Có nên bỏ hình thức đình chỉ học tập đối với HS vi phạm kỷ luật nghiêm trọng?

Có nên bỏ hình thức đình chỉ học tập đối với HS vi phạm kỷ luật nghiêm trọng?
2 giờ trướcBài gốc
Những năm gần đây, xu hướng cải cách giáo dục ở Việt Nam và quốc tế đều nhấn mạnh đến việc xây dựng một môi trường học đường tích cực, tôn trọng nhân phẩm và phát triển toàn diện học sinh.
Dự thảo Thông tư về khen thưởng và kỷ luật học sinh 2025 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý là một bước tiến theo hướng đó. Nếu được chính thức ban hành, dự thảo thông tư này sẽ thay thế Thông tư 08/TT (1988). Đây là bước chuyển quan trọng về mặt triết lý, cho thấy nỗ lực đưa giáo dục Việt Nam tiệm cận các giá trị nhân văn hiện đại.
Tuy nhiên, việc thay đổi sâu rộng hình thức kỷ luật đã và đang gây ra những băn khoăn lớn từ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và xã hội.
Thực tiễn giáo dục cho thấy môi trường học đường hiện nay rất đa dạng và phức tạp, đặc biệt ở bậc phổ thông nơi học sinh đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, còn thiếu khả năng kiểm soát hành vi, dễ bị lôi kéo và tác động bởi nhiều yếu tố. Trong nhiều trường hợp, các biện pháp nhắc nhở, phê bình hay viết bản kiểm điểm không đủ sức răn đe hay điều chỉnh hành vi vi phạm lặp đi lặp lại.
Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng tính nhân văn và giảm áp lực cho học sinh. Ảnh minh họa: Phương Linh
Khảo sát từ VTV24 cho thấy hơn 90% người tham gia không đồng tình với việc loại bỏ hình thức đình chỉ học, một con số phản ánh rõ tâm lý lo lắng trong cộng đồng nhà giáo và xã hội.
Không ít người trực tiếp giảng dạy, quản lý học sinh phổ thông hiểu rõ rằng hình thức đình chỉ học không phải là biện pháp ưu tiên hay phổ biến, mà là lựa chọn cuối cùng, được sử dụng khi tất cả các giải pháp giáo dục tích cực đã thất bại.
Nhiều giáo viên đã áp dụng tối đa mọi hình thức cảm hóa, phối hợp với gia đình, tổ chức các buổi trò chuyện, tư vấn, nhưng không ít trường hợp học sinh vẫn tái phạm và thậm chí có biểu hiện thách thức môi trường giáo dục.
Một vấn đề nghiêm trọng hơn là khi hành vi vi phạm của một học sinh ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ lớp học. Đã có nhiều phụ huynh phản ánh rằng con em họ bị áp lực tâm lý, sợ hãi hoặc bị lôi kéo bởi học sinh cá biệt trong lớp.
Trong các buổi họp phụ huynh, không ít trường hợp gia đình lên tiếng đề nghị nhà trường có biện pháp xử lý cụ thể, thậm chí bày tỏ mong muốn chuyển trường cho con nếu tình trạng không thay đổi. Những phản ứng này không chỉ là biểu hiện lo lắng cá nhân mà còn phản ánh yêu cầu chính đáng về quyền được học tập trong một môi trường an toàn, tích cực của phần lớn học sinh.
Câu hỏi đặt ra và cần phải nghiêm túc trả lời: Liệu sự nhân văn có thể xem là trọn vẹn, khi nó bảo vệ một học sinh bất trị nhưng lại khiến nhiều học sinh ngoan bị tổn thương, hoang mang hoặc phải rời bỏ môi trường học tập?
Ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển như Hoa Kỳ, Singapore hay Nhật Bản, hình thức đình chỉ học vẫn tồn tại như một lựa chọn hợp pháp trong hệ thống kỷ luật học đường.
Tại Hoa Kỳ, đình chỉ học tập (suspension) được áp dụng có điều kiện, đi kèm tư vấn và chương trình phục hồi hành vi. Singapore giữ hệ thống kỷ luật nghiêm ngặt, đồng thời bổ sung các chương trình hỗ trợ tâm lý. Nhật Bản đề cao kỷ luật nội tâm, nhưng cũng không loại trừ đình chỉ học trong các tình huống bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng.
Những mô hình này cho thấy việc duy trì hình thức đình chỉ học không mâu thuẫn với tinh thần giáo dục tích cực nếu được sử dụng cẩn trọng và minh bạch. Chính sách kỷ luật học sinh nếu muốn linh hoạt, nhân văn, cần phải đi kèm với hệ thống hỗ trợ đồng bộ và phương án thay thế khả thi.
Một trong những giải pháp cần cân nhắc là xây dựng các trường chuyên biệt dành cho học sinh có hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần. Đây sẽ là nơi có đội ngũ chuyên gia về tâm lý học đường, môi trường kỷ luật cao và chương trình giáo dục điều chỉnh hành vi chuyên sâu.
Sau một thời gian, học sinh có tiến bộ sẽ được quay trở lại trường phổ thông bình thường để tiếp tục học tập. Đây không phải là hình thức "loại bỏ" học sinh mà là một cách để hỗ trợ đúng người, đúng lúc, đúng phương pháp.
Ngoài ra, nên quy định chặt chẽ điều kiện và quy trình áp dụng đối với học sinh được gửi đến trường chuyên biệt, đảm bảo đó là biện pháp cuối cùng sau khi đã thực hiện đầy đủ các hình thức giáo dục tích cực.
Cần thành lập các hội đồng chuyên môn trong trường để đánh giá toàn diện mỗi trường hợp vi phạm, có sự tham gia của giáo viên, phụ huynh và chuyên gia tâm lý. Bên cạnh đó, cần đầu tư đào tạo đội ngũ giáo viên về kỹ năng cảm hóa, quản lý hành vi học sinh và thiết lập cơ chế tư vấn học đường chuyên nghiệp trong mỗi trường phổ thông.
Nếu không có hình thức kỷ luật đủ sức răn đe trong hệ thống quy định, giáo viên và nhà trường sẽ không còn công cụ hiệu quả để duy trì kỷ cương. Khi đó, môi trường học đường dễ bị đảo lộn, gây bất ổn và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những học sinh đang nghiêm túc học tập.
Nhiều nhà giáo hiện nay lo ngại không phải vì muốn duy trì kỷ luật hà khắc, mà vì sợ mất đi khả năng can thiệp trước những tình huống vượt khỏi khả năng kiểm soát thông thường. Triết lý nhân văn và giáo dục tích cực là hướng đi đúng đắn, nhưng nếu chỉ dựa trên lý tưởng mà thiếu tính thực tế thì chính sách dễ trở nên khiên cưỡng và phản tác dụng.
Nhà trường cần những công cụ đủ mạnh để duy trì kỷ cương, đồng thời cần hệ thống hỗ trợ phù hợp để không bỏ rơi học sinh.
Việc xem xét, phản biện và điều chỉnh Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh không phải để đi ngược tiến bộ, mà để đảm bảo rằng chính sách khi ban hành là khả thi, công bằng và bảo vệ được cả quyền lợi của học sinh lẫn trách nhiệm của nhà giáo.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Tiến sĩ Trương Đình Thăng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/co-nen-bo-hinh-thuc-dinh-chi-hoc-tap-doi-voi-hs-vi-pham-ky-luat-nghiem-trong-post251374.gd