Thương mại toàn cầu đã liên tục biến động khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ các khu vực vào Mỹ, trong đó có Việt Nam với mức thuế suất cao hàng đầu thế giới, hồi đầu tháng 4 vừa qua.
Sau đó một tuần, Mỹ đã tuyên bố tạm hoãn các mức thuế riêng này trong vòng 90 ngày với hầu hết đối tác, mở đường cho các cuộc đàm phán song phương.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), bước đi này đã giúp các doanh nghiệp “dễ thở hơn”, duy trì năng lực xuất khẩu sang Mỹ trong vòng 90 ngày tới. Doanh nghiệp cũng mong đợi vào kết quả đàm phán tốt để có mức thuế cạnh tranh hơn sau khi thời hạn trên kết thúc.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng lo ngại về áp lực giảm nhập khẩu thủy sản của Việt Nam cũng như việc Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường khác, làm gia tăng cạnh tranh, Vasep nhận định trong công văn gửi tới Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn và các bộ trưởng liên quan.
Đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thành viên, Vasep đã đề xuất hai gói hỗ trợ cần thiết để doanh nghiệp trong ngành có duy trì sản xuất, củng cố năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.
Hai gói này bao gồm vấn đề duy trì sản xuất, củng cố chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường, gia tăng xúc tiến thương mại trong giai đoạn 2025 – 2026.
Vasep kiến nghị, cần khơi thông sản xuất và tiêu thụ liên quan đến công nghệ, các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU), an toàn thực phẩm và kiểm dịch.
Trong đó, hiệp hội này đề nghị Bộ Nông nghiệp và môi trường hoàn chỉnh dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định trong lĩnh vực thủy sản (trên cơ sở thẩm định của Bộ Tư pháp) và trình Chính phủ ký ban hành ngay trước ngày 15/4 vừa qua.
Điều này nhằm giúp doanh nghiệp có chứng từ nguyên liệu hợp lệ cho xuất khẩu sang EU và các thị trường mà Việt Nam có hiệp định thương mại tự do.
Bên cạnh đó, Vasep kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập Quỹ phát triển công nghệ ngành thủy sản theo mô hình thành công ở một số nước, được trích theo tỷ lệ phần trăm trên số lượng xuất khẩu, nhằm hỗ trợ công nghệ, đổi mới sáng tạo và kết nối đầu tư.
Ngoài vấn đề khơi thông sản xuất, Vasep cũng đề xuất một loạt các giải pháp về thuế, phí, tín dụng, hải quan và điện, như kiến nghị tiếp tục có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp ít nhất đến hết năm nay; giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng trong nước ít nhất đến năm 2026.
Theo Vasep, cần có chính sách giảm lãi vay, cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ cho hàng tồn kho đã mua để sản xuất xuất khẩu sang Mỹ.
Hiệp hội này cũng đề nghị giảm giá điện cho các container lạnh tại cảng đối với hàng tồn kho do không xuất khẩu được sang Mỹ; cho phép doanh nghiệp đầu tư điện áp mái lên 2MW (hiện tại chỉ 1MW) và có chính sách tạm thời chấp nhận mua điện vượt ngưỡng thêm 30% để giảm chi phí lưu trữ hàng tồn kho và sản xuất.
“Vaseo kính đề nghị phó thủ tướng và các bộ trưởng xem xét, chỉ đạo hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản để duy trì chuỗi sản xuất, xuất khẩu và tiếp tục tạo sinh kế cho nông dân, ngư dân và người lao động. Hiệp hội tin rằng, sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Chính phủ sẽ giúp ngành thủy sản Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này và tiếp tục phát triển bền vững”, Vasep nhấn mạnh.
Phương Anh