Ngân hàng và bất động sản vẫn là điểm sáng, tiếp tục dẫn dắt thị trường

Ngân hàng và bất động sản vẫn là điểm sáng, tiếp tục dẫn dắt thị trường
một ngày trướcBài gốc
Ngân hàng và bất động sản tiếp tục là 2 trụ cột, đóng góp khoảng 55% tổng lợi nhuận toàn sàn. Ảnh: Dũng Minh
PV: Ông đánh giá như thế nào về bức tranh tổng thể kết quả kinh doanh quý I/2025 của các doanh nghiệp niêm yết sau khi được công bố? Có điểm gì nổi bật so với cùng kỳ năm ngoái hoặc quý trước?
Ông Trương Đắc Nguyên: Bức tranh lợi nhuận quý I/2025 cần được đặt trong bối cảnh 3 năm trở lại đây để thấy rõ tính chu kỳ và bản chất tăng trưởng. Năm 2023 là đáy lợi nhuận với nhiều ngành suy giảm hoặc thua lỗ, còn năm 2024 phục hồi chủ yếu nhờ nền thấp, chưa phản ánh năng lực sinh lời bền vững. Một số ngành như bất động sản, hàng không, thép tuy có vẻ phục hồi nhưng thực chất chỉ là "hết lỗ".
Sang quý I/2025, so sánh với nền cao năm trước, lợi nhuận bắt đầu phân hóa rõ. Tăng trưởng không còn đến từ hiệu ứng nền mà đòi hỏi vận hành hiệu quả, qua đó bộc lộ rõ những doanh nghiệp có nội lực thật sự.
Một yếu tố dễ khiến thị trường lạc quan quá mức là GDP quý I/2025 tăng 6,93%. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu đến từ khu vực FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh giao hàng trước khi Hoa Kỳ công bố các chính sách thuế đối ứng. Xuất, nhập khẩu quý này tăng đột biến 14%, chủ yếu trong tháng cuối, nên mang tính ngắn hạn. Trong khi đó, chỉ số PMI liên tục dưới 50 phản ánh sản xuất trong nước còn khó khăn – tăng trưởng vì vậy chưa lan tỏa vào nội địa.
Thị trường nội địa thiếu lực cầu, ngành tiêu dùng hụt hơi
Trong quý I/2025, ngành thép, hàng không và bán lẻ đối mặt nhiều khó khăn. Thép chịu áp lực từ xuất khẩu chậm và giá bán giảm. Hàng không và bán lẻ dù đã qua dịch nhưng tâm lý tiêu dùng vẫn chưa ổn định, qua đó hạn chế đà phục hồi của nhóm ngành tiêu dùng.
Với bức tranh như vậy, lợi nhuận toàn thị trường quý I/2025 nhiều khả năng chỉ tăng khoảng 15%, chủ yếu nhờ một vài nhóm ngành dẫn dắt.
Ngân hàng và bất động sản tiếp tục là 2 trụ cột, đóng góp khoảng 55% tổng lợi nhuận toàn sàn. Bất động sản hưởng lợi nhờ tín hiệu thanh khoản cải thiện dù chưa rõ rệt nhưng đủ tạo kỳ vọng. Ngân hàng duy trì vai trò hỗ trợ nhờ nhu cầu tín dụng đầu năm và chính sách tiền tệ vẫn được giữ ở trạng thái hỗ trợ.
PV: Dựa trên nền tảng của quý I, ông đánh giá triển vọng kinh doanh quý II/2025 như thế nào và nhóm ngành nào được kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh khả quan hơn và vì sao?
Ông Trương Đắc Nguyên: Bước sang quý II/2025, áp lực lên doanh nghiệp ngày càng rõ nét. Ngay từ đầu tháng 4, một số doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày da đã phải tạm dừng sản xuất, giảm công suất hoặc chia ca làm việc, cho thấy phản ứng sớm trước những bất ổn mới từ thị trường quốc tế.
Trong quý I, Việt Nam từng được kỳ vọng là “điểm tránh bão” trước làn sóng thuế quan từ Mỹ, tương tự giai đoạn căng thẳng thương mại năm 2018. Tuy nhiên, tình hình đã nhanh chóng thay đổi khi nhiều đơn hàng từ Hoa Kỳ bị tạm hoãn hoặc điều chỉnh sau khi nước này bắt đầu áp thuế đối ứng. Mức thuế 10% tưởng như không quá cao nhưng lại đủ để bào mòn lợi nhuận của những ngành có biên lợi nhuận thấp.
