Doanh nghiệp chủ động khai phá thị trường
KTSG: Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đối diện nhiều rủi ro, việc tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là những thị trường ổn định, gần như miễn nhiễm với các chính sách thuế quan mới của Mỹ như tại khu vực Trung Đông, rất quan trọng. Khi vấn đề này đang được thúc đẩy, doanh nghiệp điều của Việt Nam đã tạo dựng chỗ đứng nhất định tại thị trường Trung Đông. Thưa ông, đâu là nguyên nhân của thành công bước đầu này?
Ông Bạch Khánh Nhựt
- Ông Bạch Khánh Nhựt: Sau 35 năm, ngành điều của Việt Nam đã có sự phát triển ổn định, liên tục, bền vững, và trong gần 20 năm trở lại đây, chúng ta luôn dẫn đầu về cung cấp điều nhân cho toàn thế giới. Các thị trường truyền thống của doanh nghiệp điều Việt Nam đầu tiên là Mỹ, tiếp đến là Trung Quốc rồi Liên minh châu Âu (EU). Các thị trường này xáo trộn theo từng năm nhưng khoảng ba năm gần đây, Trung Đông (chủ yếu là Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất - UAE) trở thành đối tác nhập khẩu điều lớn thứ 5 của Việt Nam.
Vì sao thị trường Trung Đông lại vươn lên thành thị trường lớn của hạt điều Việt Nam như vậy? Ngành điều Việt Nam lớn mạnh, được hỗ trợ bởi công nghệ, máy móc, thiết bị và quản trị tốt nên sản lượng tăng. Tăng trưởng tại ba thị trường lớn chỉ ở mức giới hạn, đặc biệt khi hạt điều Việt Nam ngày càng chiếm thị phần cao. Chính vì vậy, để giải quyết sản lượng tăng thêm, doanh nghiệp bắt buộc phải tìm kiếm thị trường mới.
Trong thời gian sắp tới, nhiều khả năng, các đối tác từ Trung Đông sẽ vượt Singapore trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam. Trên thực tế, điều Việt Nam xuất khẩu sang Singapore không được tiêu thụ trực tiếp tại quốc đảo này mà được chế biến, đóng gói, tiếp tục xuất khẩu sang các nước thứ 3 thông qua các doanh nghiệp Singapore hay doanh nghiệp nước ngoài đặt trụ sở tại đây. Tại thị trường Trung Đông, lượng điều nhập khẩu từ Việt Nam được tiêu thụ trực tiếp lớn và đều đặn. Dù đến trễ nhưng chúng ta có thể kỳ vọng vào những cơ hội mới cho hạt điều nói riêng và hàng hóa, nông sản Việt Nam nói chung tại khu vực này.
KTSG: Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Đông? Doanh nghiệp Việt Nam nên làm như thế nào?
- Với hạt điều, và có lẽ, với nhiều hàng hóa của Việt Nam, theo truyền thống, ngay từ những năm đầu tiên bắt đầu xuất khẩu, các doanh nghiệp từ Mỹ, Trung Quốc, EU chủ động tìm đến với chúng ta, gặp gỡ các nhà sản xuất, chế biến, đề nghị hợp tác và hướng dẫn doanh nhân Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị. Theo thời gian, hoạt động này ngày càng được mở rộng và hoàn thiện, các nhà xuất khẩu Việt Nam duy trì đơn hàng cũ, nhận thêm đơn hàng mới.
Các nhà mua hàng Trung Đông ít quan tâm tìm kiếm đối tác xuất khẩu điều từ Việt Nam hơn. Từ trước tới nay, họ vẫn giao thương chủ yếu với doanh nghiệp Ấn Độ, vốn có vị trí địa lý gần gũi và nền văn hóa nhiều nét tương đồng với các quốc gia Trung Đông.
Vài năm gần đây, như tôi đã nói, do sản lượng điều của Việt Nam tăng, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chủ động tìm kiếm thêm thị trường. Bản thân các doanh nghiệp cũng đã tự vượt qua được các rào cản về ngôn ngữ, thuận lợi hơn trong vấn đề visa, đi lại... nên càng tích cực hơn. Các nhà xuất khẩu từ Việt Nam đã tham gia Hội chợ Thực phẩm và Đồ uống lớn nhất thế giới Gulfood, tổ chức vào tháng 2 hàng năm ở Dubai, UAE, mở gian hàng, giới thiệu các sản phẩm của mình, ký hợp đồng hợp tác với các doanh nhân Trung Đông cũng tham gia hội chợ.
Đối với ngành điều, đơn hàng của doanh nghiệp này tới Trung Đông được ký kết sẽ thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp khác. Nhiều doanh nghiệp cũng rủ rê, hỗ trợ những người bạn thân thiết, chia sẻ đơn hàng, cùng nhau tiếp cận và tận dụng cơ hội từ thị trường mới, chia sẻ thông tin về khách hàng và các lưu ý về thị trường. Đây là điều rất đáng ghi nhận.
