Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ tại cuộc gặp ở Osaka, Nhật Bản ngày 28/6/2019. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và Anh lại đang gia tăng sức ép tối đa đối với Nga, biến sức ép thành đòn bẩy hậu thuẫn Ukraine. Ngày 20/5, EU phê duyệt gói trừng phạt thứ 17 nhằm vào Nga. Cùng ngày, Anh công bố 100 biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các lĩnh vực quân sự, năng lượng và tài chính của Nga, đồng thời đề xuất hạ giá trần dầu thô của Nga xuống dưới mức 60 USD/thùng.
Những động thái trên diễn ra ngay sau khi cuộc điện đàm lần thứ ba kể từ đầu năm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin kết thúc bằng những tín hiệu tích cực nhưng chưa rõ ràng về một lệnh ngừng bắn vốn đầy khó khăn, phức tạp kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra hồi tháng 2/2022.
Sau cuộc điện đàm kéo dài 2 giờ ngày 19/5, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra những đánh giá tích cực. Tổng thống Putin nhận định cuộc điện đàm có ý nghĩa, thẳng thắn và hữu ích. Trong khi đó, Tổng thống Trump khẳng định cuộc điện đàm diễn ra “rất tốt đẹp”. Tuy nhiên, trong các phát biểu của nguyên thủ hai nước, lập trường của Nga và Mỹ về lệnh ngừng bắn vẫn có nhiều khác biệt.
Tổng thống Nga Putin cho biết Nga sẽ đề xuất và sẵn sàng làm việc với Ukraine về bản ghi nhớ về hiệp ước hòa bình, song phải xác định rõ các nguyên tắc và điều khoản của giải pháp, cũng như xác định thời gian ngừng bắn nhất định nếu đạt được các thỏa thuận phù hợp. Ông cũng tái khẳng định lập trường của Nga là phải loại bỏ nguyên nhân gốc rễ dẫn đến cuộc khủng hoảng.
Nhà lãnh đạo Mỹ thì tuyên bố Nga và Ukraine “sẽ bắt đầu đàm phán về lệnh ngừng bắn ngay lập tức và quan trọng hơn là chấm dứt chiến tranh”. Điều khoản này sẽ do Nga và Ukraine thảo luận vì hai bên biết rõ chi tiết của các cuộc đàm phán. Ông Trump cũng cảnh báo Mỹ có “lằn ranh đỏ” nhất định liên quan đến những nỗ lực trong tiến trình hòa bình Ukraine, đồng thời đe dọa nếu không có tiến triển nào trong vấn đề này Mỹ có thể rút khỏi và nhường vai trò giải quyết xung đột Nga - Ukraine cho châu Âu.
Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã hoan nghênh sáng kiến về bản ghi nhớ về hiệp ước hòa bình từ Tổng thống Putin. Ông cho biết nước này có thể ký một bản ghi nhớ với Nga về việc chấm dứt chiến tranh, trong đó có lệnh ngừng bắn và sẽ xây dựng “tầm nhìn” của riêng mình sau khi nhận được các đề xuất từ Nga trong bản ghi nhớ. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine cũng nhấn mạnh nước này sẽ không rút quân khỏi 4 vùng mà Nga tuyên bố sáp nhập và sẽ từ chối thảo luận vấn đề gia nhập NATO của Ukraine và vị thế trung lập của Kiev.
Điểm nổi bật nhất là cuộc điện đàm trước mắt giúp duy trì không gian đối thoại giữa Nga và Mỹ sau khi ông Trump cam kết sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với Moskva. Có thể thấy triển vọng về giải quyết xung đột Nga - Ukraine, nhất là một lệnh ngừng bắn trong ngắn và trung hạn, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do quan điểm và lập trường khác biệt của các bên liên quan.
Cùng với đề nghị sẵn sàng đàm phán với Ukraine mà không cần điều kiện tiên quyết, Moskva vẫn bảo lưu những nguyên tắc cơ bản liên quan đến bảo đảm an ninh, đó là loại trừ nguyên nhân gốc rễ dẫn đến cuộc xung đột. Nga bảo vệ cách tiếp cận của mình, bác bỏ yêu cầu của Ukraine về lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày, muốn các điều khoản về ngừng bắn phải dựa trên các nguyên tắc chặt chẽ, tiến hành theo lộ trình, có thể kiểm soát và theo cơ chế rõ ràng.
