Điều này cũng đặt ra những bài toán cho các làng nghề trong việc giữ nghề, đưa làng nghề trở thành không gian sáng tạo mang giá trị thương mại.
Tối 14-2, tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ đón nhận 2 làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc là thành viên Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới. Ảnh: Viết Thành
Dưới đây là những ý kiến góp ý trong việc giữ gìn và phát huy làng nghề hiệu quả.
Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng:
Cam kết phát triển làng nghề văn minh, hiện đại
Việc gia nhập Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới là cơ hội cũng như thách thức lớn đối với làng nghề gốm sứ Bát Tràng, buộc các đơn vị sản xuất phải đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng để vươn mình ngang tầm thế giới.
Tham gia mạng lưới này, các làng nghề truyền thống Hà Nội trong đó có làng gốm sứ Bát Tràng sẽ có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị trên thế giới để hoàn thiện sản phẩm hơn. Chúng tôi luôn nhìn nhận, đây là thời cơ cũng là thách thức không nhỏ trong việc duy trì, giữ gìn và phát huy làng nghề, bảo đảm thực hiện tốt các cam kết theo tiêu chí của Hội đồng Thủ công thế giới.
Nhiều năm nay, làng nghề gốm sứ Bát Tràng đã nỗ lực phát triển theo hướng bảo tồn truyền thống kết hợp với những sáng tạo, cải tiến để phát triển bền vững, xanh - sạch. Nhờ đó, Bát Tràng đã xây dựng được thương hiệu bền vững, không chỉ tạo uy tín trong lĩnh vực thủ công gốm sứ của cả nước mà còn được nhiều thị trường nước ngoài như châu Âu, Nhật Bản... tin dùng. Nhiều cơ sở sản xuất tham gia quảng bá trong các sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch, thương mại của thành phố Hà Nội và cả nước. Bát Tràng cũng trở thành điểm đến du lịch, văn hóa thu hút đông lượng khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm, tham quan. Năm 2019, làng nghề gốm sứ Bát Tràng đón nhận quyết định là “Điểm du lịch” của thành phố.
Khi trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới, chính quyền xã Bát Tràng sẽ cùng người dân tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, thực hiện đúng các cam kết với Hội đồng Thủ công thế giới. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào việc cải tạo môi trường, cảnh quan, khuyến khích các gia đình trồng cây, hoa trang trí để làng nghề sạch - đẹp và hấp dẫn hơn; ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá, tiếp thị sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước; khuyến khích các nghệ nhân tổ chức trao truyền nghề. Bên cạnh đó, xã Bát Tràng sẽ liên kết với các điểm du lịch quanh vùng để xây dựng những sản phẩm du lịch mới, liên tuyến tăng sức hấp dẫn cho du khách; tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch làng nghề để du khách đến trải nghiệm và vui chơi tại làng.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty VGreen:
Liên kết phát triển làng nghề và du lịch
Trước sự thay đổi không ngừng của cuộc sống, không ít làng nghề truyền thống đã và đang bị mai một, chật vật với việc giữ nghề, truyền nghề, phát huy truyền thống. Nhiều làng nghề đang phải đối diện với việc làm thế nào cân bằng giữa bảo tồn giá trị truyền thống với phát triển, đổi mới trong sản xuất, quảng bá, xây dựng thương hiệu. Trước thực trạng đó, với sự chỉ đạo của Thành phố Hà Nội, các địa phương đang nỗ lực thay đổi, làm sống lại làng nghề. Việc phát triển làng nghề gắn với du lịch là giải pháp đang mang lại hiệu quả.
Những năm qua, Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Công ty du lịch Bền vững VGreen đã phối hợp với các địa phương, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch tại nhiều làng nghề. Nhiều tuyến du lịch làng nghề đã được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả như tuyến du lịch kết nối trung tâm Hà Nội với làng tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), tuyến du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín), du lịch trải nghiệm bằng xe đạp tới làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm)... Vừa qua, chúng tôi đã nghiên cứu và xây dựng sản phẩm trải nghiệm làng hoa Tích Giang (huyện Phúc Thọ)...
