Có một Hà Nội lắng hồn trong thi ca

Có một Hà Nội lắng hồn trong thi ca
4 giờ trướcBài gốc
Âm hưởng của một thời “chinh chiến”
Trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam, "Người Hà Nội" của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi là một tác phẩm tiêu biểu, vượt qua thử thách của thời gian để trở thành biểu tượng của một thời đại. Bài hát ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử dân tộc. Vào đêm 19/12/1946, khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Nguyễn Đình Thi cùng đồng chí Trần Huy Liệu nhận lệnh rời Hà Nội. Họ về ở trong một ngôi nhà ven sông Nhuệ, tại làng Khúc Thủy thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Chính tại đây, bên cây đàn piano cũ, những hình ảnh sống động về Hà Nội kiên cường, chiến đấu trong khói lửa đã hiện lên trong tâm trí người nghệ sĩ trẻ 22 tuổi.
Quân giải phóng tiến về Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Bài hát mở đầu bằng việc nhắc đến những địa danh nổi tiếng của Hà Nội: "Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu…". Qua những câu hát này, tác giả đã khéo léo gợi lên hình ảnh một Hà Nội ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ tinh hoa của đất nước. Tiếp đến, Nguyễn Đình Thi miêu tả khung cảnh Hà Nội trong lửa đạn: "Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/ Hà Nội ầm ầm rung…". Dù trong hoàn cảnh khói lửa, Hà Nội vẫn hiên ngang, bất khuất, sẵn sàng đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Bài hát không chỉ miêu tả hiện tại mà còn gợi nhớ những kỷ niệm lịch sử hào hùng: "Một ngày non sông chiến khu về/ đường vang tiếng hát cuốn lòng người…/ Đoàn quân Việt Nam đi/ Hà Nội say mê đón Cha về/ Kín trời phơi phới vàng sao/ Ngày ấy chói vinh quang…". Đây chính là hình ảnh ngày Bác Hồ và Chính phủ cách mạng lâm thời về Hà Nội, một khoảnh khắc lịch sử đầy xúc động mà Nguyễn Đình Thi đã khéo léo đưa vào ca khúc. Kết thúc bài hát là một niềm tin lạc quan vào tương lai, thể hiện niềm tin vững chắc vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc.
Ngay sau khi sáng tác, "Người Hà Nội" đã nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng. Bài hát được đăng trên báo Cứu quốc Tết 1947 và được phổ biến rộng rãi. Trên các chiến lũy ác liệt, ca khúc đã được những người lính Trung đoàn Thủ đô hát vang, thúc giục họ tiến lên chiến đấu. Đặc biệt, bài hát được trình diễn lần đầu trên Đài Tiếng nói Việt Nam trong đêm Giao thừa năm Đinh Hợi 1947 - Tết kháng chiến đầu tiên của dân tộc, ngay sau bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một vinh dự lớn lao đối với tác giả trẻ Nguyễn Đình Thi lúc ấy.
Bước qua thời kỳ hòa bình, Hà Nội hiện lên trong thơ ca với vẻ đẹp lãng mạn, da diết. Trong đó, "Nhớ mùa thu Hà Nội" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chiếm một vị trí đặc biệt. Bài hát không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc mà còn là tiếng lòng của một người lữ khách, gửi gắm tình yêu sâu đậm dành cho Thủ đô ngàn năm văn hiến. "Nhớ mùa thu Hà Nội" ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt. Năm 1985, sau chuyến thăm Liên Xô, Trịnh Công Sơn đã ở lại Hà Nội một tháng. Mỗi sáng, ông cùng nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân đi loanh quanh Hà Nội gặp bạn bè. Chiều nào cả hai cũng lên Hồ Tây, nằm bên hồ với chai Ararat, uống lai rai và ngắm bầy sâm cầm đáp xuống - bay lên. Chính những trải nghiệm này đã trở thành nguồn cảm hứng cho ca khúc bất hủ về Hà Nội.
