Cơ hội định vị lại danh mục trước cơn sóng thuế quan

Cơ hội định vị lại danh mục trước cơn sóng thuế quan
2 ngày trướcBài gốc
Dù không khỏi ảnh hưởng trong ngắn hạn song nhìn về dài hạn khi nền tảng nội tại của Việt Nam vững và phản ứng chính sách kịp thời, quyết liệt sẽ hỗ trợ tích cực cho chứng khoán Việt Nam.
*Nhiều cung bậc cảm xúc
Phiên giao dịch đầu tuần (8/4), VN-Index giảm 6,43%. Đây là mức giảm lớn thứ 3 trong lịch sử giao dịch kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động. Hai phiên giảm mạnh trước đó là vào ngày 4/3/2025, VN-Index giảm kỷ lục 6,68% và 6,67% (phiên 28/1/2021).
Đến phiên ngày 9/4, VN-Index tiếp tục giảm hơn 38 điểm. Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu giảm sàn và "trắng bên mua". Tình hình đảo ngược hoàn toàn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tạm dừng áp thuế 90 ngày với hơn 75 quốc gia đối tác thương mại không trả đũa Mỹ.
Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng rất mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 10/4 thậm chí tăng mạnh nhất lịch sử. Sắc tím ngập tràn bảng điện tử, nhưng nhà đầu tư giữ chặt cổ phiếu không bán ra khiến thanh khoản giảm sâu. Nhóm VN30 phiên này đều tăng trần và trong tình trạng “trắng bên bán”.
Nhiều nhà đầu tư cảm thấy hụt hẫng khi đứng ngoài “bữa tiệc” chứng khoán vì có tiền cũng không mua được cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán chìm nổi theo thuế quan, nhưng nhà đầu tư ngoại vẫn thủy chung với xu hướng bán ròng. Theo đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.336,4 tỷ đồng HOSE trong tuần qua. Tâm điểm bán ròng của khối ngoại tuần qua tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: VHM (507 tỷ đồng), MBB (384 tỷ đồng), VCB (369 tỷ đồng)...
Chứng khoán tuần qua chìm nổi theo thuế quan. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN
Thanh khoản khớp lệnh tuần qua tiếp đà bùng nổ, vượt 45,8% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn HOSE đạt 1,151 triệu cổ phiếu (tăng 26,17%), tương đương 25.517 tỷ đồng (tăng 13,82%).
Tuần qua có 14/21 nhóm ngành cổ phiếu giảm. Các nhóm ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực từ làn sóng thuế quan gặp áp lực điều chỉnh lớn như bất động sản khu công nghiệp (giảm 13,48%), dệt may (giảm 11,92%), thủy sản (giảm 7,9%)...
Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành ngược dòng lấy lại đà tăng đáng kể bao gồm: Đường (tăng 9,43%), công nghệ viễn thông (tăng 7,61%), hàng không (tăng 7,16%), bất động sản dân cư (tăng 6,62%)...
Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho biết, đóng cửa tuần giao dịch từ 8-11/4, VN-Index ở mức 1.222,46 điểm, tăng 11,79 điểm so với cuối tuần trước đó.
Theo CSI, phiên cuối tuần qua (11/4), VN-Index tăng mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản. Quán tính tăng điểm này được duy trì từ phiên tăng trước đó và giúp VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất ngày cho thấy nhịp hồi phục có xác suất cao sẽ còn tiếp diễn trong phiên tới, nhịp hồi phục có thể tiến tới ngưỡng kháng cự 1.275 - 1.300 điểm. Đây là mốc điểm khả năng cao sẽ có áp lực chốt lời lớn bởi lượng cổ phiếu bắt đáy kể từ khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng 46% lên hàng việt Nam đều đã có lợi nhuận.
Những nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành chủ động ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ chính là điểm nhấn tạo niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Chính phủ đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ; giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với 23 nhóm hàng nhập khẩu trong đó nhiều mặt hàng có thuế suất 0% (Nghị định số 73/2025/NĐ-CP ngày 1/3/2025); gỡ bỏ các rào cản đối với nông sản Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam, minh bạch nguồn xuất xứ, ứng phó hiệu quả với vấn đề chuyển tải bất hợp pháp và tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ cũng như tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam.
Đặc biệt, Chính phủ đã khẩn trương đàm phán, thương lượng đa kênh với Mỹ đồng thời xúc tiến nhiều giải pháp nhằm sớm cân bằng cán cân thương mại hai nước. Ngày 12/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Quyết định số 753/QĐ-TTg về việc thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ.
Chính phủ cũng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết, tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa đối tác, giảm thiểu rủi ro từ chính sách thuế quan Mỹ và các rào cản phi thuế quan, tận dụng cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và phát triển bền vững…
Cùng với đó, Chính phủ vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% cho năm 2025 và hai con số cho các năm tiếp theo. Chính sách tài khóa (kích cầu, đầu tư công) vẫn là điểm nhấn của năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ nợ công của Việt Nam vẫn đang ở mức rất thấp so với thế giới và thu ngân sách tăng cao.
Thực tế, Việt Nam đang nỗ lực đàm phán về chính sách thuế đối ứng với Mỹ. Cụ thể ngày 12/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Quyết định số 753/QĐ-TTg về việc thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ.
