Cơ hội vàng cho bán lẻ ở 'siêu đô thị' TPHCM 14 triệu dân

Cơ hội vàng cho bán lẻ ở 'siêu đô thị' TPHCM 14 triệu dân
6 giờ trướcBài gốc
Cửa hàng nhỏ, giấc mơ lớn
Trên con đường nhỏ ở phường Bình Tây, sạp vải của chị Ngọc Hiền lúc nào cũng tấp nập nhưng điều khiến chị háo hức hơn cả là giấc mơ mở thêm chi nhánh ở một địa phương vừa sáp nhập.
“Tôi từng nghĩ đến việc ra Bình Dương, nhưng giấy tờ thủ tục, đất đai, vốn vay quá phức tạp. Giờ về cùng thành phố, tôi hy vọng sẽ bớt rào cản. Có mặt bằng mới, tôi sẽ tuyển thêm nhân viên, bán thêm hàng, tiếp cận được nhóm khách mới” - chị Hiền hồ hởi chia sẻ.
Nhiều tiểu thương chợ truyền thống ở TPHCM cũng đang dõi theo từng bước chuyển mình của thành phố với tâm thế chờ thời. “Với sức mua khá thấp như hiện nay, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh ở nơi mới cũng là điều khá hay và tôi đang muốn thử sức” – bà Bé (tiểu thương chợ Bà Chiểu) chuyên kinh doanh thực phẩm chế biến bộc bạch.
Người dân TPHCM tấp nập mua sắm hàng hiệu trong tháng khuyến mãi do TPHCM tổ chức
Cách trung tâm TPHCM vài chục cây số, ông Bình (64 tuổi) chuyên trồng cây ăn trái ở khu vực phường Tân Uyên đang tính chuyện đưa nông sản vào siêu thị. “Bây giờ TPHCM rộng ra rồi, vậy là mình cũng “thuộc” về thành phố. Hy vọng sắp tới sẽ được kết nối nhiều hơn với các nhà phân phối, đưa trái cây của mình vào siêu thị trung tâm, không cần qua trung gian” – lão nông dân phấn khởi và cho biết thêm, đang trông đợi vào những chính sách mới để chuyển từ sản xuất nhỏ sang quy mô chuyên nghiệp, có đầu ra ổn định. Với hệ thống phân phối sẵn có ở TPHCM và các doanh nghiệp logistics đang được mời gọi mở rộng, cơ hội để nông sản “đi thẳng” từ vườn ra siêu thị đang ngày càng gần.
Nếu như trước đây muốn mua đồ điện máy, mỹ phẩm chính hãng, hàng nhập khẩu… phải về tận trung tâm thành phố, thì nay các chuỗi bán lẻ lớn đã lên kế hoạch mở rộng điểm bán. “Tôi thấy TPHCM có rất nhiều chương trình hay như tháng khuyến mãi hàng hiệu, hay những sản phẩm “hot, hit” đều đến TPHCM trước, sau đó mới đến các địa phương khác. Bây giờ TPHCM mở rộng rồi, chúng tôi sẽ được tiếp cận các chương trình, sản phẩm tốt nhất, nhanh nhất mà không cần phải tranh thủ thời gian rảnh mới được lên thành phố mua sắm” - chị Hương (ngụ phường Bình Mỹ) hồ hởi nói.
Nhiều tiểu thương chợ truyền thống có ý định mở thêm điểm kinh doanh mới sau sáp nhập
Thị trường tiêu dùng khổng lồ
Tại tọa đàm “Không gian phát triển TPHCM – Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ” vừa diễn ra tại TPHCM, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) nói rằng, thành phố hiện có mạng lưới chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại rộng khắp. Việc kết nối thêm Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu giúp hình thành hệ sinh thái khép kín từ sản xuất, kho vận đến phân phối.
“Bình Dương có các khu công nghiệp, kho bãi lớn như Sóng Thần, VSIP; trong khi Bà Rịa – Vũng Tàu có cảng biển quốc tế Cái Mép – Thị Vải. Kết nối cả ba địa phương sẽ giúp hệ thống thương mại, logistics của TPHCM vận hành linh hoạt hơn, phục vụ tốt cả tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu” - ông Tuấn nhận định.
Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Central Retail Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất vui vì từ nay dân số đông hơn, tức là sức mua cao hơn. Nếu hạ tầng logistics hoàn thiện, chi phí giảm thì việc phân phối hàng hóa sẽ bùng nổ. Ví dụ, vải thiều có thể bán gấp 3-4 lần nếu tổ chức tốt mạng lưới”.
Theo thống kê, hiện TPHCM có hơn 60.000 cửa hàng tạp hóa và khoảng 350 chợ truyền thống, chiếm đến 60-65% nguồn cung hàng hóa cho toàn thị trường thành phố. Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op Lê Trường Sơn cho rằng, ngành bán lẻ Việt Nam rất đa dạng, mỗi kênh đều có vai trò.
“Việc mở rộng địa giới hành chính sẽ giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện phục vụ khách hàng tốt hơn, từ trung tâm ra vùng ven, từ thành thị đến nông thôn” – ông Sơn chia sẻ.
TPHCM hiện có hơn 14 triệu dân, là cơ hội vàng của thị trường bán lẻ
Không chỉ bán lẻ truyền thống, mảng thương mại điện tử cũng đang đứng trước đà bứt phá. Ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc KIDO nói rằng, Việt Nam đang xếp thứ 3 Đông Nam Á về tốc độ phát triển thương mại điện tử, có thể vượt Thái Lan trong tương lai gần. Tuy nhiên, để làm được điều này cần khơi thông điểm nghẽn về phân phối, kỹ thuật, kỹ năng và cả nhận thức.
Theo ông ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc đối ngoại Shopee Việt Nam, Việt Nam không thua Thái Lan về thương mại điện tử. “Thậm chí Shopee Việt Nam còn phát triển tốt hơn Shopee Thái Lan. Tuy nhiên vẫn còn thách thức vì ở nông thôn, người bán nhỏ chưa quen chuyển đổi số” – ông Hà nói.
Thành phố cũng đã tính đến việc đầu tư hạ tầng cho thương mại điện tử. Ông Lý Thế Dân, đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết, thành phố sẽ phân bố lại dân cư, quy hoạch đô thị đa cực thay vì đơn cực như trước. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy kinh tế số đi sâu vào đời sống dân cư.
Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh, việc mở rộng không gian đô thị không chỉ để quản lý hành chính tốt hơn mà còn là cơ hội giúp TPHCM vươn tầm khu vực, trở thành trung tâm sản xuất – tài chính – thương mại – logistics hàng đầu Đông Nam Á.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển “siêu đô thị”, Thành phố đã kiến nghị Trung ương ban hành cơ chế đặc thù để đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng thương mại, logistics và chuyển đổi số toàn diện. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát huy vai trò trung tâm tiêu dùng – thương mại của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Thành phố cũng đang rà soát các quy hoạch liên quan, phối hợp liên ngành, liên vùng để đẩy mạnh đầu tư vào chuỗi cung ứng, hạ tầng thương mại và chuyển đổi số bán lẻ.
Uyên Phương
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/co-hoi-vang-cho-ban-le-o-sieu-do-thi-tphcm-14-trieu-dan-post1760147.tpo