Cơ hội từ các dự án giao thông đô thị hiện đại

Cơ hội từ các dự án giao thông đô thị hiện đại
4 giờ trướcBài gốc
Tín hiệu tích cực từ nhà đầu tư
Trước mắt, trong quý II và III năm nay tại 9 khu đô thị kể trên, thành phố sẽ xác định ranh giới, quy hoạch và pháp lý đất đai. Các thủ tục điều chỉnh quy hoạch và lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn tất vào đầu năm 2026, tạo nền tảng kỳ vọng sẽ “bùng nổ” trong giai đoạn 2027-2030.
Theo kế hoạch, ngay trong năm nay, thành phố sẽ thực hiện 3 dự án TOD dọc tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và đường vành đai 3. Các khu đất này hiện đang do nhà nước quản lý nên khâu giải phóng mặt bằng được đánh giá là thuận lợi và sẽ được tiến hành nhanh chóng.
Mặc dù cho đến thời điểm này, thành phố chưa công bố phương án đấu giá cụ thể, nhưng nhiều nhà đầu tư đã rất quan tâm để làm dự án TOD.
Chẳng hạn, đầu năm nay, Sun Group đã có văn bản gửi UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất được đầu tư dự án TOD ở khu đất Nông trường Dừa và một số dự án khác tại TP. Thủ Đức. CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII) cũng đã đề xuất ý tưởng phát triển mô hình TOD tại khu vực Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) với tổng diện tích hơn 50 ha. Đây là khu vực dự kiến tuyến Metro số 3A, tuyến Metro số 5 và một số tuyến giao thông công cộng khác sẽ hình thành trong tương lai.
Trong khi đó, đầu tháng 3 năm nay, Công ty TNHH Nhựa Duy Tân đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh phát triển mô hình TOD tại khu đất do doanh nghiệp sở hữu nằm bên vành đai 2, Quốc lộ 1A, đường Võ Văn Kiệt, tuyến đường sắt đô thị MRT 3A và monorail số 1 kết nối với Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và tỉnh Long An.
Ông Vincent Choo Wing Sung, Giám đốc Đầu tư CTCP Metro Star cho biết, ngay từ khi TP. Hồ Chí Minh có quy hoạch các tuyến Metro, doanh nghiệp đã bắt tay nghiên cứu mô hình TOD nằm dọc 8 tuyến Metro ở thành phố. Nhiều tập đoàn khác đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã tiếp cận các khu vực quy hoạch dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2 và vành đai 3 để nghiên cứu triển khai dự án đô thị lớn. Đặc biệt là từ khi tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên chính thức đi vào hoạt động, giá trị bất động sản quanh khu vực này đã tăng mạnh. Vì thế, các nhà đầu tư rất trông đợi TP. Hồ Chí Minh hoàn thiện các thủ tục đấu giá, thủ tục đầu tư để có thể tham gia vào các dự án TOD trong các quý tới.
Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đi vào hoạt động đang làm tăng giá trị nhà đất dọc hành lang đường tàu
Tâm điểm hút FDI và vốn tư nhân
Theo nhận định của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nếu TP. Hồ Chí Minh triển khai đúng và bài bản mô hình TOD, đặc biệt là quy hoạch minh bạch, sẽ tạo ra một vòng thu hút vốn kép, đối với doanh nghiệp FDI và khu vực tư nhân trong nước.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho rằng, với nhà đầu tư bất động sản hạ tầng, khó nhất là có quỹ đất sạch. Nếu mô hình TOD giải quyết được nút thắt này sẽ có sức hút lớn. Chưa kể, các đô thị bám theo hạ tầng giao thông công cộng hiện đại sẽ đảm bảo việc di chuyển thuận tiện, mật độ dân cư cao và có khả năng sinh lời tốt hơn so với các dự án đô thị đơn lẻ, thiếu kết nối.
Về định hướng quy hoạch chiến lược, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, TOD sẽ là mô hình lõi thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng và bất động sản của TP. Hồ Chí Minh. Mô hình này không chỉ tái định hình không gian đô thị, mà sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, để không xảy ra tình trạng “nửa vời”, ông Sơn cho rằng, cần nghĩ đến việc xây dựng một tập đoàn chuyên trách về TOD ở quy mô quốc gia với các chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số địa phương khác. Điều này giúp chuẩn hóa cơ chế quản lý, công nghệ trên toàn quốc, giảm chi phí và tạo điều kiện để Việt Nam tự thiết kế, bảo trì hệ thống metro trong tương lai, hướng đến việc phát triển ngành công nghiệp metro vươn tầm khu vực.
Ông Sơn cũng gợi ý rằng, trước đây khi xây dựng khu đô thị Nam Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh đã có kinh nghiệm trong việc giao cho liên danh đối tác công-tư (PPP) vận hành. Khi đó chưa có khung pháp lý rõ ràng cho mô hình này, nhưng nhờ cơ chế hợp tác linh hoạt, Nam Sài Gòn đã trở thành một đô thị kiểu mẫu.
Vì thế việc phát triển các đô thị TOD hiện nay cũng có thể đi theo hướng tương tự. Trong đó, đơn vị nhà nước sẽ chịu trách nhiệm về thủ tục pháp lý, quy hoạch, giải phóng mặt bằng và tổ chức quỹ đất, còn đơn vị tư nhân đảm nhận vấn đề tài chính, phát triển các dự án.
“Việc thành lập Tập đoàn PPP là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của TOD với số vốn cực lớn. Nếu quản lý tốt, mỗi tuyến metro trị giá hàng tỷ USD có thể thu hồi vốn tương đương hoặc hơn nhờ phát triển đô thị hai bên”, ông Sơn nhận định.
Thạch Bình
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/co-hoi-tu-cac-du-an-giao-thong-do-thi-hien-dai-164304.html