50 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), TP.HCM đã vươn mình trở thành một trong những đô thị hiện đại, sôi động bậc nhất Đông Nam Á. Những tòa cao ốc chọc trời, những khu đô thị thông minh, cùng hệ thống giao thông đa dạng từ đường bộ, đường thủy cho đến đường sắt đô thị... đang tiếp tục "vẽ" nên một thành phố mới hiện đại.
The Hallmark và The Mett, hai tòa nhà văn phòng hạng A biểu tượng bên bờ sông Sài Gòn, sẽ là một phần trong lõi trung tâm tài chính quốc tế đặt tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức. Trung tâm tài chính này khi hoàn thành sẽ không chỉ thu hút các dòng vốn đầu tư, mà còn góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng năng lực cạnh tranh của TP.HCM và Việt Nam trên trường quốc tế.
Phía bên kia bờ sông Sài Gòn, trung tâm quận 1 hiện lên như một bức tranh giao hòa giữa quá khứ và hiện tại, nơi những tòa nhà văn phòng hiện đại xen lẫn giữa các công trình đã hiện diện hàng chục năm qua.
Xuất hiện từ giữa thập niên 1990, Saigon Centre (quận 1) là một trong những công trình tiên phong đưa hình ảnh đô thị hiện đại đến với TP.HCM. Tổ hợp văn phòng - thương mại - căn hộ cao cấp này không chỉ góp phần định hình diện mạo mới cho thành phố, mà còn mở đầu cho xu hướng phát triển các khu phức hợp cao tầng tại đây trong những thập kỷ qua.
Đến 2010, tòa nhà Bitexco Financial Tower (quận 1) trở thành biểu tượng cho bước chuyển mình mạnh mẽ của TP.HCM, tiếp tục mở đường cho các thương hiệu quốc tế về Việt Nam. Đến nay, quanh đây vẫn là một khu vực tài chính - thương mại - du lịch nhộn nhịp của TP.HCM.
Sau này, Landmark 81 vươn mình giữa trung tâm quận Bình Thạnh, tạo nên biểu tượng mới của TP.HCM và góp mặt trong bản đồ những tòa nhà chọc trời của khu vực. Trong tương lai, siêu đô thị TP.HCM sẽ tiếp tục chờ đón tòa tháp Empire 88 Tower cao 88 tầng ở Thủ Thiêm, cùng cao ốc 108 tầng tại Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Xen lẫn giữa các tòa nhà cao tầng ở trung tâm quận 1, khu vực Dinh Độc Lập, công viên 23/9... cũng góp phần tạo cảnh quan hài hòa với nhiều mảng xanh cho đô thị TP.HCM.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng chú trọng phát triển các hạ tầng dân sinh hiện đại. Điển hình là cụm y tế Tân Kiên tại huyện Bình Chánh - campus trong lĩnh vực y tế đầu tiên của Việt Nam. Cụm y tế Tân Kiên bao gồm Bệnh viện Nhi đồng TP, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP, cơ sở mới của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và các trung tâm nghiên cứu thuộc trường đại học, Trung tâm Pháp y TP, Trung tâm xét nghiệm, Trung tâm Cấp cứu 115 - cơ sở 2, Bệnh viện Chấn thương.
Sông Sài Gòn, dòng chảy lịch sử, cũng chứng kiến sự xuất hiện của những cây cầu hiện đại như cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son, và sắp tới là cầu Thủ Thiêm 3, 4, nối liền các khu vực trung tâm của TP.HCM với Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang ngày một phát triển. Đặc biệt, cầu Ba Son với thiết kế dây văng hiện đại đã trở thành một điểm nhấn kiến trúc của thành phố.
Giờ đây, hai bên đầu cầu Ba Son, các công trình vẫn đang tiếp tục được triển khai, góp phần kiến tạo một siêu đô thị xanh và thông minh theo định hướng của TP.HCM.
