Có một Bỳ Văn Tứ mê văn chương

Có một Bỳ Văn Tứ mê văn chương
4 giờ trướcBài gốc
Ông Bỳ Văn Tứ
Cuối thập niên 50 của thế kỷ XX, đầu thập niên 60, làng quê Thọ Lão (xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) của ông còn nghèo lắm. Đây là vùng đất “chiêm khê mùa thối”, bà con bị mất mùa liên miên. Có những năm mất mùa hai vụ liền, phần đông các gia đình trong làng hết sạch gạo vào mấy tháng giáp vụ, cơm không đủ ăn, phải ăn độn với rau má, khoai sọ hay bất cứ thứ gì trồng được trong vườn thay cơm. Nhà ông Bỳ Văn Tứ cũng không ngoại lệ...!
Ông kể, khi đó ông học cấp 1, cấp 2, sáng tinh mơ thường xuyên đi học với cái bụng rỗng, ngồi trong lớp mà bụng cứ sôi lên eo éo. Tan học thì 1-2 giờ chiều ông mới về tới nhà, chỉ được ăn bát cháo nấu với củ su hào rồi ra đồng phụ giúp bố mẹ. Hôm nào ông phải ở lại trường lao động buổi chiều (hồi đó học sinh các lớp cấp 2 phải luân phiên lao động xây dựng trường lớp vào các buổi chiều hằng tuần), ông rất ngại. Không phải ngại vì công việc nặng nhọc, mà ngại vì khẩu phần mang theo ăn trưa của ông chỉ là gói cơm độn, chỉ có mấy hạt cơm còn lại toàn rau má, thậm chí là “bánh đúc cám”! Ông xấu hổ, không dám ngồi ăn cùng với các bạn mà đi ra ngoài cổng trường hoặc trèo lên cây bàng trong sân trường ngồi ăn một mình.
Có năm mất mùa, ngày tết cũng buồn. “Nhà tôi người tưởng rằng không tết/ Nào có chi đâu gọi khác thường/ Điểm vàng nải chuối vài quả quýt/ Khói bốc thơm nhà mấy nén hương” - ông diễn tả cái tết nghèo quê ông ngày đó qua mấy câu thơ như vậy!
Tuy tuổi còn nhỏ, nhưng phần đông bạn bè cùng trang lứa với ông đều sáng đi học, chiều về ra đồng làm ruộng hoặc phụ giúp việc nhà. Thỉnh thoảng, ông phải cùng người nhà đi làm thuê để kiếm thêm tiền mua sách vở. Ông thích đọc sách, nhất là sách truyện. Nhưng nhà trường chưa có thư viện, thế là mấy bạn mê truyện rủ nhau dành dụm tiền mua sách. Mỗi đứa mua một cuốn khác nhau, rồi lần lượt đổi chuyền cho nhau đọc. “Tôi mua một tập “Tam quốc diễn nghĩa” và cuối cùng cũng được đọc hết mười mấy tập trọn cả bộ “Tam quốc diễn nghĩa”, “Tây du ký”, “Thủy hử” và các truyện cổ tích Việt Nam, rồi đến “Sông Đông êm đềm”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Các truyện ngắn của Liên Xô”, “Rừng thẳm tuyết dày của Trung Quốc”…”, ông kể lại.
Ông nói, từ nhỏ ông đã ham đọc sách, yêu văn thơ và từng tự sự về “Tình sách truyện” của mình rằng: “Yêu say, yêu đắm, yêu nhiều/ Yêu mờ hai mắt, yêu siêu học hành”... Có được quyển sách nào, ông đọc ngấu nghiến quyển đó. Sáng đi học, đi bộ 5-6 cây số, vừa đi vừa đọc, một mắt nhìn đường cho khỏi vấp ngã còn một mắt thì đọc sách. Trong giờ học, có khi để sách dưới gầm bàn, vừa nghe thầy giảng bài, vừa đọc trộm. Chiều nào về nhà ông được giao nhiệm vụ đi chăn trâu hay giã gạo là việc ông rất thích, vì khi đó được vừa làm, vừa đọc sách. Tối về tranh thủ học bài, làm bài tập xong là tiếp tục đọc sách. Khi thì đem đèn dầu chui vào màn đọc. Rồi sợ cháy màn, lại ra bàn ngồi, nhưng phải ngâm chân vào chậu nước để ngăn muỗi đốt...
“Những năm học cấp 2 và cấp 3, tôi may mắn được học các thầy dạy văn rất giỏi. Các thầy không những rất nhiệt tình truyền cảm hứng và tình yêu văn thơ cho chúng tôi, mà còn khuyến khích các nhóm học sinh trao đổi, bình thơ với nhau. Viết báo tường của lớp và của trường cũng là cách mà chúng tôi bắt đầu sáng tác các thể loại văn thơ…”, ông kể.
Nhưng rồi sau đó, duyên nghiệp đẩy đưa, ông đi du học về kỹ thuật, trở thành một kỹ sư dầu khí. Ông nói vui, ông là sinh viên thuộc dạng “lấy cần cù bù thông minh”. Việc học kỹ thuật bằng tiếng nước ngoài đã khiến ông phải dồn hết tâm trí, sức lực và thời gian tập trung vào học tập, cảm hứng sáng tác thơ văn thời sinh viên không nhiều.
Tuy vậy, đôi khi có dịp thì “cảm hứng thơ văn cũng nổi lên...”, ông nói. Như Hè năm 1966, trong lần đầu đến biển Hắc Hải (Biển Đen), ông có bài thơ “Chiều Hắc Hải”:
Ồ mát quá! trong xanh nước biển
Tôi đứng đây trên mỏm đá rêu đầy
Cho nước trào qua dào dạt hăng say
Lớp lớp trườn lên, vỡ rồi tung tóe.
