Thầy mo (bên trái) cùng mọi người dự lễ Mượng ma. Ảnh: Việt Bắc
Một thế giới tâm linh dung dị và nhân văn
Dân tộc Xinh Mun có 2 nhánh, là Xinh Mun dạ và Xinh Mun nghẹt. Cộng đồng người Xinh Mun không có chữ viết, nhưng có tiếng nói riêng; nhiều phong tục, tập quán riêng biệt. Ở miền rừng núi này, người Xinh Mun tin rằng, con người không chỉ có thân xác, mà còn có hồn vía, thứ kết nối con người với trời đất, tổ tiên, bản làng. Hồn vía là nguồn sinh lực vô hình, giúp con người khỏe mạnh, tỉnh táo và bình an. Khi ai đó lâm vào cảnh bệnh tật lâu ngày không rõ nguyên nhân hoặc gặp biến cố, hoảng sợ, mất ăn mất ngủ triền miên, người nhà sẽ mời thầy mo đến để làm nghi lễ Mượng ma, tức là đi tìm và gọi hồn vía của người bệnh trở về.
Bà Vì Thị Sướng, một thầy mo có tiếng trong vùng, đưa tôi đến dự một lễ Mượng ma của gia đình anh Lò Văn Tiên, cũng là một thầy mo trẻ tuổi trong vùng. Trên đường, bà mo Vì Thị Sướng cho biết, mỗi thầy mo hành nghề đều phải có một thầy mo đỡ đầu, người sẽ truyền dạy, “hợp hồn, hợp tuổi” và làm lễ cho người kế tục. Cứ khoảng 5 -10 năm một lần, thầy mo lại tổ chức nghi lễ Mượng ma để “gia cố” mối liên kết linh thiêng đó và cầu phúc cho dân bản. Đây cũng là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên và tri ân vị thần linh che chở cho dòng tộc.
Đêm xuống, trong gian nhà sàn bằng gỗ pơ mu thơm dịu, nghi lễ bắt đầu. Ánh lửa bập bùng trong bếp, khói nhang bảng lảng quyện lấy tiếng khèn bè ngân lên như tiếng gọi từ chốn linh thiêng. Bà Vì Thị Sướng mặc áo thầy mo, đầu quấn khăn đỏ, tay cầm chùm chuông bạc và bó lá rừng là những đạo cụ không thể thiếu trong mỗi lễ Mượng ma. Bà mo Sướng khẽ cất lời: “Ơ hồn vía ơi, mày đi đâu để người ta hoang mang, nhà ta rối loạn? Về đi thôi... Người ta chờ mày về ăn bữa cơm xôi, uống chén rượu cần, nằm chăn chiên của mẹ may...”. Câu hát gọi vía vang lên, có khi run run như tiếng thở dài, có lúc lại ngân nga như làn gió chạm qua đỉnh núi. Những người chứng kiến không ai nói gì. Mỗi người đều lặng lẽ giữ im lặng để “vía” không sợ mà bỏ chạy.
Theo quan niệm của người Xinh Mun, mỗi người có ba hồn và chín vía. Nếu hồn vía rời bỏ thân xác, người đó sẽ không còn đủ sinh lực để sống khỏe mạnh. Lễ Mượng ma không chỉ là một nghi lễ chữa bệnh bằng tâm linh, mà còn là một cách để con người tìm lại sự cân bằng trong tâm trí, kết nối với tổ tiên, với những linh hồn của rừng núi. Trong mâm lễ cúng không thể thiếu những thức quà dân dã: quả chuối chín, quả trứng luộc, nắm xôi nếp nương, một con gà trống thiến và chai rượu cần. Tất cả đều là sản vật của rừng, là tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên và mời gọi hồn vía trở về.
