Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters
Số liệu vừa công bố cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc trong quý 2 tăng trưởng vượt dự báo, đạt mức 5,2%. Điều này giúp cho mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” của Bắc Kinh năm nay nằm trong tầm tay.
Dù hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ đang bù đắp cho tiêu dùng yếu, tình trạng giảm phát ngày càng trầm trọng đang đe dọa đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào tình trạng suy yếu kéo dài.
VẤN ĐỀ CẤP BÁCH NHẤT
Tuy nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng cao hơn mục tiêu, chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator) - thước đo giá cả của toàn nền kinh tế - đang ghi nhận chuỗi giảm dài nhất từ trước đến nay.
Tình trạng giảm phát dai dẳng này tạo ra một vòng luẩn quẩn nguy hiểm: người tiêu dùng hạn chế mua sắm vì dự đoán giá sẽ tiếp tục giảm, trong khi lợi nhuận và tiền trả lương của doanh nghiệp giảm, càng làm nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng đi xuống.
“Tôi lo rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ hài lòng vì số liệu GDP tốt”, ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc tại tập đoàn Australia & New Zealand Banking Group, chia sẻ với hãng tin Bloomberg. “Bắc Kinh không nên bỏ qua thực tế là giảm phát đang là vấn đề cấp bách nhất hiện nay”.
Theo ông Yeung, việc trì hoãn đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế mới có thể làm xói mòn thêm niềm tin của người tiêu dùng trong bối cảnh tâm lý của họ vẫn đang bị đè nặng bởi cuộc khủng hoảng bất động sản. Việc tiếp tục phụ thuộc vào xuất khẩu - lĩnh vực đóng góp gần 30% vào sự tăng tưởng kinh tế nửa đầu năm - cũng khiến nền kinh tế Trung Quốc dễ chịu tổn thương trước các cú sốc bên ngoài.
Trong bối cảnh kết quả từ thỏa thuận thương mại với Mỹ vẫn chưa rõ ràng, xuất khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm trong những tháng tới do hiệu ứng từ việc doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu hàng ồ ạt trước đó đã dần mất đi.
Một số nhà kinh tế dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ giảm mạnh xuống còn 2% trong năm nay. Điều này không chỉ kéo tụt tăng trưởng kinh tế chung mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung ở trong nước và gây thêm áp lực giảm giá cả hàng hóa, dịch vụ.
LIỆU CÓ NẮM LẤY CƠ HỘI?
Với mức tăng trưởng GDP nửa đầu năm của Trung Quốc là 5,3%, nhiều ngân hàng như Nomura và Goldman Sachs đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế nước này. Triển vọng khả quan này mang đến cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cơ hội giải quyết tình trạng giảm phát dai dẳng trước khi tăng trưởng thực sự chững lại.
“Để kiểm soát cuộc chiến đại hạ giá trong nước, nhà chức trách Trung Quốc có thể sẽ yêu cầu chính quyền các địa phương ngừng hỗ trợ những doanh nghiệp thua lỗ triền miên, đồng thời khuyến khích sáp nhập và thắt chặt quy định về cạnh tranh”, ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc và Bắc Á tại ngân hàng Standard Chartered, nhận định.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Trung Quốc Jacqueline Rong tại ngân hàng BNP Paribas, thách thức hàng đầu nằm ở bản chất của các ngành công nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giá. Nhiều ngành trong số này là những lĩnh vực mới nổi với công suất chỉ mới đạt mức cao vài năm trở lại đây. Điều này khiến cho việc xác định những nơi cần cắt giảm công suất không hề dễ dàng, khác so với cuộc cải cách nguồn cung nhằm vào các ngành công nghiệp nặng truyền thống năm 2015.
“Trừ khi có sự tiến triển đáng kể trong hoạt động cắt giảm công suất ở tất cả các ngành, tình trạng giá giảm sẽ vẫn tiếp diễn trong nửa cuối năm nay”, ông Rong nhận định.
Một số nhà kinh tế cho rằng những tháng tới, Bắc Kinh sẽ tập trung hỗ trợ lĩnh vực bất động sản. Giá nhà tại Trung Quốc trong tháng 6 đã giảm nhanh hơn so với tháng trước, khiến tài sản người sở hữu nhà nhà tiếp tục sụt giảm, khiến họ chi tiêu ít hơn.
Đầu tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các bộ ngành địa phương đẩy nhanh “mô hình mới” để phát triển thị trường bất động sản, trong đó nhấn mạnh cách tiếp cận thận trọng hơn trong quy hoạch và nâng cấp đô thị.
Các nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs, dẫn đầu là ông Lisheng Wang, dự báo Bắc Kinh sẽ có một số động thái nới lỏng chính sách, bao gồm giảm thêm lãi suất cho vay thế chấp mua nhà và hỗ trợ chính sách nhiều hơn cho các dự án cải tạo hạ tầng đô thị.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế lo rằng việc không có nhiều biện pháp kích thích trực tiếp nhắm vào nhu cầu nội địa có thể làm cản trở nỗ lực chống giảm phát.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hiện vẫn giữ vững lập trường chính sách là không cần nới lỏng thêm chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Trong một cuộc họp đầu tuần này, Phó Thống đốc Zou Lan cho biết PBOC sẽ tiếp tục theo dõi tác động của các biện pháp đã thực hiện và khẳng định sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải.
Ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty Macquarie Group Ltd., lo rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có ít động lực để thúc đẩy nhu cầu nội địa, trong bối cảnh hoạt động sản xuất và xuất khẩu vẫn tốt.
“Lý tưởng nhất là Bắc Kinh hành động nhiều hơn để thúc đẩy nhu cầu kể cả khi mục tiêu tăng trưởng 5% nằm trong tầm tay”, ông Hu khuyến nghị. “Như vậy nền kinh tế sẽ cân bằng hơn. Nhưng tôi sợ rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ chỉ hành động đủ để đạt mục tiêu 5%”.
Hoài Thu