Trong khi đó, Ukraine muốn ngừng bắn ngay lập tức để chứng minh Nga có thiện chí về mong muốn hòa bình. Mỹ cũng muốn Nga và Ukraine ngừng bắn ngay lập tức, ngay cả khi Ukraine phải từ bỏ một phần lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, có vẻ Mỹ chưa tạo “đòn bẩy” thực sự mạnh mẽ để buộc hai bên phải chấp nhận và ngày càng muốn chuyển trách nhiệm giải quyết cuộc xung đột Ukraine cho các nước châu Âu.
Còn nhớ, chỉ vài ngày sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố có thể tung ra loạt đòn bẩy nhằm gây áp lực buộc Nga bước vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột với Ukraine, gồm cả những lời đe dọa trừng phạt, áp thuế... Chủ nhân Nhà Trắng từng khẳng định ông "có nhiều đòn bẩy" đối với Nga.
Chuyên gia Edward Fishman, học giả cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia, nhận định các lệnh trừng phạt là đòn bẩy tốt nhất mà Mỹ có trong các cuộc thương lượng với Nga. Như tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, Mỹ cũng dự định sử dụng thỏa thuận khai thác khoáng sản với Ukraine để gia tăng đòn bẩy với Nga trong các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn.
Đối với Ukraine, Tổng thống Trump từng dùng những "đòn bẩy" như tạm ngừng viện trợ quân sự, ngừng chia sẻ thông tin tình báo, coi đó là công cụ gây sức ép.
Tổng thống Nga Putin lại tỏ ra có đòn bẩy lớn trong các cuộc đàm phán. Giới chuyên gia cho rằng Tổng thống Putin đã sử dụng chiến thuật đàm phán khéo léo, đưa ra những nhượng bộ nhỏ nhưng vẫn giữ vững các điều kiện tiên quyết của Nga, như yêu cầu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và rút quân khỏi các vùng lãnh thổ tranh chấp. Theo một số nhà phân tích, Tổng thống Trump đã không đưa ra đủ áp lực đối với Nga và có thể đã để Tổng thống Putin dẫn dắt đàm phán.
Chuyên gia Nigel Gould-Davies, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nhận định rằng Tổng thống Putin đã khôn ngoan tận dụng kênh liên lạc điện đàm để phá vỡ thế cô lập và xuất hiện như một đối tác hòa bình, trong khi vẫn tiếp tục hành động quân sự.
Bà Tatiana Stanovaya, chuyên gia tại Carnegie Endowment, cho rằng điện đàm là một chiến thắng ngoại giao cho nhà lãnh đạo Nga. Chuyên gia Ivan Timofeev, Giám đốc chương trình tại Câu lạc bộ Valdai, đánh giá các cuộc gọi với Tổng thống Trump thể hiện tín hiệu Moskva sẵn sàng đàm phán - không phải từ vị thế yếu, mà từ vị thế thực tế của một cường quốc
Từ góc độ chiến lược, điện đàm cấp nguyên thủ Nga - Mỹ là một nỗ lực rõ rệt nhằm phá vỡ thế bế tắc kéo dài trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, khi cả Mỹ, Nga, Ukraine và EU đều đang sử dụng đòn bẩy với những tính toán trái ngược nhau, vừa có thể thúc đẩy, vừa có thể cản trở đàm phán, kết quả đạt được tạm dừng ở tính hình thức và không tạo ra thay đổi căn bản nào về hiện trạng xung đột.
Do vậy, cuộc điện đàm mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn là thực chất, cho thấy các kênh liên lạc cấp cao vẫn tồn tại và có thể được sử dụng để thăm dò ý định của nhau. Khi các bên vẫn giữ nguyên lập trường cứng rắn, thiếu lòng tin lẫn nhau, chấm dứt xung đột tại Ukraine vẫn là một mục tiêu xa vời.
Trần Hải (TTXVN)