Lưu giữ lửa văn hóa giữa đại ngàn
Người Xinh Mun cho rằng, con người có thể tồn tại khỏe mạnh là nhờ sự hội tụ đầy đủ các linh hồn. Khi một phần hồn bị lưu lạc, người đó sẽ ốm đau, bệnh tật. Do đó, mỗi khi bản làng có người ốm lâu ngày không rõ nguyên nhân, gia súc bị dịch bệnh, hay khi thầy mo, người trung gian giữa trần thế và thần linh cảm thấy bản thân yếu đi, thì sẽ tổ chức nghi lễ Mượng ma để gọi hồn, cầu sức khỏe và hóa giải tai ương. Tôi chợt hiểu, Mượng ma không chỉ là nghi thức, mà là sự hiện thân của một nền văn hóa đặt con người trong mối giao hòa với tự nhiên và tâm linh. Nó là cách người Xinh Mun chữa lành từ tâm, không bằng dao kéo hay thuốc thang mà bằng sự yêu thương, trìu mến và lòng tin vào điều thiêng liêng.
Sau phần nghi lễ là phần hội diễn ra sôi nổi, vui vẻ. Ảnh: Việt Bắc
Giữa lúc nhịp sống hiện đại len lỏi đến từng bản làng, thì những nghi lễ như Mượng ma vẫn được gìn giữ. Dẫu không phải gia đình nào cũng tổ chức đầy đủ nghi thức, nhưng người Xinh Mun vẫn xem đây là một phần hồn cốt của tộc người mình. Bà mo Vì Thị Sướng trăn trở, bây giờ lớp trẻ thích đi làm xa, sống ở phố, nhiều đứa không còn tin vào hồn vía. Mình già rồi, chỉ mong truyền lại cho mấy đứa nhỏ hiểu được giá trị của nghi lễ này... Với người Xinh Mun, Mượng ma không chỉ là một nghi thức tâm linh, mà còn là nơi neo giữ bản sắc, là chiếc cầu nối con người với tổ tiên, với đất trời. Trong tiếng khèn rưng rức, trong khói bếp ấm lòng, nghi lễ ấy vẫn thầm thì với đại ngàn: hồn người còn thì văn hóa còn...
Thật may, chính quyền các cấp cùng ngành văn hóa tỉnh Sơn La đã và đang có nhiều nỗ lực để phục dựng và bảo tồn nghi lễ Mượng ma. Những lễ hội cộng đồng, những lớp truyền dạy tiếng Xinh Mun, trang phục truyền thống, các nghi thức dân gian như Mượng ma, cúng bản, hạn vía... đang được phục hồi một cách bài bản. Năm vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đã phối hợp với các nghệ nhân tổ chức trình diễn nghi lễ Mượng ma như một cách vừa bảo tồn, vừa giới thiệu nét văn hóa độc đáo này đến đông đảo du khách. Tại đó, những tiếng khèn, điệu múa, bài cúng không chỉ vang lên như một nghi lễ thiêng liêng, mà còn là tiếng lòng của cả một cộng đồng đang níu giữ cội nguồn giữa thời đại toàn cầu hóa.
Rời bản Nà Đít khi trời đã ngả bóng về phía Tây, tôi vẫn còn nghe văng vẳng câu hát của thầy mo: “Ơ vía ơi, về đi thôi... Có mẹ, có cha, có bếp lửa đang chờ...”. Câu hát như tiếng lòng tha thiết của con người không cam lòng bị lạc mất chính mình giữa những bộn bề của đời sống hiện đại. Có lẽ, nghi lễ Mượng ma không chỉ dành cho người Xinh Mun. Mỗi chúng ta, giữa cuộc sống tất bật, cũng có lúc thấy hồn vía mình thất tán bởi áp lực, bởi xa cách, bởi quên mất điều cốt lõi làm nên bản ngã. Và khi ấy, ta cũng cần một nghi lễ của riêng mình bằng một cuộc trở về, một khoảnh khắc dừng lại để gọi vía, giữ hồn...
Lễ Mượng ma đã xuất hiện từ lâu đời và tồn tại cho đến ngày nay. Nghi lễ mang tính chất cộng đồng cao và được người dân ủng hộ. Với giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, năm 2020, nghi lễ Mượng ma của dân tộc Xinh Mun được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việt Bắc