Các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk sau khi sáp nhập các địa phương về “chung một nhà”, sẽ tạo đòn bẩy mạnh mẽ để kết nối tour, tuyến, xây dựng sản phẩm liên vùng, nâng cao chất lượng dịch vụ và quảng bá hình ảnh du lịch địa phương. Từ đó, đánh thức những tiềm năng còn bỏ ngỏ, đưa du lịch vươn xa, góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Du khách thưởng thức nghệ thuật Chăm tại Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn, xã Thu Bồn, TP Đà Nẵng
Phát huy nguồn tài nguyên quý
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, sau khi hợp nhất, Quảng Ngãi sở hữu lợi thế khác biệt để phát triển du lịch bền vững, khi vừa có Lý Sơn - “viên ngọc biển đảo”, vừa có Măng Đen - cao nguyên xanh mát được ví như “Đà Lạt thứ hai”. Đây sẽ là hai cực phát triển quan trọng, tạo động lực để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trụ cột của tỉnh.
Theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Lý Sơn được định hướng trở thành trung tâm du lịch biển đảo quốc gia. Tỉnh đã xây dựng đề án phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái biển, khám phá địa chất núi lửa, trải nghiệm văn hóa ngư dân thông qua các lễ hội truyền thống, di tích lịch sử, tín ngưỡng và ẩm thực đặc sắc.
Trong khi đó, Măng Đen được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tầm cỡ, khai thác tối đa lợi thế khí hậu mát mẻ, rừng nguyên sinh và văn hóa giàu bản sắc của Tây Nguyên. Tỉnh đã triển khai nhiều tour liên kết như tour Măng Đen - Lý Sơn, kết hợp các điểm đến nổi bật như Thiên Ấn, Sa Huỳnh, các làng nghề truyền thống, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm trải nghiệm đa dạng để thu hút du khách.
“Tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thông qua công tác quy hoạch đồng bộ, cơ chế ưu đãi, thủ tục hành chính minh bạch, thu hút các tập đoàn lớn đầu tư phát triển các dự án du lịch cao cấp”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang cho biết.
TP Đà Nẵng có diện tích tự nhiên hơn 11.859 km², sẽ là thành phố có diện tích lớn nhất trong sáu thành phố trực thuộc Trung ương với dân số hơn 3 triệu người, có nền tảng văn hóa, hạ tầng du lịch, dịch vụ đa dạng, phong phú. Sự mở rộng không gian hành chính cũng sẽ mở rộng không gian du lịch với nhiều tiềm năng tài nguyên mới, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch như du lịch biển, du lịch di sản, du lịch sinh thái, văn hóa - cộng đồng… Đem lại những cơ hội mới cho phát triển du lịch Đà Nẵng, trở thành trung tâm du lịch quốc gia mang tầm khu vực và quốc tế, là “cửa ngõ” của du lịch Việt Nam ở miền Trung.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, thời gian tới cần khẩn trương định vị điểm đến gắn với bộ nhận diện thương hiệu TP Đà Nẵng mới. Thống nhất phương pháp thống kê lượt khách; xúc tiến thị trường khách du lịch mới và sản phẩm mới; triển khai hiệu quả Bộ tiêu chí văn hóa du lịch; tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực du lịch.
“Sở VHTTDL tập trung đầu tư cho phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp với du lịch xanh, du lịch bền vững, xem đây là hướng phát triển mới của du lịch Đà Nẵng, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch y tế và dưỡng lão…”, ông Triết nhấn mạnh.
Định vị lại thương hiệu
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch 6 tháng cuối năm 2025, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã lấy một ví dụ trong thực tiễn, khi Gia Lai sáp nhập Bình Định, tỉnh Gia Lai (mới) không chỉ còn có Tây Nguyên đất đỏ, Biển Hồ lộng gió mà có những bãi biển đẹp, có vị mặn mòi ở Ghềnh Ráng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Vẽ lại” không có nghĩa là phủ nhận cái đã có, mà phải tiếp cận nó với tư cách là ngành Du lịch dựa trên bản sắc văn hóa”. Đó là chưa nói, “vẽ lại bản đồ du lịch” là phải tạo ra được sự liên kết, phát huy được lợi thế, cơ hội phát triển mới và không gian rộng mở sau sáp nhập, thay vì không gian hẹp trước đây”.
Mặc dù “vẽ lại bản đồ du lịch”, nhưng dưới góc độ là doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm và nằm trong nhóm dẫn đầu trong lĩnh vực lữ hành du lịch, Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Tourism JSC Nhữ Thị Ngần chia sẻ: “Không thể đơn giản nghĩ rằng cứ thay đổi tỉnh thành thì vẽ lại bản đồ du lịch bằng cách “đổi tên” là xong”.
Thuận lợi về việc kết hợp tuyến hành lang Đông - Tây giúp cho du lịch các tỉnh mới được phong phú đa dạng hơn, sản phẩm du lịch cũng theo đó được làm mới trải nghiệm cho du khách. Tuy nhiên, chính thuận lợi này cũng là một khó khăn không nhỏ nếu địa phương không nhận diện ra được giá trị đặc thù riêng của mình so với các tỉnh thành khác.
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Phạm Thị Trung cho biết: “Đơn vị đã chủ động tổ chức Tọa đàm “Kết nối, hợp tác phát triển du lịch Quảng Ngãi”, cùng nhìn nhận rõ nét hơn về tiềm năng, thế mạnh du lịch Quảng Ngãi sau sáp nhập. Đồng thời lắng nghe, tiếp nhận những sáng kiến, ý tưởng để xây dựng chiến lược phát triển du lịch dài hạn, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng xu thế phát triển bền vững”.
Theo bà Trung, mục tiêu quan trọng là tăng cường gắn kết, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, mở rộng không gian du lịch, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch thật sự đặc sắc, riêng biệt, mang đậm bản sắc Quảng Ngãi. Đó sẽ là những sản phẩm vừa tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên, chiều sâu văn hóa, vừa để lại ấn tượng sâu đậm, giúp du khách có được những trải nghiệm đáng nhớ, những ký ức đẹp khi đến với mảnh đất này.
Ông Lê Quốc Việt, Chủ nhiệm CLB Điểm đến Quảng Nam cho rằng, việc hợp nhất giúp Đà Nẵng - Quảng Nam có thể xây dựng hình ảnh điểm đến chung, tạo ra chuỗi sản phẩm phong phú từ biển đảo đến di sản, từ nghỉ dưỡng cao cấp đến trải nghiệm văn hóa địa phương.
Nếu được kết nối, định hướng đúng, đây sẽ là nguồn lực dồi dào để vùng đất Đà Nẵng phát triển thành một điểm đến du lịch đa lõi, đa tầng, được kỳ vọng sẽ tạo nên một “thiên đường” du lịch lớn nhất cả nước, có thể cạnh tranh với các điểm đến hàng đầu Đông Nam Á về di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh.
(Còn tiếp)
NHƯ ĐỒNG - KHÁNH CHI - PHAN HIẾU