Cơ hội đổi mới tư duy, cách làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số Bắc Kạn

Cơ hội đổi mới tư duy, cách làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số Bắc Kạn
18 giờ trướcBài gốc
Phụ nữ dân tộc Dao ở Bản Chiêng, xã Đôn Phong (Bạch Thông) đi dự tọa đàm nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2024.
Ngay từ sáng sớm, chị Hoàng Thị Quế, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Làng Chẽ, xã Quảng Chu (Chợ Mới) đã xúng xính váy áo, trang điểm thật đẹp để đến trung tâm huyện tham dự Hội thi giao lưu truyền thông xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới năm 2024 do Hội LHPN huyện tổ chức. Trên sân khấu, chị tự tin cùng với đội của mình thể hiện tốt các phần thi trình diễn trang phục hay tìm hiểu kiến thức.
Chị Quế chia sẻ: "Thông qua hội thi này giúp tôi có thêm kiến thức về bình đẳng giới, những vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em, từ đó trao đổi với chồng để được quan tâm, chia sẻ, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình tiến bộ, văn minh".
Năm 2022 khi mới bắt đầu triển khai Dự án 8 còn nhiều khó khăn, nhiều nơi còn lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện. Địa bàn vùng cao đi lại khó khăn, nhiều phụ nữ vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh nhận thức hạn chế, phong tục lạc hậu tại những thôn vùng cao còn tồn tại; vấn đề bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra. Tuy nhiên với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của các cấp Hội LHPN trong tỉnh, việc triển khai thực hiện Dự án 8 đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng về những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Chị em phụ nữ xã Hoàng Trĩ (Ba Bể) tham gia Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc tại địa phương.
Sau hai năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 367 tổ truyền thông cộng đồng, 40 mô hình địa chỉ tin cậy, 63 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tổ chức hàng trăm chiến dịch truyền thông, nói chuyện chuyên đề thay đổi khuôn mẫu giới, bình đẳng giới, phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
Phụ nữ vùng cao ở huyện Ba Bể đã được tạo điều kiện tham gia hoạt động thể thao tại địa phương.
Đồng thời, các cấp Hội tổ chức hàng chục cuộc đối thoại chính sách về các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em tại cấp xã và cụm thôn, bản ở các địa bàn đặc biệt khó khăn. Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp xã; trang bị kiến thức về giới cho 128 cán bộ là Chủ tịch MTTQ, các đoàn thể thuộc 66 xã vùng III và trang bị kiến thức lồng ghép giới cho cán bộ thôn bản, người có uy tín… trong cộng đồng của 648 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Hội viên phụ nữ xã Xuân Dương, huyện Na Rì đã mạnh dạn, tự tin phát triển kinh tế, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong gia đình.
Thông qua các chương trình, chiến dịch truyền thông đã giúp nâng cao nhận thức cho phụ nữ, người dân và cộng đồng về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình. Qua đó, giúp cho phụ nữ vùng DTTS trên địa bàn tỉnh mạnh dạn xóa bỏ “rào cản”, tự tin, thay đổi nếp nghĩ, cách làm hướng đến thực hiện bình đẳng giới, làm chủ kinh tế, khẳng định vai trò của mình trong gia đình và xã hội.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Bắc Kạn: Các hoạt động truyền thông được các cấp Hội LHPN trong tỉnh tổ chức sâu rộng và có nhiều đổi mới, giúp nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Dự án 8 đã giúp nâng cao nhận thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số và cộng đồng trong việc xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, những tập tục có hại đối với phụ nữ và trẻ em... Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh./.
Hà Thanh
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/co-hoi-doi-moi-tu-duy-cach-lam-cho-phu-nu-dan-toc-thieu-so-bac-kan-post67817.html