Bài hát lấy cảm hứng chủ đạo là nỗi nhớ, khi tình yêu giữa đất và người vừa chớm nở đã phải chia xa. Trịnh Công Sơn đã bắt được "thần thái" của một Thủ đô cổ xưa, trầm mặc, thiêng liêng trong ký ức mọi người. Những hình ảnh như cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu hiển hiện trong tâm trí người yêu Hà Nội như tranh phố Phái, như cốm làng Vòng, hay những con đường hoa sữa nồng nàn tháng 10. Điều đáng chú ý là những dư âm, mùi vị ấy dù rất đặc trưng, không phải ai một lần ghé ngang Hà Nội cũng bắt được. Trịnh Công Sơn đã chắt lọc những phần linh hồn tinh túy nhất của Hà Nội để đưa vào bài hát.
Hà Nội của hoài niệm, của mùa thu
Nhắc những ca khúc hay nhất về Hà Nội, không thể không kể đến "Em ơi, Hà Nội phố" của nhạc sĩ Phú Quang, phổ nhạc từ thơ của Phan Vũ năm 1986. Câu chuyện về sự ra đời của "Em ơi Hà Nội phố" là một hành trình đầy cảm xúc và tình cờ. Tất cả bắt đầu từ một buổi chiều năm 1986, khi nhà thơ Phan Vũ gặp gỡ nhạc sĩ Phú Quang và Trần Tiến tại một sân khấu ở quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Biết Phú Quang là người Hà Nội, Phan Vũ đã đọc cho anh nghe bài thơ "Em ơi Hà Nội phố" - một tác phẩm được viết từ năm 1972, trong những ngày Hà Nội chìm trong bom đạn.
Lắng nghe những vần thơ da diết về Hà Nội, Phú Quang đã xúc động sâu sắc. Chỉ hai ngày sau, tuyệt phẩm "Em ơi, Hà Nội phố" đã ra đời. Phú Quang đã chọn lọc 21 câu thơ trong tổng số 443 câu của Phan Vụ để tạo nên một bài hát để đời. "Em ơi, Hà Nội phố" không chỉ là một bài hát về Hà Nội, mà còn là tiếng lòng của những người con xa xứ. Qua từng câu hát, người nghe như được sống lại với những kỷ niệm, những hình ảnh thân thương của Thủ đô: "Em ơi Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa/ Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ/ Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm…".
Năm 1987, "Em ơi Hà Nội phố" được phổ biến trên sóng phát thanh qua giọng hát của ca sĩ Lệ Thu và nhanh chóng trở thành hiện tượng.
Mùa thu Hà Nội làm say mê nhiều thi sĩ.
Trong bản đồ âm nhạc Việt Nam đương đại, "Hà Nội 12 mùa hoa" của nhạc sĩ Giáng Son nổi bật như một bức tranh âm nhạc rực rỡ, tôn vinh vẻ đẹp bốn mùa của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Ra đời vào năm 2012, ca khúc nhanh chóng chiếm được cảm tình của người yêu nhạc và trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu về Hà Nội.Bài hát mở đầu với hình ảnh mùa xuân Hà Nội tràn ngập sắc hoa: "Tháng giêng hoa đào bừng nở/ đón xuân khoe sắc hồng tươi/ Tháng hai hoa ban ngập tràn/ tím biếc những gương mặt phố…". Qua những câu hát này, Giáng Son đã khéo léo vẽ nên một Hà Nội rực rỡ trong sắc xuân, nơi hoa đào và hoa ban trở thành những biểu tượng không thể thiếu của mùa mới.
