Hiện nay, các cơ sở giáo dục phổ thông công lập đang thực hiện kiểm tra cuối kỳ, chuẩn bị tổng kết cuối năm học và kết thúc năm học trước 31/5. Các cơ sở giáo dục cũng đang gấp rút thực hiện tính tăng giờ, tăng buổi năm học 2024-2025 để hoàn tất chi trả trong tháng 5 và đầu tháng 6, vì từ tháng 7 sẽ dừng hoạt động cấp huyện, các cơ sở phải đối con dấu, quy chế hoạt động,...
Trong phạm vi bài viết, xin được cung cấp cách tính tiền tăng giờ và trường hợp giáo viên được tính tăng giờ trong năm học 2024-2025 theo Văn bản hợp nhất 03 (có thời hạn đến đến 21/4) và Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 22/4) của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nguồn ảnh minh họa: website Trường Tiểu học Phúc Tân (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Hiện nay, giáo viên dạy tăng giờ được tính hưởng tiền ra sao?
Căn cứ pháp lý là Thông tư liên tịch số: 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ trả thêm giờ đối với giáo viên dạy trong các cơ sở giáo dục công lập và Văn bản hợp nhất 03/2017/VBHN-BGDĐT hợp nhất Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư 15/2017/TT-BGDĐTcó hiệu lực đến 21/4 và Thông tư 05/2025/BGDĐT ban hành chế độ làm việc của giáo viên phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 22/4.
Tiền lương dạy thêm giờ được tính theo các công thức sau:
Tiền lương 01 giờ dạy = [(Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học) : (Định mức giờ dạy/năm)] x [Số tuần dành cho giảng dạy: 52 tuần].
Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = Số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 01 giờ dạy x 150%.
Như vậy, giáo viên nếu có tăng giờ trong năm học thì được tính bằng tổng số giờ dạy thêm x tiền lương 1 giờ dạy x 1,5 sẽ ra số tiền dạy thêm được nhận.
Ví dụ, một giáo viên trung học cơ sở hạng II có hệ số lương 5,36, có phụ cấp thâm niên 32% được tăng giờ 150 tiết/năm học thì tiền tăng giờ được nhận như sau:
Tiền lương 1 giờ dạy = ([5,36 + (0,32x5,36)] x 2,340,000 x 12 ) / (19 x 52)= 201,084 đồng.
Tiền lương 1 giờ dạy thêm = 201,084 đồng x 1,5 = 301,627 đồng.
Số tiền giáo viên này được nhận = 301,627 đồng x 150 tiết = 45,244,050 đồng.
Với định mức giờ làm việc giáo viên hiện nay như sau: Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết.
Theo đó, định mức tiết dạy của giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần x 35 tuần/năm = 595 tiết/năm, trung học cơ sở là 19 tiết/tuần x 35 tuần = 665 tiết/năm, tiểu học 23 tiết/tuần x 35 tuần = 805 tiết.
Trường hợp giáo viên làm quá số tiết này sẽ được tính lương thừa giờ (lương làm thêm giờ), nếu ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp nào giáo viên dạy vượt quá định mức/năm học nhưng không được tính tăng giờ?
Trường hợp giáo viên đã thực hiện đủ tiết định mức giảng dạy của mình/năm học, nhưng do dạy thay đồng nghiệp đi công tác, ốm đau, thai sản,…sẽ được tính tăng giờ cho những tiết dạy thay trên hoặc giáo viên dạy vượt định mức năm học thì sẽ được tính tăng giờ cho tổng số tiết dạy vượt định mức/năm học.
Trường hợp giáo viên làm quá số tiết này sẽ được tính lương thừa giờ (lương làm thêm giờ).
Tại khoản 6 Điều 3 nguyên tắc trả thêm giờ có quy định “6. Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác (sau đây gọi chung là đi làm nhiệm vụ khác) do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.”
Do đó, nếu giáo viên nếu dạy vượt định mức tiết dạy năm học nhưng do tổ bộ môn có giáo viên dạy thiếu định mức năm học, số tiết thiếu này nhiều hơn số tiết giáo viên được hưởng do dư giờ thì giáo viên đó không được tính tăng giờ.
Chẳng hạn, giáo viên A dạy môn Toán ở trường trung học cơ sở, tổng số tiết dạy và dạy thay của giáo viên đó là 700 tiết/năm học (vượt định mức năm học 35 tiết), nhưng do trong tổ bộ môn có giáo viên B dạy chỉ 600 tiết/năm học (thiếu 65 tiết), thì giáo viên trên sẽ không được tính tăng giờ (định mức tiết dạy/năm học của giáo viên trung học cơ sở là 665 tiết).
Nếu giáo viên B trên chỉ dạy thiếu 15 tiết, thì giáo viên A trên vẫn được hưởng tăng giờ 20 tiết.
Bên cạnh đó, theo Thông tư 05, mỗi giáo viên phổ thông được hiệu trưởng phân công thực hiện và kiêm nhiệm không được vượt quá 50% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần, nếu dạy vượt định mức mỗi tuần nhiều hơn quy định trên cũng không được tính tăng giờ.