Gần nhất, Grand Marina Saigon trên trục đường Tôn Đức Thắng ngay trung tâm quận 1 là khu dân cư hạng sang mang thương hiệu quốc tế đầu tiên của TP.HCM. Sự xuất hiện của công trình này đánh dấu một bước tiến mới, khi người dân TP.HCM tiếp cận những chuẩn mực sống xa xỉ và hiện đại, sánh ngang các đô thị lớn trong khu vực.
Trước đó, trong hành trình TP.HCM mở rộng về phía Đông, dự án Khu đô thị Sala đã phát triển những khu dân cư cao cấp đầu tiên ở Thủ Thiêm. Cùng không gian công viên xanh rộng lớn và hệ thống tiện ích đồng bộ, Sala đã góp phần vào chiến lược phát triển một thành phố bền vững, nơi thiên nhiên hòa quyện với sự hiện đại.
Ngoài cầu Thủ Thiêm và cầu Ba Son, TP.HCM trước đó còn xây dựng hàng loạt cây cầu biểu tượng khác như cầu Sài Gòn, cầu Phú Mỹ, cầu Bình Triệu, cầu Bình Lợi... Những công trình này như "xương sống" mở rộng không gian đô thị, giúp thành phố không ngừng vươn mình, kết nối mạnh mẽ giữa các khu vực phát triển và tạo nên một mạng lưới giao thông hiện đại, thông suốt.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đi vào vận hành chính thức từ cuối năm 2024 đánh dấu bước phát triển mới của hạ tầng giao thông TP.HCM. Với tổng vốn đầu tư khoảng 43.700 tỷ đồng, tuyến kéo dài 19,7 km, kết nối trung tâm quận 1 với khu vực phía đông thành phố, giải tỏa áp lực cho các tuyến đường huyết mạch, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới để TP.HCM tự tin phát triển các tuyến đường sắt đô thị tiếp theo.
Một trong những công trình biểu tượng của tuyến metro số 1 là ga ngầm Bến Thành. Nhà ga có giếng trời cao 6 m, đường kính 21,6 m, thiết kế hình hoa sen. Trong tương lai, khu vực này được quy hoạch trở thành quảng trường biểu tượng như Quảng trường Thời đại tại New York, Mỹ.
Sau 50 năm phát triển, TP.HCM không ngừng đổi mới nhưng vẫn gìn giữ những giá trị lịch sử. Trụ sở HĐND và UBND TP.HCM trên đường Lê Thánh Tôn là công trình kiến trúc cổ điển Pháp tiêu biểu, với mặt tiền uy nghi, mái vòm tinh xảo và tháp đồng hồ nổi bật. Đây không chỉ là trung tâm hành chính của TP.HCM, mà còn là biểu tượng sống động của lịch sử, chứng kiến và gắn bó sâu sắc với hành trình phát triển của thành phố suốt hơn một thế kỷ.
Trong không khí hào hùng của những ngày kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Dinh Độc Lập tiếp tục là điểm đến đầy thu hút đối với các thế hệ người dân TP.HCM. Giữa nhịp sống hối hả, hiện đại, Dinh Độc Lập như một chứng nhân sống động của lịch sử, gợi nhắc về quá khứ và mở ra hành trình phát triển mới đầy hứa hẹn cho thành phố.
Thời gian tới, TP.HCM dự kiến sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo nên siêu đô thị 13,5 triệu dân với quy mô kinh tế lên đến 114,3 tỷ USD, đóng góp gần 1/4 GDP cả nước. Khi đó, TP.HCM không chỉ củng cố vai trò trung tâm tài chính và thương mại của cả nước, mà còn sở hữu tiềm lực công nghiệp vượt trội và khả năng thu hút du lịch mạnh mẽ, hiện thực hóa tầm nhìn trở thành đô thị hiện đại, năng động, sáng tạo, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Quỳnh Danh - Lan Anh