Tác dụng của đỗ đen
Trao đổi với PV Báo điện tử VTC News, Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, trong Đông y, hạt đậu đen vị ngọt, tính mát. Đậu đen đem lại nhiều tác dụng như bổ thận, bổ máu, điều trị thận yếu, mặt sưng phù, phong thấp tê liệt, thấp khớp hoặc bệnh lở loét. Phụ nữ dùng lâu ngày da sẽ hồng hào, sáng mịn.
Còn theo y học hiện đại, đậu đen được coi là một trong những thực phẩm tốt cho sức khỏe do chứa các thành phần như chất chống oxy hóa, chất xơ, các loại vitamin và khoáng chất, tác dụng cải thiện làn da, giảm tình trạng thiếu máu, bảo vệ trái tim.
Tác dụng của cỏ mực
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, cây cỏ mực thuộc họ nhà cúc Asteraceae. Cây mọc thẳng đứng và chiều cao của một cây trưởng thành là từ 0,2 đến 0,4m.
Thân của cây màu nâu hoặc lục nhạt, lá mọc đối nhau. Hoa màu trắng. Quả hình dẹt. Khi vò nát cây sẽ tạo ra một màu đen như mực. Đó cũng chính là lý do vì sao loài cây này có tên là cây cỏ mực.
Theo Đông y, cây cỏ mực vị chua và tính mát nên rất hiệu quả trong việc điều trị tình trạng xuất huyết và một số dấu hiệu mẩn ngứa hay sưng tấy. Còn theo y học hiện đại, cây cỏ mực có nhiều tinh dầu, Carotene, Alcaloid tác dụng cầm máu và phòng ngừa nhiễm trùng hiệu quả.
Cỏ mực và đậu đen có công dụng gì là băn khoăn của nhiều người
Dưới đây là một số công dụng chữa bệnh cụ thể của cây cỏ mực:
- Điều trị chứng khó tiêu, táo bón và một số rối loạn trong dạ dày.
- Phòng chống ung thư: Một số nghiên cứu cho thấy rằng, các dưỡng chất trong loại cỏ này có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, phá vỡ các phân tử DNA để loại bỏ những tế bào đột biến.
- Rất tốt cho gan: Một số chất trong cây cỏ mực giúp gan hoạt động hiệu quả và phòng ngừa một số bệnh lý về gan.
- Nhiễm trùng tiết niệu: Cỏ mực có đặc tính kháng khuẩn và khử trùng hiệu quả nên có thể được dùng để phòng ngừa hay điều trị tình trạng nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Một số vấn đề về hô hấp: Một trong những tác dụng của cỏ mực là làm sạch đờm, giảm nhiễm trùng vì thế có thể điều trị hiệu quả một số vấn đề về đường hô hấp.
- Cải thiện sức khỏe mắt: Trong cỏ mực chứa một hàm lượng carotene cao nên có thể loại bỏ những gốc tự do gây thoái hóa điểm vàng, từ đó phòng ngừa hiệu quả bệnh đục thủy tinh thể và cải thiện thị lực.
- Có tác dụng làm dịu cơn đau ở những người mắc bệnh trĩ.
- Kết hợp với dầu gội để tạo ra một hỗn hợp giúp dưỡng ẩm da đầu, ngăn ngừa tình trạng gàu, khô da đầu, ngăn ngừa rụng tóc, giúp bạn có mái tóc bóng mượt,...
- Phòng ngừa nguy cơ thiếu máu: Cỏ mực chứa một lượng sắt lớn nên có tác dụng phòng ngừa và điều trị tình trạng thiếu máu.
- Kiểm soát lượng đường trong máu nên rất phù hợp với bệnh nhân tiểu đường.
- Phòng ngừa sảy thai: Phụ nữ bị sảy thai liên tiếp có thể áp dụng một số bài thuốc từ cây cỏ mực để phòng tránh tình trạng sảy thai tái phát.
- Làm đẹp da: Sử dụng cây cỏ mực có thể giúp bạn điều trị một số bệnh lý về da, cải thiện làn da. Từ đó, giúp bạn có một làn da khỏe đẹp và tươi trẻ hơn.
- Cải thiện tình trạng nhiễm trùng xoang.
- Điều trị bệnh hen suyễn: Kết hợp nhọ nồi và mật ong có thể tạo ra một phương thuốc giúp bạn giảm ho, giảm đau tức ngực.
- Giảm đau răng: Cây cỏ mực có chứa ethanol và ancaloit có tác dụng giảm đau răng rất hiệu quả và nhanh chóng.
Có nên sắc đỗ đen và cỏ mực để uống?
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời BS. Đỗ Minh Hiền cho biết, đỗ đen và cỏ mực là 2 thảo dược bổ thận và không hề kỵ nhau nên bạn có thể yên tâm sử dụng. Tuy nhiên, đặc tính chung của thuốc Nam là phát huy công dụng chậm. Vì vậy, người bệnh cần kiên trì uống thuốc đều đặn. Ngoài ra, đậu đen và cỏ mực còn phối hợp với các vị thuốc khác trong điều trị các bệnh như:
Trị tóc bạc sớm: đậu đen (sao thơm) 30g, cỏ mực 20g, thiên môn, thục địa đều 20g, hà thủ ô, đương qui, táo nhân sao đen, tang diệp đều 16g, đỗ trọng, cam thảo đều 10g, táo tàu 6 quả. Sắc uống ngày một thang. Tác dụng bổ thận, đen râu tóc, nhuận da nên những người da khô, tóc bạc sớm nên dùng.
Trị đại tiện ra máu: đậu đen (sao thơm) 30g, cỏ mực 20g, trắc bá diệp, thục địa đều 16g, chi tử 10g, hoa hòe (sao) 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Người đại tiện ra máu dùng tốt.
Hạ An (Tổng hợp)