Cơ hội hồi sinh Syria sau khi phương Tây lần lượt dỡ bỏ trừng phạt

Cơ hội hồi sinh Syria sau khi phương Tây lần lượt dỡ bỏ trừng phạt
9 giờ trướcBài gốc
Những động thái tích cực của các nước phương Tây được xem là đòn bẩy giúp Syria chuyển mình sau nhiều năm rơi vào vòng xoáy của nội chiến.
Cơ hội hồi sinh Syria sau khi phương Tây lần lượt dỡ bỏ trừng phạt. Ảnh: Reuters
Bộ Ngoại giao Syria hôm 20/5 đã hoan nghênh quyết định của EU, coi đây là một chương mới trong quan hệ Syria-châu Âu, dựa trên thịnh vượng chung và tôn trọng lẫn nhau. Theo Bộ Ngoại giao Syria, cánh cửa đầu tư vào Syria đã được mở sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Còn đối với người dân Syria, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của EU là bước đi tuyệt vời.
"Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của bất kỳ ai trên thế giới, dù là Châu Âu, Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác, đều vì lợi ích của công dân Ả Rập Syria. Và tất nhiên, chúng ta lạc quan về điều này. Sự thịnh vượng sẽ bắt đầu trong một thời gian ngắn".
"Đây là một bước tiến tuyệt vời. Theo tôi, cảm ơn Tổng thống Ahmed al-Sharaa và nhóm làm việc của ông vì tốc độ thực hiện các bước đi của họ. Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt là một bước tiến tuyệt vời để người dân thấy được sự cải thiện và khác biệt lớn".
Đánh giá cao động thái của EU, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ chính quyền chuyển tiếp tại Syria. Ông cũng đồng thời cảnh báo, Syria có thể chỉ còn cách một cuộc nội chiến mới ở quy mô chưa từng có vài tuần.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Marco Rubio nhấn mạnh: "Thẳng thắn mà nói, thẩm quyền chuyển tiếp của Chính phủ ở Syria, xét đến những thách thức mà họ đang phải đối mặt, có lẽ chỉ còn vài tuần, chứ không phải nhiều tháng nữa, là có thể xảy ra một cuộc nội chiến toàn diện với quy mô lớn. Chính vì vậy, chúng ta cần tích cực hỗ trợ chính quyền chuyển tiếp ở Syria".
Trước đó, ngay sau khi Liên minh châu Âu nhất trí dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế đối với Syria, Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas trong một dòng trạng thái đăng tải trên mạng xã hội X đã nói rằng việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ mở đường cho việc giải phóng tài sản của ngân hàng trung ương Syria, tái kết nối hệ thống ngân hàng nước này với hệ thống tài chính toàn cầu. Phát biểu trước báo giới,
Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas nhấn mạnh: "Về Syria, các bộ trưởng đã nhất trí dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt kinh tế trong khi vẫn duy trì những lệnh trừng phạt liên quan đến chế độ Assad và vi phạm nhân quyền. Quyết định này có thể đảo ngược và cũng có điều kiện về tiến độ. Không thể có hòa bình nếu không có con đường phục hồi kinh tế. Và tất cả chúng ta đều cần một Syria ổn định. Tôi nghĩ chúng ta cần cho người dân Syria một cơ hội".
Trước đó, EU cũng đã nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Syria trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và tái thiết, cũng như các giao dịch tài chính liên quan trong khi một số quốc gia thành viên liên minh đã thúc đẩy việc nới lỏng hơn nữa nhằm giúp quá trình chuyển đổi ở quốc gia Trung Đông này diễn ra suôn sẻ.
Sự thay đổi chính sách của EU diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong chuyến công du Trung Đông hồi tuần trước, thông báo ông sẽ ra lệnh dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Syria. Ngay sau tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ, hoạt động đầu tư quốc tế vào quốc gia Trung Đông đã được mở rộng. Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria ngày 16/5 đưa tin chính phủ nước này và Tập đoàn DP World của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã ký biên bản ghi nhớ, trị giá 800 triệu USD, nhằm phát triển cảng Tartous. Thỏa thuận được ký kết trong bối cảnh Syria đang nỗ lực thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phục hồi nền kinh tế sau hơn một thập kỷ xung đột.
Theo đánh giá của giới phân tích, việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Syria được cho là sẽ giúp quốc gia Trung Đông này tái hội nhập vào hệ thống tài chính toàn cầu, tạo điều kiện cho các tổ chức nhân đạo mở rộng hoạt động cũng như thu hút thêm dòng vốn đầu tư phục vụ công cuộc tái thiết quốc gia. Chi phí tái thiết dự kiến phải tiêu tốn hàng trăm tỉ USD, nên nếu không được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, Syria khó có đủ khả năng tái thiết hay tiếp nhận hỗ trợ từ nhiều quốc gia.
Theo một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, xung đột và nội chiến kéo dài 14 năm ở Syria đã khiến GDP của nước này mất ít nhất 800 tỉ USD. Ước tính, GDP của Syria đã giảm từ mức 67,5 tỉ USD vào năm 2011 xuống chỉ còn 23,62 tỉ USD vào năm 2022.
Hồng Nhung/VOV1 Tổng hợp
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/co-hoi-hoi-sinh-syria-sau-khi-phuong-tay-lan-luot-do-bo-trung-phat-post1201034.vov