Quyết định nêu rõ, Đoàn đàm phán có 3 nhiệm vụ, gồm:
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kịch bản, phương án đàm phán với Hoa Kỳ về thỏa thuận thương mại song phương, trên tinh thần bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Tiến hành đàm phán với phía Hoa Kỳ nhằm đạt được thỏa thuận thương mại song phương ổn định, bền vững và cùng có lợi.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến trình và kết quả đàm phán; đề xuất các biện pháp, chính sách cần thiết để thực hiện thỏa thuận sau khi được ký kết.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, niềm tin đang trở lại với thị trường sau cú sốc thuế quan, áp lực bán tháo, giải chấp ngắn hạn...
“Chúng tôi cho rằng, nhiều mã vẫn tương đối rẻ so với các yếu tố nội tại của doanh nghiệp. Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý trong bối cảnh mới hiện nay. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế”, SHS khuyến nghị.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) kỳ vọng lợi nhuận toàn thị trường vẫn tiếp tục cải thiện trong năm 2025, bất chấp các thách thức từ thuế quan.
Điều này được thúc đẩy bởi triển vọng tích cực của ngành ngân hàng và bất động sản nhà ở, hai ngành chiếm gần 70% tổng lợi nhuận thị trường. Dựa trên giả định EPS (lợi nhuận sau thuế của công ty phân bổ trên một cổ phiếu thông thường đang được lưu hành ở trên thị trường) tăng trưởng 12-17% trong năm 2025, tùy theo các kịch bản thuế quan, P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu) dự phóng của VN-Index cho 2025 ước tính sẽ vào khoảng 9,8 lần đến 10,2 lần.
Theo ông Hinh, nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc tăng tỷ trọng cổ phiếu ở mức định giá hiện tại, vì rủi ro thuế quan phần lớn đã được phản ánh vào giá, mang lại cơ hội mua vào hấp dẫn.
Các yếu tố hỗ trợ quan trọng như đàm phán thuế quan thành công hoặc khả năng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của tổ chức xếp hạng thị trường FTSE có thể thúc đẩy việc tái định giá thị trường từ mức thấp hiện tại.
Tận dụng mức định giá thấp hiện tại, nhà đầu tư có thể phân bổ vốn vào các ngành ít chịu tác động bởi thương mại quốc tế, được hỗ trợ bởi chính sách tài khóa và tiền tệ, cũng như các động lực tăng trưởng nội địa, ông Hinh khuyến nghị.
Bước sang tuần tới, thị trường có thể tiếp tục đi tìm điểm cân bằng sau giai đoạn biến động nhanh và mạnh. Một số yếu tố hỗ trợ cho thị trường bao gồm: Định giá rẻ, hiện P/E của VN-Index về mức dưới 12 lần; dự kiến kết quả kinh doanh quý I/2025 của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng tích cực, thông tin cập nhật về tiến độ triển khai hệ thống giao dịch mới KRX và tín dụng tăng trưởng tích cực; Ngân hàng Nhà nước dự kiến tung ra gói 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số.
Tuy vậy, ở chiều ngược lại rủi ro thuế quan vẫn còn đó. Do vậy, các nhà đầu tư không nên “nóng vội” và cần duy trì tâm lý thận trọng.
Vùng 1.240 - 1.260 điểm có thể là vùng kháng cự cho nhịp phục hồi này. Nhà đầu tư nên tận dụng nhịp hồi phục để đánh giá lại tác động của thuế quan đối với các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của mình, đưa ra phương án xử lý, cơ cấu lại danh mục.
Thị trường chứng khoán Việt Nam suốt tuần qua biến động mạnh cũng chung xu hướng với thị trường chứng khoán thế giới do quyết định tạm hoãn áp thuế đối ứng của Mỹ và sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc
*Chứng khoán thế giới phục hồi sau giảm sâu
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên 11/4, khi các ngân hàng lớn bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 và các nhà đầu tư khép lại một tuần giao dịch đầy biến động do ảnh hưởng từ làn sóng thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,56% lên 40.212,71 điểm; chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1,81% lên 5.363,36 điểm; chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 2,06% lên 16.724,46 điểm.
Cả ba chỉ số đều tăng điểm khi tính chung cả tuần qua. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones ghi nhận mức tăng phần trăm theo tuần lớn nhất kể từ tháng 11/2023, trong khi Nasdaq ghi nhận mức tăng phần trăm theo tuần lớn nhất kể từ tháng 11/2022.
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Thị trường chứng khoán đã biến động mạnh trong suốt cả tuần do quyết định tạm hoãn áp thuế đối ứng của Mỹ và sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Một dấu hiệu cho thấy sự biến động này là chênh lệch giữa đáy và đỉnh của chỉ số S&P 500 trong tuần qua là lớn nhất kể từ cuối tháng 3/2020, thời điểm phần lớn thế giới bị phong tỏa do đại dịch COVID-19.
Trước đó, chứng khoán Mỹ đã liên tục đổ dốc trong hai phiên đầu tuần, do những lo ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ giảm tốc và áp lực lạm phát gia tăng trước lập trường cứng rắn của ông Trump trong vấn đề thuế quan. Đặc biệt, chỉ số S&P 500 đã lần đầu tiên trong gần một năm đóng cửa dưới ngưỡng 5.000 điểm vào ngày 8/4./.
Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/co-hoi-dinh-vi-lai-danh-muc-truoc-con-song-thue-quan/369858.html