Đợt đợt theo nhau nắng chiều vàng chóe
Hắc Hải cười! nghe hiền dịu giòn tan
Hồn tôi say trong điệu nhạc căng tràn
Của tuổi thanh xuân sóng đùa với đá.
Tôi muốn từ đây tung mình trên biển lạ
Đón gió lành lồng lộng tự ngoài khơi
Như cánh trắng hải âu vờn trên sóng cả
Nhấp nhô giữa sắc biếc nước trời
Kìa chiếc tàu ai vươn mình nhả khói
Leo lên mép biển xa xa
Về đâu đó tàu ơi? Nắng chiều vòi vọi
Mang trên mình, chiều Hắc Hải hồn ta…
Ngày trước, khi học tập ở nước bạn, sinh viên Việt Nam như ông luôn dõi theo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở quê hương. Tinh thần đó luôn là động lực để mọi người cố gắng vượt khó vươn lên. Trong một lần cảm xúc, ông cũng gửi tâm tình về đất Mẹ qua những câu thơ:
“Tôi muốn viết những vần thơ tuyệt diệu
Đượm bao tình nồng cháy và thiết tha,
Khắc thương nhớ gieo vào vần vào điệu,
Để gửi về Tổ quốc chốn trời xa...”
Hay những lúc với nỗi nhớ nhà khôn nguôi, nhất là các buổi chiều đứng bên cửa sổ nhìn lá vàng rơi, ông có những vần thơ gửi tâm tình vào đó:
“Xa xăm thay và tưởng chừng heo hút,
Tôi mơ màng theo hồn vẫn chơi vơi.
Bucarest thêm âm thầm lạnh buốt,
Gieo nặng lòng, lặng lẽ lá buồn rơi...”
Đến những năm tháng hành trình làm chuyên gia, kỹ sư dầu khí, ông được đi nhiều nước, nhiều công trình trên thế giới. Nhưng ông cho biết, suốt mấy chục năm công tác, áp lực công việc, nhiều gian nan thử thách nên hầu như ông cũng không có cảm hứng và thời gian dành cho văn thơ. Những chuyến công tác đó, ông chỉ giữ lại được một số hình ảnh và những ấn tượng. Để rồi mãi đến sau này, khi nghỉ hưu, cảm hứng văn thơ mới dần dần hồi sinh và những kỷ niệm một thời cũng bắt đầu sống lại trong ông.
Chuyện viết lách được xuất bản đầu tiên của ông chính là được tham gia viết một mục trong bộ Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam. Rồi sau đó ông viết về làng quê Thọ Lão của mình, về họ Bỳ, họ Trịnh, về các bạn học cấp 3, bạn đồng môn và về đất nước Romania nơi đã đào tạo ông thành nghề... Và dĩ nhiên ông viết nhiều về ngành Dầu khí - nơi ông gắn bó sự nghiệp cả đời với một tình yêu trọn vẹn nhất.
Ông nói, do là người trong cuộc nên viết về dầu khí với ông lại vừa dễ mà vừa... rất khó! Nói dễ vì ông được chứng kiến những sự kiện từ khi khởi đầu thành lập ngành Dầu khí Việt Nam đầu thập niên 70. Lãnh đạo ngành và các bạn đồng nghiệp, người thì đã mất, người thì còn với những tâm tư, nhìn nhận khác nhau đối với sự nghiệp chung. Nói rất khó vì ông chỉ là một thành viên được giao nhiệm vụ trong lĩnh vực hạ nguồn, được tiếp xúc hạn chế ở một góc mái nhà chung trong các giai đoạn đầy biến động, có thể có nhiều thông tin mà ông không được tường tận. “Dù sao, tôi sẽ viết tiếp những điều mà mình được biết và cảm nhận được để chia sẻ với mọi người quan tâm. Tôi viết để tri ân những người thầy, những bạn đồng nghiệp”, ông tâm sự.
Trên trang byvantu.com, ông đã đăng tải một số tác phẩm do ông viết và chủ biên xuất bản để ai quan tâm có thể truy cập và đọc.
Hỏi ông về “sự nghiệp văn chương”, ông cười bảo, ông vui vì vẫn còn đi được, đọc được và viết được chứ không có tham vọng gì. Chưa kể bây giờ, ông lực bất tòng tâm, đi không còn được nhiều nữa, ngồi viết được khoảng 2 giờ là thấy các ngón tay và vai bắt đầu tê buốt, đầu choáng váng phải đứng lên đi làm việc khác. Song, ở tuổi gần 80, khi sức lực không còn cho phép làm những việc nặng nhọc, ông thấy chỉ còn việc viết lách là phù hợp, là còn có thể làm tiếp được vài việc có ích cho đời. Thế nên giờ đây, ông lại say sưa với cuộc chơi mới này. Ông mong hoàn thành được kỳ vọng và những bản thảo sẽ không đến nỗi bỏ phí trước lúc nhắm mắt xuôi tay...
Với ông như vậy là mãn nguyện rồi!
Chuyện viết lách được xuất bản đầu tiên của ông chính là được tham gia viết một mục trong bộ Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam. Rồi sau đó ông viết về làng quê Thọ Lão của mình, về họ Bỳ, họ Trịnh, về các bạn học cấp 3, về bạn đồng môn và về đất nước Romania nơi đã đào tạo ông thành nghề... Và dĩ nhiên ông viết nhiều về ngành Dầu khí - nơi ông gắn bó sự nghiệp cả đời với một tình yêu trọn vẹn nhất.
Lê Trúc
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/co-mot-by-van-tu-me-van-chuong-723288.html