Thách thức lớn nhất và cách hóa giải
KTSG: Nhìn chung, đa dạng hóa thị trường là điều bất cứ ngành hàng nào cũng đều mong muốn, nhưng để hiện thực hóa nó tại thị trường Trung Đông, theo ông, thách thức lớn nhất với doanh nghiệp Việt Nam là gì?
- Đầu tiên, các doanh nghiệp Trung Đông mua hàng hóa với chất lượng rất cao. Đây là lý do mà dù thị trường Trung Đông nhập khẩu hạt điều nhân lớn thứ 4 từ Việt Nam, sản lượng xuất khẩu của chúng ta vẫn ở mức khiêm tốn, vào khoảng 300 triệu đô la Mỹ trong năm 2024 (trong đó, riêng UAE nhập khẩu hơn 226 triệu đô la Mỹ), bằng một phần ba sản lượng sang thị trường Mỹ, một phần hai sản lượng sang thị trường Trung Quốc. Như vậy, việc đầu tiên là doanh nghiệp Việt Nam phải tự nâng cao quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Vấn đề thứ hai và có tính chất quyết định là yếu tố văn hóa. Dù hàng hóa Việt Nam đã đi đến hàng trăm quốc gia, thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng tại các thị trường này, các tiêu chuẩn có tính chất toàn cầu như ISO, Global Gap, Tiêu chuẩn FDA của Mỹ... đều được chấp nhận. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn hàng hóa, thực phẩm của Việt Nam cũng được xây dựng căn cứ vào các tiêu chuẩn này. Thị trường Trung Đông đòi hỏi các tiêu chuẩn hoàn toàn khác biệt, từ sản phẩm tới quy trình chế biến, đóng gói, vận chuyển đều phải tuân theo Tiêu chuẩn Halal. Doanh nghiệp còn nhiều bỡ ngỡ trước hệ thống tiêu chuẩn này nên đây có thể coi là rào cản lớn nhất hiện nay.
KTSG: Theo ông, để tiếp cận và khai thác cơ hội từ thị trường Trung Đông một cách bài bản, doanh nghiệp Việt cần được hỗ trợ như thế nào? Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm có tính điển hình của ngành điều?
- Đối với ngành điều, vì sản lượng xuất khẩu chưa lớn nên chưa xảy ra những vấn đề nghiêm trọng. Hay xuất hiện hơn cả là tình huống doanh nghiệp bị trả hàng do không đảm bảo chất lượng nhập khẩu yêu cầu. Bên cạnh đó, do Dubai, UAE là nơi doanh nghiệp của các quốc gia trên thế giới đặt trụ sở (tương tự Singapore), có tình trạng đối tác tại Dubai “xù” hợp đồng rồi biến mất, đổi tên, đổi văn phòng, đổi người đại diện. Do đơn hàng nhỏ, nhà xuất khẩu của chúng ta không nhờ các cấp quản lý hay hiệp hội can thiệp, chấp nhận thua thiệt và coi đó là rủi ro trong kinh doanh.
Vậy nên, để doanh nghiệp nội địa có thể thuận lợi hơn khi khai thác thị trường Trung Đông, đầu tiên, họ cần được hỗ trợ trong việc đáp ứng Tiêu chuẩn Halal, trong đó có việc sắp xếp lại toàn bộ chuỗi giá trị, từ khâu thu mua đến sản xuất, đóng gói, vận chuyển và các yêu cầu khác - đặc biệt là vấn đề nhân lực. Các cơ quan quản lý bộ ngành chuyên môn như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có thể cập nhật các tiêu chuẩn thị trường, thiết lập các đầu mối về chuyên gia, tư vấn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, có thể thiết lập đầu mối tại Đại sứ quán của Việt Nam ở các quốc gia Trung Đông, để các hiệp hội hay doanh nghiệp có thể trực tiếp liên lạc, nhờ giúp đỡ trong các thủ tục xuất khẩu hay hỗ trợ cách thức xác minh đối tác, đảm bảo luồng hàng xuất khẩu đạt chuẩn và an toàn.
KTSG: Hiện tại, Dự án Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu đã được xúc tiến triển khai. Doanh nghiệp Việt Nam có thể có những cơ hội gì nếu dự án này được hoàn thành?
- Trong ngành điều, chúng tôi đã ghi nhận hiện tượng doanh nghiệp có trụ sở tại Dubai, UAE nhập khẩu hạt điều nhân của Việt Nam, chế biến rồi xuất sang thị trường châu Âu. Đây là cung đường vận chuyển thuận lợi cho hàng hóa, kết nối các quốc gia Nam bán cầu với các thị trường Trung Đông và EU.
