về phát triển văn hóa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, Hà Nội tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất là, tiếp tục đầu tư hơn nữa cho văn hóa, thể thao từ nguồn ngân sách để phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Thứ hai, quan tâm bố trí kinh phí đầu tư bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị, trọng tâm là các di sản thế giới, di tích quốc gia. Tập trung đầu tư các công trình thiết chế văn hóa, di tích lịch sử (nhất là Hoàng Thành Thăng Long, Điện Kính Thiên, Cổ Loa, Đền thờ Ngô Quyền) đã được đề ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.
Thứ ba, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và điều chỉnh cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở văn hóa, thể thao và tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại và đồng bộ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; xây dựng thư viện điện tử nhằm kết nối với hệ thống dữ liệu của Thư viện Quốc gia và các tỉnh thành trong cả nước.
Thứ năm, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách ưu tiên đặc thù cho việc phát triển văn hóa, thể thao Thủ đô. Trong nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cần ưu tiên bố trí tỷ lệ cao hơn cho việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở; khuyến khích phát triển, khai thác hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo của cộng đồng; đầu tư kiến tạo các công trình văn hóa mới tiêu biểu, có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô thời kỳ mới.
Tạo cơ chế, thể chế chính sách để phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và Thủ đô, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đưa công nghiệp văn hóa thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực./.
Bảo Trân
Nguồn Tổ Quốc : https://toquoc.vn/co-hoi-de-thanh-pho-ha-noi-phat-trien-manh-me-su-nghiep-van-hoa-the-thao-20241029163252515.htm