Và, cũng theo Thông tư 05 quy định mỗi giáo viên không được kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ, nếu kiêm nhiệm nhiều hơn 2 nhiệm vụ và dạy vượt định mức năm cũng có thể sẽ không được thanh toán tiền do tăng giờ.
Bộ Giáo dục dự kiến có quy định mới về trả lương dạy thêm giờ, khắc phục hạn chế hiện nay
Ngày 15/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư quy định chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập để lấy ý kiến đóng góp theo quy định.
Dự thảo Thông tư này sẽ thay thế Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hiện hành, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập trong thời gian qua.
Dưới đây là một số điểm mới đáng chú ý:
Thứ nhất, tất cả thầy cô đều có thể nhận tiền dạy thêm giờ, mà không bị ràng buộc bởi điều kiện nào, theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Thông tư liên Bộ Giáo dục, Nội vụ và Tài chính, ban hành từ năm 2013, thầy cô chỉ được nhận tiền làm thêm giờ (số tiết dạy ngoài định mức được giao) khi trường hoặc bộ môn thiếu người, hoặc có giáo viên nghỉ ốm, nghỉ thai sản, đi công tác. Như vậy, không phải ai làm thêm giờ cũng được trả thù lao.
Hoặc các trường hợp dạy tăng tiết nhưng không được nhận tiền thừa giờ như phân tích ở trên sẽ không được tính tăng giờ. Dự thảo mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không còn những quy định trên, giáo viên dạy vượt định mức số tiết/năm học theo quy định sẽ được hưởng tăng giờ. Điều này phù hợp với Luật Viên chức và Luật Lao động.
Thứ hai, giáo viên phổ thông dự kiến không tăng giờ quá 150 tiết mỗi năm học
Dự thảo quy định rõ tổng số giờ dạy thêm trong một năm học được chi trả tiền lương đối với nhà giáo: giáo viên mầm non không quá số giờ làm thêm theo quy định pháp luật về lao động; các nhà giáo khác không quá 150 giờ dạy.
Quy định này bảo đảm phù hợp với đặc thù về hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, để có 01 giờ dạy trực tiếp trên lớp, nhà giáo phải có thời gian chuẩn bị trước khi lên lớp và phải có thời gian sau giờ giảng để đánh giá, xếp loại người học. Quy định cũng nhằm bảo đảm nhà giáo không phải làm việc quá tải, có thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động.
Thứ ba, quy định về tiền lương 1 tiết khi dạy thêm giờ
Tiền một giờ với giáo viên mầm non, phổ thông= (Tổng lương 12 tháng/định mức giờ dạy một năm) * (Số tuần dạy/52).
Trong trường hợp vì thiếu người, khiến giáo viên phải dạy vượt số giờ được thanh toán tối đa, hiệu trưởng phải báo cáo cấp trên để chi trả.
Thứ tư, dự kiến trả tăng giờ cho giáo viên nghỉ hưu, chuyển công tác khác với hiện nay
Quy định hiện nay, giáo viên công tác vài tháng tại trường rồi chuyển công tác hoặc nghỉ hưu, số tiền tăng giờ mỗi tiết thấp do cách tính giống với giáo viên công tác đủ 12 tháng.
Dự thảo Thông tư mới quy định đối với những nhà giáo do nghỉ hưu, nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá quy định của pháp luật, nghỉ việc không lương hoặc các trường hợp nghỉ khác không trực tiếp tham gia giảng dạy thì được hưởng tiền lương dạy thêm giờ đối với thời gian thực tế công tác. Điều này, tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục chi trả tiền lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo nghỉ hưu, nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá quy định của pháp luật, nghỉ việc không lương hoặc các trường hợp nghỉ khác không trực tiếp tham gia giảng dạy.
Nhà giáo nghỉ hưu, chuyển công tác thì cách tính tăng giờ được tính theo thời gian công tác thực tế, nên mỗi tiết tăng giờ sẽ tăng nhiều so với hiện nay.
Thứ năm, dự kiến áp dụng ngay trong năm học 2024-2025
Dự thảo Thông tư mới cũng quy định các cơ sở giáo dục được áp dụng chế độ trả lương dạy thêm giờ theo nội dung của Thông tư bắt đầu từ năm học 2024-2025. Quy định này nhằm giải quyết những khó khăn vướng mắc trong việc chi trả tiền lương dạy thêm giờ những năm trở lại đây, đồng thời, để bảo đảm quyền lợi cho nhà giáo ngay trong năm học 2024-2025.
Tuy vậy, người viết cho rằng thời điểm áp dụng từ năm 2025-2026 sẽ phù hợp hơn vì thời điểm này mới ban hành Dự thảo, cuối tháng 5 khi kết thúc năm học các trường đang thực hiện kết toán và trả tăng giờ năm học 2024-2025 theo quy định của Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, nếu quy định mới áp dụng trong năm 2024-2025 sẽ có phần gây khó khăn cho các trường.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Mỹ Tiên