Dệt may, thủy sản, giày dép là những ngành chịu tác động rõ rệt. Dù thông thường phần lớn chi phí thuế có thể được chuyển sang người mua, nhưng trong bối cảnh thuế tăng đồng loạt, sức mặc cả yếu đi, buộc doanh nghiệp phải chia sẻ nhiều hơn phần chi phí này, thậm chí hạ giá bán để giữ đơn hàng.
Với các doanh nghiệp FDI, vốn đang được hưởng ưu đãi thuế, việc áp thêm 10% thuế có thể khiến họ cân nhắc lại kế hoạch đầu tư mở rộng, ảnh hưởng đến các lĩnh vực liên quan như khu công nghiệp, cảng biển, hay ngành công nghiệp phụ trợ.
Tâm lý phòng thủ cũng đang lan rộng trong giới doanh nghiệp. Dù chưa chịu mức thuế cao, nhưng sự bất định về chính sách khiến nhiều đơn vị tạm hoãn kế hoạch tăng trưởng, hạn chế mở rộng, đồng thời chủ động tìm kiếm thị trường và đối tác mới để phân tán rủi ro.
Tác động từ làn sóng chiến tranh thương mại toàn cầu với Hoa Kỳ là trung tâm đang dần lan sang các yếu tố cốt lõi của tăng trưởng. Nếu không có các thỏa thuận kịp thời hay điều chỉnh chính sách phù hợp, tăng trưởng quý II sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.
PV: Dưới góc độ đầu tư, kết quả kinh doanh quý I sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý và dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong ngắn hạn? Ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư trong bối cảnh hiện tại?
Ông Trương Đắc Nguyên: Kết quả kinh doanh quý I không còn là yếu tố dẫn dắt thị trường. Thay vào đó, tâm lý nhà đầu tư đang chịu tác động mạnh từ các tín hiệu chính sách và căng thẳng thương mại đến từ Hoa Kỳ, đặc biệt là liên quan đến thuế quan. Diễn biến này nhiều khả năng sẽ tiếp tục chi phối thị trường trong tháng 4 và có thể kéo dài sang đầu quý II.
Trong bối cảnh đó, cách tiếp cận thị trường theo “mùa báo cáo” thuần túy không còn phù hợp. Thay vì phản ứng trước từng con số lợi nhuận, nhà đầu tư cần tập trung đánh giá tác động của chính sách thuế mới đến từng ngành và doanh nghiệp cụ thể, xem xét mức độ ảnh hưởng, khả năng bảo vệ biên lợi nhuận và chiến lược ứng phó.
Hiện có nhiều cổ phiếu đang ở vùng định giá hợp lý, đến từ các doanh nghiệp ít chịu tác động trực tiếp từ thuế quan, có tăng trưởng ổn định trong quý I và định hướng mở rộng vào thị trường nội địa nhằm giảm phụ thuộc vào xuất khẩu. Đây là nhóm cổ phiếu đáng để theo dõi và tích lũy khi thị trường xuất hiện các nhịp điều chỉnh mang tính cảm xúc. Nhà đầu tư nên tránh bị cuốn theo tin tức ngắn hạn và tập trung vào chất lượng tài sản cũng như sức chống chịu vĩ mô của doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn ông!
Chính sách điều hành góp phần định hình kết quả kinh doanh
Bên cạnh yếu tố vĩ mô và nội tại doanh nghiệp, chính sách điều hành cũng góp phần quan trọng vào bức tranh kết quả kinh doanh quý I/2025. Theo ông Trương Đắc Nguyên, kết quả quý I được hỗ trợ bởi nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, với 7 động lực chính như: Đầu tư công, khối tư nhân, FDI, bán lẻ, xuất nhập khẩu, thặng dư thương mại và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, chỉ một vài yếu tố trong số này có tác động rõ nét trong quý I.
Đầu tư công là điểm sáng, đóng vai trò "động cơ khởi động sớm" khi các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc ngay từ đầu năm, đặc biệt ở các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục được duy trì, thể hiện sự nhất quán trong chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Dù vậy, phần lớn các động lực kể trên cần thêm thời gian để thẩm thấu và chưa tạo ảnh hưởng đáng kể ngay trong quý I. Ngược lại, các yếu tố kìm hãm như bất ổn thương mại toàn cầu, chính sách thuế và xung đột địa chính trị đang gây áp lực lớn lên xuất khẩu, tâm lý đầu tư và giá hàng hóa. Trong nước, tiêu dùng phục hồi chậm. Những yếu tố này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong quý II.
Thu Hương
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngan-hang-va-bat-dong-san-van-la-diem-sang-tiep-tuc-dan-dat-thi-truong-174426-174426.html