Ngôi Trường Dục Thanh, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước năm 1911.
Lợi thế du lịch di sản
Hiện khu vực phía Đông Nam tỉnh Lâm Đồng có hơn 300 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được kiểm kê, phân loại, thẩm định giá trị và đưa vào danh mục nghiên cứu, bảo vệ; trong đó 28 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 55 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Trong nhóm này, có nhiều di tích trở thành điểm đến không thể thiếu trong các tour, tuyến du lịch văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, sinh thái của du khách trong, ngoài nước như di tích Trường Dục Thanh, tháp Po Sah Inư, vạn Thủy Tú, chùa Cổ Thạch, bãi đá Bảy Màu, đình làng Bình An, thắng cảnh Bàu Trắng, Bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Chăm, đền thờ công chúa Bàn Tranh, vạn An Thạnh, chùa Linh Quang, dinh Thầy Thím, chùa Linh Sơn Trường Thọ và Linh Sơn Long Đoàn...
Học sinh và các du khách xem biểu diễn nghề dệt truyền thống của người Chăm.
Theo Phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh: Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở vùng ven biển của tỉnh đang có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch. Hiện có 4 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Bắc Bình; lễ hội Cầu ngư tại vạn Thủy Tú, phường Phan Thiết; lễ hội dinh Thầy Thím, xã Tân Hải và lễ hội Katê của người Chăm.
Thêm vào đó, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ ở xã Đông Giang được khánh thành và đi vào hoạt động từ đầu năm 2023 trở thành nơi tổ chức các hoạt động về nguồn, sinh hoạt dã ngoại nhiều ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng. Từ đây mở ra cơ hội khám phá nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc K’Ho, Raglai tại 2 xã La Dạ, Đông Giang.
Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Cần kết nối phát huy tiềm năng văn hóa
Thường xuyên hướng dẫn khách đến các điểm du lịch phía Đông Nam tỉnh Lâm Đồng, anh Trung Hòa - Công ty Du lịch New Tour (TP Hồ Chí Minh) nhận xét: Sở thích và nhu cầu của khách đặt tour đến vùng ven biển hết sức đa dạng. Có đoàn thích tham quan, tìm hiểu các lăng vạn, công trình kiến trúc dân gian, nghệ thuật điêu khắc chạm trổ và lễ hội văn hóa dân gian truyền thống. Có những đoàn lại thích chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo, đậm màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng dân gian của dân tộc Chăm tại các ngôi đền tháp cổ kính. Vì thế công ty phải xây dựng, hình thành các tour, tuyến du lịch để định hướng du khách phù hợp.
Lễ hội cầu ngư của ngư dân Phan Thiết.
Chẳng hạn khi đến xã Bắc Bình, có thể kết nối để hình thành tour, tuyến du lịch tham quan, tìm hiểu những nét đặc sắc về di sản văn hóa Chăm. Hay về xã Hàm Thuận Nam là sự kết nối giữa điểm văn hóa tâm linh núi Tà Cú với điểm nghỉ dưỡng biển Kê Gà và du lịch nhà vườn (xã Tân Thành) để tạo nên sự liên hoàn giữa các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với du lịch tín ngưỡng.
Ý tưởng du lịch qua những miền di sản đã hình thành tại Việt Nam từ hơn một thập kỷ về trước, nhằm xây dựng một bản đồ du lịch kết nối di sản tiêu biểu của đất nước thông qua các tour, tuyến trọng điểm của từng địa phương, vùng, liên vùng.
Kết nối, biểu diễn văn nghệ trên tháp Pô Sah Inư vào ban đêm phục vụ khách.
Trên cơ sở đó, ở khu vực Đông Nam tỉnh, từ cuối năm 2024 đến nay, Công ty Lữ hành quốc tế Sao Mai tour (Phan Thiết) đã phối hợp với đối tác từ Khánh Hòa và Bảo tàng tỉnh tổ chức các chuyến đưa khách du lịch quốc tế bằng tàu hỏa đến tham quan tại một số điểm trên chặng hành trình tìm hiểu di sản văn hóa từ Bắc vào Nam. Trong đó, khách sẽ có 1 ngày trải nghiệm tại núi Tà Cú, Bảo tàng Làng Chài Xưa, điểm du lịch Bàu Trắng và kết thúc tại khuôn viên tháp B, Di tích tháp Pô Sah Inư. Du khách sẽ có bữa tối ấm cúng bên dưới chân tháp cổ và thưởng thức nghệ thuật dân gian Chăm, như dân ca, dân vũ, hòa tấu nhạc cụ; xem nghệ nhân người Chăm trình diễn nghề dệt, nghề gốm, làm bánh gừng…
Làm các sản phẩm gốm Chăm.
Tận dụng di sản văn hóa và lịch sử là cơ hội lớn để tạo ra các sản phẩm trải nghiệm du lịch văn hóa độc đáo thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” có bước đi vững mạnh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của du khách.
6 tháng đầu năm 2025, du lịch phía Đông Nam tỉnh ước đón 5,54 triệu lượt khách, tăng 18,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có gần 28.100 lượt khách quốc tế, tăng 35,46%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 15.040 tỷ đồng, tăng 19,35% so với cùng kỳ năm trước.
Thùy Linh