Việc phát triển làng nghề gắn với du lịch đặt ra những yêu cầu cho các địa phương cần phải mạnh dạn chuyển mình để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Sự đổi mới không chỉ ở việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng thị trường mà còn đòi hỏi các làng nghề phải thay đổi, nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư hạ tầng, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh - sạch. Để nâng tầm giá trị và thương hiệu các làng nghề cần có nhiều giải pháp đồng bộ, các địa phương phải vạch ra những chiến lược, kế hoạch thực hiện dài hạn và ngắn hạn.
Theo tôi, trước mắt, các địa phương cần rà soát, thống kê các làng nghề để có sự đánh giá đúng mực tiềm năng phát triển, những tồn tại hạn chế, điểm mạnh và yếu của từng làng nghề, từ đó quy hoạch tổng thể lại làng nghề, từng bước có đầu tư thích hợp về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, định hướng sản phẩm phù hợp với thị hiếu thị trường. Giải pháp trước mắt là cần tuyên truyền, vận động người dân có ứng xử đúng đắn với nghề; đồng lòng tham gia giữ gìn cảnh quan, môi trường địa phương; tập huấn cho người dân các kỹ năng phục vụ du lịch, có thái độ ứng xử hòa nhã với du khách; liên kết với những địa phương lân cận, xây dựng sản phẩm du lịch liên tuyến để tăng tính hấp dẫn cho hoạt động trải nghiệm của du khách.
Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội:
“Thổi hồn” cho sản phẩm làng nghề bằng văn hóa bản địa
Việc 2 làng nghề của Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới của Hội đồng Thủ công thế giới là vinh dự rất lớn, đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi thêm kinh nghiệm bảo tồn, phát huy làng nghề của các nước khác. Tôi cho rằng, thời gian qua, rất nhiều làng nghề đã nỗ lực đổi mới, vươn mình bằng những sáng tạo về kỹ thuật, mỹ thuật cũng như không gian cảnh quan làng nghề. Tất nhiên, chúng ta vẫn có những làng nghề còn đang rất chật vật trong việc giữ nghề truyền thống, nhiều nơi sản xuất kinh doanh khó khăn do mặt hàng không còn thích hợp với nhu cầu của xã hội hiện đại.
Với riêng những làng nghề thủ công, tôi cho rằng, điều cốt lõi nhất trong việc giữ gìn, phát huy làng nghề là phải bám vào giá trị truyền thống. Văn hóa truyền thống chính là cốt lõi để làm nên bản sắc của làng nghề, tạo được thế mạnh riêng trên thị trường. Việc giữ gìn văn hóa truyền thống làng nghề không có nghĩa là “giậm chân tại chỗ”, bảo thủ giữ những cách làm cũ không còn phù hợp với thị hiếu đang ngày càng khắt khe của thị trường, mà các làng nghề cần phát huy tính sáng tạo, đổi mới, cải tiến kỹ thuật, thổi hồn cho sản phẩm bằng giá trị văn hóa địa phương. Câu chuyện làng nghề cần phải được kể lại sống động qua tác phẩm, qua kinh nghiệm sáng tạo của các thế hệ nghệ nhân, qua các hoạt động tương tác trải nghiệm với du khách.
Một trong những điều mà các làng nghề bây giờ cần quan tâm, đó là môi trường sống, môi trường sinh thái địa phương. Người dân làng nghề phải có được cuộc sống bảo đảm từ nghề cha ông, được sống trong môi trường văn minh - sạch - đẹp - hiện đại thì họ mới có động lực để giữ nghề và phát triển nghề. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện, cơ chế tốt trong thu hút các nguồn lực đầu tư hạ tầng, công nghệ, hỗ trợ người dân thì mới mong làng nghề hồi sinh và phát triển.
Vũ Ngân