Hành trình qua 12 tháng của Hà Nội tiếp tục với sự xuất hiện của các loài hoa đặc trưng: "Tháng ba bất chợt một ngày/ trắng tinh hoa sưa về đây/ Tháng tư loa kèn mỏng manh/ những góc phố con đường quen". Mỗi loài hoa không chỉ đại diện cho một tháng trong năm mà còn gợi lên những cảm xúc, kỷ niệm riêng về Hà Nội trong lòng người nghe. "Hà Nội 12 mùa hoa" không chỉ là một bài hát, mà còn là một bức tranh "thập nhị bình" sống động, nơi nét truyền thống và hiện đại đan xen, nồng nàn và uyển chuyển. Qua giai điệu gần gũi, nhẹ nhàng, trữ tình và thấm đậm âm hưởng dân gian, Giáng Son đã khéo léo dẫn dắt người nghe qua 12 tháng của Hà Nội, mỗi tháng gắn liền với một loài hoa đặc trưng.
Sự ra đời của "Hà Nội 12 mùa hoa" là kết quả của một hành trình sáng tác dài. Năm 1992, Giáng Son đã sáng tác "Xuân Hà Nội" (lời Lan Hương), thể hiện tình yêu sâu sắc của cô dành cho Thủ đô. Nhưng phải đến 20 năm sau, vào năm 2012, cô mới cho ra đời "Hà Nội 12 mùa hoa" - một tác phẩm chín muồi, thể hiện sự quan sát tinh tế và hiểu biết sâu sắc về Hà Nội.Qua ca khúc này, Giáng Son không chỉ ngợi ca vẻ đẹp tự nhiên của Hà Nội mà còn tôn vinh nét văn hóa thanh lịch, hào hoa, lãng mạn của người Thăng Long. Bài hát phản ánh một Hà Nội luôn gìn giữ nét đẹp truyền thống nhưng cũng nhanh nhạy tiếp nhận tinh hoa văn hóa vùng miền và quốc tế, làm giàu thêm chất văn hiến cho mảnh đất ngàn năm văn vật.
"Hà Nội 12 mùa hoa" không chỉ là một ca khúc về Hà Nội, mà còn là tiếng lòng của những người con Tràng An luôn tha thiết yêu thiên nhiên, yêu hòa bình và trân trọng nét đẹp hào hoa, thanh lịch truyền thống nghìn năm của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Câu kết "Tôi yêu những sắc hoa" như một lời tỏ tình chân thành, sâu lắng của tác giả và cũng là của bao người con Hà Nội dành cho mảnh đất quê hương. Qua "Hà Nội 12 mùa hoa", Giáng Son đã khắc họa một Hà Nội đẹp trong từng khoảnh khắc, từng mùa hoa, khiến cho mỗi người nghe đều cảm thấy xao xuyến và yêu Hà Nội hơn. Đó chính là sức mạnh của nghệ thuật chân chính - khả năng chạm đến trái tim người nghe và làm thay đổi cách họ nhìn nhận thế giới xung quanh. Bài hát đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Hà Nội nói riêng và người yêu nhạc Việt Nam nói chung, góp phần làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc về Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Bảy thập kỷ kể từ ngày giải phóng, Hà Nội đã trải qua nhiều thăng trầm, từ những ngày khói lửa chiến tranh đến thời kỳ hòa bình, xây dựng và phát triển. Trong suốt hành trình ấy, Thủ đô vẫn luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca và âm nhạc. Những tác phẩm về Hà Nội không chỉ là sự ghi chép lịch sử mà còn là tiếng nói của tình yêu, niềm tự hào của người dân với Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Qua đó, chúng ta thấy được sức sống mãnh liệt, sự phát triển không ngừng và vẻ đẹp vĩnh cửu của Hà Nội - trái tim của cả nước, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc và khát vọng vươn lên của một đất nước đang trên đà phát triển và hội nhập. Từ "Người Hà Nội" đến "Hà Nội 12 mùa hoa", ta thấy được sự chuyển mình của Thủ đô qua góc nhìn nghệ thuật. Dù trong giai đoạn nào, Hà Nội vẫn giữ được chất thanh lịch, với vẻ đẹp lãng mạn đặc trưng, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ nghệ sĩ, đồng thời là niềm tự hào của cả dân tộc.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến:
Văn học nghệ thuật ngợi ca Hà Nội
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến
Hà Nội là Thủ đô nhưng nói cho cùng nó cũng là vùng đất, có khác là vùng đất đặc biệt, biết bao nhiêu lớp người đã sinh và sống ở đây. Theo chiều dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội là mảnh đất bốn phương hội tụ vì thế văn học nghệ thuật xưa cũng như nay và tương lai ngợi ca vùng đất, con người, văn hóa, lối sống, cung cách ứng xử cũng là tự nhiên, dễ hiểu. Thăng Long - Hà Nội là đầu não chính trị, trung tâm kinh tế văn hóa vì thế đích đến cuối cùng của quân xâm lược là mảnh đất này. Vì khi quân thù kéo đến thì đời sau tiếp nối theo gương đời trước nêu cao khí phách Thăng Long - Hà Nội quyết chiến với quân thù, trong đó có văn học nghệ thuật.
