Cơ hội số hóa ngành xây dựng

Cơ hội số hóa ngành xây dựng
6 giờ trướcBài gốc
Những tham vọng lớn
Đầu năm 2025, CTCP One Mount Group cam kết đầu tư 200-500 triệu USD để làm chủ công nghệ chuỗi khối nền tảng và triển khai mạng Blockchain Layer 1 nhằm xây dựng hạ tầng chuỗi khối quốc gia, bao gồm mạng blockchain quốc gia.
Đây được xem là nỗ lực lớn của một doanh nghiệp ngành bất động sản, góp phần hiện thực hóa chiến lược đưa Việt Nam làm chủ công nghệ chuỗi khối, tạo nền tảng cho sự phát triển vượt bậc trong kỷ nguyên công nghệ số.
Trên thực tế, những năm gần đây, ngành xây dựng đã có nhiều bước chuyển lớn trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, từ bề rộng đến chiều sâu. Với lĩnh vực xây dựng - hạ tầng - bất động sản, BIM được xem là giải pháp tiên tiến, giúp nâng cao hiệu quả thực hiện, quản lý vận hành và bảo trì cho các dự án. Đến thời điểm hiện tại, BIM đã trở thành công nghệ gần như không thể thiếu trong các dự án lớn.
TS. Tạ Ngọc Bình - Trưởng Phòng Nghiên cứu kinh tế đầu tư và xây dựng số - Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng cho hay, BIM là “chìa khóa” giải quyết xung đột không gian tại các dự án hạ tầng đô thị phức tạp, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và là “ngôn ngữ” chung trong các dự án quốc tế.
Việc làm chủ BIM giúp doanh nghiệp Việt không chỉ đủ sức tham gia các gói thầu lớn, yêu cầu kỹ thuật cao trong nước, mà còn tự tin vươn ra thị trường toàn cầu.
Đồng thời, BIM cho phép kiểm soát tốt hơn các xung đột trong thiết kế ngay từ giai đoạn đầu, từ đó giảm thiểu sai sót, lãng phí tại công trường, quản lý tiến độ và chi phí một cách minh bạch, hiệu quả. BIM cũng tạo ra giá trị mới, giúp doanh nghiệp có thể cung cấp các dịch vụ gia tăng như quản lý vận hành, bảo trì công trình dựa trên mô hình số, mở ra một hướng kinh doanh mới.
Còn theo ông Trần Phúc Minh Khôi - Phó tổng giám đốc CTCP Tư vấn thiết kế cảng - biển Portcoast, như nhiều quốc gia tiên tiến, Việt Nam có thể hướng tới việc “BIM hóa” toàn bộ quy trình cấp phép xây dựng, kết nối quy hoạch và liên thông cơ sở dữ liệu quản lý công trình. Khi đó, BIM không chỉ là công cụ của nhà thầu, mà trở thành hạ tầng số của ngành xây dựng.
Phải xóa bỏ các rào cản hiện tại
Dù đánh giá cao BIM và cơ hội chuyển đổi số cho ngành xây dựng, nhưng để công cuộc này đi vào thực chất, mang đến hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và cộng đồng, còn không ít rào cản cần phải vượt qua.
Ông Nguyễn Trung Sơn - Phó trưởng Phòng Quản lý xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, hiện tại, một bộ phận chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng vẫn xem BIM như là phần mềm vẽ 3D, mà chưa nhận thức đầy đủ vai trò trong quản lý vòng đời dự án.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện còn thiếu kỹ sư được đào tạo và có kiến thức chuyên sâu về BIM, đặc biệt là khả năng triển khai trong thực tiễn. Việc thiếu nhân sự BIM xảy ra phổ biến từ cơ quan quản lý dự án, các nhà thầu thiết kế, thi công, cơ quan quản lý nhà nước…
Ngoài ra, việc đào tạo, cập nhật kiến thức về BIM cho đội ngũ hiện tại cũng khó khăn do hạn chế về năng lực công nghệ thông tin. Hệ thống đào tạo như các trường đại học, viện đào tạo chuyên ngành xây dựng và kiến trúc chưa tích hợp đầy đủ BIM vào chương trình giảng dạy chính khóa, mà chủ yếu ở dạng giới thiệu, chưa có thực hành.
Theo ông Sơn, để ứng dụng BIM nói chung, chuyển đổi số ngành xây dựng nói riêng có thành tựu, cần nâng cấp trang bị công nghệ thông tin, đường truyền, xây dựng nền dữ liệu chung (CDE) thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Cùng với đó là việc bổ sung các quy định pháp luật, các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến việc áp dụng công nghệ. Ngoài ra, cũng cần tăng cường đào tạo nhân sự cho ngành để thuận lợi cho công tác triển khai trên diện rộng.
BIM (Building Information Modeling) là một quy trình tiên tiến được ứng dụng trong ngành xây dựng (AEC) dựa trên các mô hình 3D kỹ thuật số được sử dụng xuyên suốt vòng đời của một dự án thiết kế, hạ tầng và xây dựng.
Những mô hình BIM này cao cấp hơn hẳn so với các bản vẽ 2D, 3D đơn thuần, chúng được tạo thành bởi các mô hình thông minh kèm theo rất nhiều thông tin, được thay đổi và cập nhật xuyên suốt quá trình phát triển dự án.
Bình Minh
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-hoi-so-hoa-nganh-xay-dung-post372549.html