Có một nhà tù 'độc nhất vô nhị' trên thế giới (Kỳ cuối)

Có một nhà tù 'độc nhất vô nhị' trên thế giới (Kỳ cuối)
19 giờ trướcBài gốc
KỲ CUỐI: NGƯỜI NỮ TÙ THIẾU NHI NGÀY ẤY
Sau giải phóng, trong số 600 cựu tù nhân thiếu nhi ấy, kẻ mất người còn, nhiều người về với đời thường, với ruộng vườn, sông suối, tìm gặp họ rất khó khăn. Lần theo lời giới thiệu của một chị cựu tù chính trị, tôi đã may mắn gặp được chị Hoàng Thị Mai Hoa - một trong 200 nữ tù thiếu nhi ngày xưa…
Chị Hoàng Thị Mai Hoa
Phải mất khá nhiều thời gian hỏi đường hết người này qua người khác, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhà chị. Căn nhà ván đơn sơ nằm thu mình dưới vườn cà phê sum suê thuộc Khu phố Nam Hồ - Phường 11 (vùng ven TP Đà Lạt).
Chị Mai Hoa rót nước mời khách và dè dặt trò chuyện. Khi biết tôi muốn viết về những cựu tù thiếu nhi Đà Lạt ngày ấy, người đàn bà cao niên chợt nhíu đôi chân mày tư lự. Lướt qua rất nhanh trên đôi mắt to, rất sáng ấy, tôi bắt gặp ánh lên niềm tự hào xen lẫn chút buồn xa xăm…
Chị Mai Hoa kể lại, chị được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng và trên quê hương cách mạng (Khu phố Nam Hồ trước đây là vùng có phong trào cách mạng rất mạnh của tỉnh Lâm Đồng - Tuyên Đức cũ). Cả gia đình chị Mai Hoa, gồm cha, các anh, chị và bản thân chị đều tham gia kháng chiến.
Những năm 1969 - 1970, phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương này sục sôi khí thế. Khi ấy, Mai Hoa mới 16 tuổi nhưng đã hăng hái tham gia phong trào Đoàn Thanh niên với nhiệm vụ tập hợp, giáo dục thiếu nhi, tuyên truyền đấu tranh chống dồn dân, lập ấp của giặc, làm giao liên đưa thư liên lạc cho các cơ sơ cách mạng nội thành…
Các cựu tù nhân thăm nơi chốn ngày xưa kẻ thù từng giam cầm, tra tấn họ
Giữa năm 1970, trong lúc phong trào đấu tranh cách mạng diễn ra quyết liệt thì có một tên trong hàng ngũ cách mạng phản bội, chiêu hồi, chỉ điểm cho giặc. Do đó, hàng loạt cơ sơ bí mật của chúng ta bị bại lộ, bị giặc bố ráp, bắt bớ, triệt phá. Trong vụ này, cha, người chị gái và Mai Hoa cũng bị giặc bắt.
Riêng chị Hoa, do còn nhỏ tuổi nên giặc đưa về Lao thẩm vấn (Trại tạm giam Đà Lạt). Tại đây, giặc dùng mọi thủ đoạn: Dụ dỗ, tra tấn bằng dây da, roi điện, cột treo ngược người lên xà nhà… hòng bắt chị khai ra những cơ sở bí mật, những cán bộ cách mạng đang nằm vùng.
Tuy nhiên, mọi đòn thù tàn bạo không lung lạc được ý chí của người nữ thiếu niên gan dạ. Giặc đã kêu án một năm tù và đưa Mai Hoa về giam ở Lao xá Đà Lạt. Trong tù, Mai Hoa nhận tin dữ: Người anh ruột của chị treo cờ giải phóng tại Trường Tiểu học Sào Nam bị giặc bắn chết. Cùng với nỗi đau mất người ruột thịt thân yêu lại bị giặc ghép thêm tội có thân nhân là cộng sản, Mai Hoa bị phạt tăng thời hạn 6 tháng tù và bị địch đưa về Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt.
Các cựu tù nhân xem lại những hình ảnh của chính mình thời niên thiếu trong ngục tù kẻ thù
Những ngày bị giam ở Trung tâm này, Mai Hoa đã hòa vào phong trào đấu tranh sôi nổi của 600 tù thiếu nhi ở đây đòi giặc trả tự do cho những tù nhân mãn hạn, chống đàn áp, chống chào cờ ba que, đòi tự do, dân chủ…Những cuộc đấu tranh của chị và anh em tù nhân thiếu nhi đã góp phần dẫn đến sự tan rã của cái gọi là “Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” mà giặc dựng lên để giam cầm những chiến sỹ thiếu nhi.
Đến tháng 8/1973, mãn hạn tù, Mai Hoa tiếp tục tham gia phong trào đấu tranh cách mạng cho đến ngày đất nước thống nhất.
Năm 1985, chị Mai Hoa lập gia đình. Chồng chị là một đại tá quân đội, từng công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng. Do người chồng bị nhiễm chất độc da cam trong những năm tháng tham gia chiến đấu, nên người con trai thứ hai của anh chị đã bị dị tật.
Nguyên Phó Chủ tịch Nước Trương Mỹ Hoa (áo vàng) thăm Di tích Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt
Chia tay người nữ cựu tù thiếu nhi trong buổi chiều Đà Lạt mưa rả rích, lòng tôi chợt bùi ngùi. Chiến tranh đã đi qua cùng với biết bao hy sinh, đau thương, mất mát và một thế hệ cha anh từ lúc tuổi còn thiếu niên đã dấn thân, không tiếc máu xương hiến dâng cho Tổ quốc để có ngày hôm nay. Trong số họ, nay người mất, người còn. Trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người trong số họ lại tiếp tục cuộc chiến đấu không kém phần cam go, có người ôm mãi trong lòng những vết thương riêng như gia đình chị Hoàng Thị Mai Hoa…
(HẾT)
UÔNG THÁI BIỂU - TƯỜNG SAN
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/ho-so-tu-lieu/202504/co-mot-nha-tu-doc-nhat-vo-nhi-tren-the-gioi-ky-cuoi-0ea3d64/