Ngay trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954, đã xuất hiện tác phẩm văn học ngợi ca người Hà Nội như “Những người ở lại” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết về tháng ngày cuối năm 1946 đầu năm 1947 ở lại Thủ đô chiến đấu chống Pháp. Bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi quả là bức tranh đẹp về người Hà Nội: “Sáng sớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảng lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…”.
Hay bài “Tây tiến” của nhà thơ Quang Dũng, ngợi ca những thanh niên Hà Nội trong đoàn quân Tây tiến mang theo cái lãng mạn tiểu tư sản, đi kháng chiến gian khổ thiếu thốn, sốt rét rụng tóc nhưng vẫn “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Sau 1954, Hà Nội bước vào thời kỳ xây dựng, ca khúc “Những ánh sao đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ca ngợi công nhân xây dựng, sự bình yên trong mái nhà trong thành phố với giai điệu dịu dàng lắng đọng nhưng phần ở điệp khúc nhịp điệu rất mạnh mẽ.
Giai đoạn Hà Nội chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, văn học nghệ thuật Hà Nội xuất hiện nhiều tác phẩm mang đậm khí phách trong đó có bài “Tiếng nói Hà Nội”: “Từ Đống Đa gió gọi hồn dân tộc/Từ Ba Đình gió rung lời thề độc lập/Tiếng ngày nay hòa với tiếng ngày xưa/Như nhắc nhở truyền thống của Thủ đô…”. Thơ có tập“Hương cây - Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt và Lưu Quang Vũ có nhiều bài rất lạ. Bài “Trở lại trái tim mình” của nhà thơ Bằng Việt có câu: “Thành phố trong tim tôi yên ả/Sau rất nhiều gian lao”. Nhà văn Nguyễn Tuân có bút ký “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, chiến đấu mà vẫn hào hoa. Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều nhạc sĩ tập kết trở về quê hương miền Nam nhưng da diết nhớ mảnh đất đã nuôi nấng mình và tình người Hà Nội.Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã có bài “Nhớ về Hà Nội” với những câu kinh điển đi vào lòng người: Dù có đi bốn phương trời/Lòng vẫn nhớ về Hà Nội/Hà Nội của ta/Thủ đô yêu dấu/Một thời đạn bom một thời hòa bình”.
Lại có những nhạc sĩ chưa từng ra Hà Nội nhưng có ca khúc tuyệt hay về mảnh đất nghìn năm văn hiến đó là nhạc sĩ Trần Quang Lộc với ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội”. Hay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau ngày thống nhất đất nước mới ra Hà Nội và cảm xúc dâng trào ông đã viết “Nhớ mùa thu Hà Nội”… Không chỉ văn học nghệ thuật một thời ngợi ca Hà Nội mà ngày nay các nhà văn, nghệ sĩ trẻ vẫn viết tiếp những tình yêu với mảnh đất này vì Hà Nội xứng đáng được như vậy.
Phương Bùi
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/co-mot-ha-noi-lang-hon-trong-thi-ca-178226.html