Có một bến tàu không số ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Có một bến tàu không số ở Bà Rịa - Vũng Tàu
7 giờ trướcBài gốc
Di tích lịch sử bến Lộc An, nơi đón những con tàu không số năm xưa. Ảnh: BT
Một thời hào hùng
Ngày 23-10-1961 là ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Đúng dịp kỷ niệm 63 năm ngày lịch sử này, chúng tôi tìm về Di tích lịch sử quốc gia bến Lộc An. Nơi đây đã đón 3 chuyến tàu không số của đoàn 125 Hải quân cập bến thành công, vận chuyển lần lượt 20, 44, 70 tấn vũ khí, để quân và dân các tỉnh Đông Nam Bộ làm nên những thắng lợi vang dội như: Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bầu Bàng, từ đó góp phần làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
Đứng trước cửa sông lộng gió, thắp nén nhang trước bia tưởng niệm sừng sững giữa biển trời, chúng tôi cùng ôn lại những ký ức xưa. Nhìn trên bản đồ, bến Lộc An là bến kín nằm ở bờ Bắc cửa sông Ray. Bờ bên kia là doi cát dài ngăn sông với biển, tạo nên một vịnh sâu kín gió. Hai bờ cửa sông là những cánh rừng nguyên sinh ngập mặn bao phủ. Những cánh rừng này lại nối liền với các khu rừng bát ngát ở Bình Châu, Phước Bửu. Luồng lạch sâu, lực lượng địch mỏng, người dân yêu nước... nên vũ khí được nhận tại đây sẽ nhanh chóng được chuyển đến các căn cứ cách mạng trong vùng Đông Nam Bộ.
Một tàu sắt trong đoàn tàu không số chở vũ khí từ Bắc vào Nam. Ảnh: Quân chủng Hải quân cung cấp
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi rõ, ngay từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, cửa biển Lộc An đã nằm trong tuyến giao thông nối miền Đông Nam Bộ với miền Bắc. Tháng 9-1946, cách cửa Lộc An 5km về phía Bắc, chuyến hàng chở vũ khí của Trung ương chi viện cho tỉnh Bà Rịa đã cập bến an toàn. Từ năm 1952, vùng biển Lộc An là địa bàn hoạt động của Tiểu đoàn 320, với nhiệm vụ vận chuyển hàng cho chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Nghiên cứu những tài liệu hiện có, chúng tôi được biết với những lợi thế nêu trên, từ đầu những năm 1960, Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh Miền chọn xây dựng tại bến Lộc An các điểm tiếp nhận vũ khí để trang bị cho bộ đội chủ lực và các địa phương miền Đông Nam Bộ, Khu 6 và Sài Gòn - Gia Định. Sau nhiều tháng chuẩn bị căng thẳng và gian nan, đêm 3-10-1963, chuyến tàu đầu tiên do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng đã cập bến Lộc An. Hơn 20 tấn hàng gồm nhiều loại vũ khí đã “giải khát” cho bộ đội đang thiếu thốn súng đạn đánh giặc.
Hình ảnh bến Lộc An xưa. Ảnh: Quân chủng Hải quân cung cấp
Ngày 2-12-1964, chiến dịch Bình Giã nổ ra. 20 ngày sau, lúc 22h đêm 22-12-1964, chuyến tàu thứ hai của thuyền trưởng Nguyễn Quốc Thắng chở 75 tấn vũ khí cập bến Lộc An. 44 tấn vũ khí trong số này đã được vận chuyển về căn cứ Phước Bửu, kịp trang bị cho đợt 2 chiến dịch Bình Giã, góp phần đánh quỵ các đơn vị thủy quân lục chiến, biệt động quân, kỵ binh và bắn cháy nhiều máy bay, hàng chục xe tăng thiết giáp của địch.
Sau chiến thắng Bình Giã, ngay trong đêm 1-2-1965, chuyến tàu thứ 3 do thuyền trưởng Lê Quốc Thân nhận lệnh vào cửa Lộc An với 70 tấn vũ khí, nhiều nhất là súng đạn AK47, B40, B41… Số vũ khí này đã góp phần làm nên chiến thắng vang dội ở Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bàu Bàng mùa hè năm 1965.
Phát huy truyền thống trong bước tiến mới
Người dân vùng Đất Đỏ anh hùng có truyền thống kiên cường, bất khuất trong xây dựng bờ cõi, chống giặc ngoại xâm. Đây là nơi chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đất Đỏ là một trong những địa bàn xung yếu, diễn ra nhiều trận giao tranh ác liệt giữa ta và địch, nên cũng chịu nhiều hy sinh, mất mát, tàn phá của chiến tranh. Phát triển cùng đất nước sau hòa bình, thống nhất, huyện Đất Đỏ được thành lập tháng 12-2003, đến nay đã 21 năm phát triển mọi mặt cùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thị trấn Phước Hải thuộc huyện Đất Đỏ. Ảnh: BT
Theo UBND huyện Đất Đỏ, đây là địa phương được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, huyện đã huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân; tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng. Tháng 7 vừa qua, huyện đã được Thủ tướng công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, hoàn thành 9/9 tiêu chí; có 6/6 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 2 thị trấn Đất Đỏ và Phước Hải đạt chuẩn đô thị văn minh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ Võ Minh Tuấn cho biết, hiện thu nhập bình quân đầu người của các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023 đạt trên 80 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của 6 xã đều đạt trên 95%... Toàn huyện có 7 dự án, 354 mô hình với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 356,92ha. Đất Đỏ có 20 sản phẩm/12 chủ thể được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP, trong đó 10 sản phẩm đạt 3 sao và 10 sản phẩm đạt 4 sao.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trương Thanh Phong cho biết, dự kiến trong tháng 10-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp và thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh. Theo đó, huyện Long Điền và Đất Đỏ sẽ sáp nhập thành huyện Long Đất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (tên gọi của đơn vị hành chính có từ năm 1951).
Nói về việc sáp nhập, ông Lâm Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền thông tin, huyện mới sẽ có nhiều lợi thế trong việc phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Còn bà Đỗ Thị Hồng, Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ thông tin, huyện cũng đã tính toán từng bước cụ thể, bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, góp phần cùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển trở thành một cực tăng trưởng ở phía Nam.
Chí Linh
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/co-mot-ben-tau-khong-so-o-ba-ria-vung-tau-682234.html