Tuy nhiên, doanh nghiệp điều xuất khẩu đang không chủ động được trong việc lựa chọn đối tác vận chuyển, cũng như các điểm đến logistics, việc này phụ thuộc hoàn toàn vào chỉ định của nhà nhập khẩu nước ngoài. Tình trạng tương tự cũng đang tồn tại trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung. Vì vậy, dù tiềm năng lớn, để doanh nghiệp tận dụng được cơ hội, vẫn còn cần một chặng đường rất dài, phụ thuộc vào chiến lược phát triển các thị trường này của cả nền kinh tế Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế Quốc dân:
Đâu là chìa khóa mở cửa thị trường Trung Đông?
Trung Đông không phải là một thị trường khó tính mà là một thị trường khác biệt. Tiêu chuẩn Halal được xây dựng trên nền tảng tôn giáo là đạo Hồi, yêu cầu sự tuân thủ khắt khe. Về bản chất, đó là hàng rào kỹ thuật không giống như các tiêu chuẩn thông dụng trên thế giới như ISO, Global Gap hay ESG về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Vậy nên, để thâm nhập thị trường Trung Đông, doanh nghiệp nội địa phải tôn trọng để tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu đặt ra, trong toàn bộ quy trình sản xuất, phân phối và điều kiện sử dụng các sản phẩm, dịch vụ xuất khẩu sang khu vực này.
Hiện tại, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã có hợp đồng xuất khẩu hàng hóa sang các nước Trung Đông. Họ đã tổ chức một khu vực sản xuất riêng cho hàng hóa phải tuân thủ tiêu chuẩn Halal, từ khâu lựa chọn nguyên liệu, sản xuất, đóng gói... Điều này chứng tỏ doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực đáp ứng đòi hỏi của thị trường Trung Đông.
Thị trường Trung Đông với 400 triệu dân, thu nhập bình quân hơn 13.000 đô la Mỹ/người có rất nhiều tiềm năng. Chúng ta cần làm gì để thúc đẩy hàng hóa vào thị trường này?
Đầu tiên, phải nghiên cứu thật kỹ, tìm ra những mặt hàng được ưa chuộng, yêu cầu với mặt hàng đó và khả năng chi trả của người tiêu dùng Trung Đông. Doanh nghiệp tự đánh giá khả năng đáp ứng, lợi thế so sánh với các sản phẩm cùng loại của nhà xuất khẩu từ các quốc gia khác để quyết định đầu tư sản xuất. Đối với những ngành hàng chiến lược, có khả năng cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường, các hiệp hội ngành hàng có thể thuyết minh, đề xuất chính sách hỗ trợ riêng.
Thứ hai, doanh nghiệp phải tìm kiếm được các cơ quan cấp chứng chỉ đáp ứng tiêu chuẩn Halal uy tín. Việc này có thể sẽ mất chi phí nhưng sẽ là “kim bài” giúp hàng hóa Việt Nam xuất hiện tại thị trường các nước Trung Đông.
Thứ ba, doanh nghiệp cần cố gắng tham gia vào chuỗi giá trị cùng với các doanh nghiệp bản xứ. Hiện tại, hàng hóa của Việt Nam thâm nhập thị trường này thông qua các gian hàng, triển lãm, chưa ổn định và chưa thể lên được những kệ hàng chất lượng cao nhất.
Thứ tư, doanh nghiệp cần tái tổ chức cơ sở sản xuất, tách riêng khu vực sản xuất hàng hóa theo các tiêu chuẩn thông dụng với khu vực sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn Halal. Doanh nghiệp lớn hãy thể hiện vai trò con sếu đầu đàn, đứng ra đầu tư rồi lôi kéo các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào hệ sinh thái chung, đảm bảo các nguyên liệu đầu vào, các khâu gia công đáp ứng tiêu chuẩn đặt ra. Thậm chí, để tăng thiện cảm với các nhà nhập khẩu Trung Đông, khu vực sản xuất có thể được thiết kế theo phong cách Hồi giáo, doanh nghiệp nội địa chủ động tạo điều kiện để đối tác giám sát quy trình sản xuất.
Cuối cùng, các cơ quan quản lý nhà nước nên có sự hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu theo tiêu chuẩn Halal bằng các chính sách tín dụng, chính sách tài khóa như miễn hoặc giảm thuế trong những năm đầu thâm nhập thị trường, cùng các hỗ trợ khác như tư vấn về chứng chỉ phù hợp, cung cấp thông tin về tiêu chuẩn hàng hóa, cập nhật những thay đổi với từng loại hàng hóa, từng thị trường..., đào tạo nhân lực thích ứng với việc sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn Halal. Việt Nam nên phát huy tối đa lợi thế ngoại giao kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, kết nối hợp tác, đầu tư giữa các doanh nghiệp từ Trung Đông với doanh nghiệp trong nước.
Khánh Nguyên ghi
Hoàng Hạnh