Thời điểm này, khi mà học kỳ I của năm học 2014-2025 đã kết thúc, nhiều địa phương sẽ tổ chức kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp huyện cho học sinh trung học cơ sở vòng huyện để chuẩn bị cho thi vòng tỉnh vào tháng 3 tới đây.
Với tiêu chí là kỳ thi sẽ lựa chọn những thí sinh tiêu biểu các môn học nhằm bồi dưỡng đam mê cho học sinh nhưng vẫn có những địa phương chưa đặt yếu tố khách quan lên hàng đầu. Bởi lẽ, vẫn có những địa phương lựa chọn giáo viên đi chấm thi học sinh giỏi theo một ê kíp quen thuộc từ năm này sang năm khác.
Trong đó, có những giám khảo cũng đang là giáo viên ôn thi cho đội tuyển học sinh giỏi ở đơn vị mình. Vì thế, sau mỗi kỳ thi học sinh giỏi có rất nhiều câu chuyện được tiết lộ từ chính người đi chấm thi với nhau ra bên ngoài.
Môn Ngữ văn, giám khảo rất dễ nhận ra bài thi của học trò mình ôn thi
Khâu dễ xảy ra tiêu cực nhất lại chưa được chú trọng giảm thiểu
Có những địa phương khi tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở thực hiện rất nghiêm túc ở khâu coi thi. Ngoài việc không điều giáo viên có con em, người thân tham dự kỳ thi đi coi thi thì những giáo viên dạy khối lớp 9 cũng không điều động.
Phòng, sở giáo dục yêu cầu các trường giới thiệu những giáo viên đang dạy ở những lớp đầu cấp tham gia coi thi để đề phòng giáo viên dạy khối 9 có thể chỉ bài cho thí sinh trong phòng thi.
Tuy nhiên, thực ra khi coi thi giữa “thanh thiên bạch nhật”, phòng thi có 2 giám thị và 24 thí sinh dự thi thì giám thị nào dám có những hành động trái quy định. Hàng chục con mắt sẽ soi vào từng hành động, lời nói của giám thị…
Trong khi đó, khi điều động giáo viên chấm thi, có địa phương lại chỉ điều động một số giáo viên quen thuộc đang ôn thi học sinh giỏi đi chấm thi.
Mỗi môn thi cấp huyện, nhiều lắm cũng chỉ 40-50 học sinh tham dự; môn ít vài ba chục em nên chỉ điều động 2-4 giám khảo. Tất nhiên, với số lượng bài ít, giám khảo ít như vậy nên bài thi có rọc phách, giám khảo vẫn nhận ra bài thi của học trò mình vừa ôn thi suốt nhiều tháng trời.
Thầy trò ôn tập với nhau xuyên suốt 6-7 tháng trời, chấm biết bao nhiêu bài tập của học sinh. Mỗi đội tuyển chỉ vài em thì chỉ đọc một vài câu là nhận ra nét chữ học trò không phải là điều khó khăn.
Chẳng hạn, môn Ngữ văn thì gần như học sinh nào cũng ảnh hưởng phong cách, câu chữ của thầy cô mình trong cách hành văn. Vì vậy, giám khảo nhận ra bài thi học trò cực dễ và những ưu ái cho học sinh của mình là điều rất khó tránh khỏi.
Không ít giáo viên đi chấm thi nhiều năm và năm nào học sinh của mình cũng đạt giải cấp huyện 100% và toàn giải cao.
Một số giám khảo không chỉ được điều động chấm cấp huyện mà còn tiếp tục được điều động đi chấm thi học sinh giỏi cấp tỉnh và dĩ nhiên học sinh của giáo viên này vẫn dễ dàng đạt giải qua từng năm. Tất nhiên, học trò đi thi học sinh giỏi đạt giải thì “uy tín” của người thầy cũng được nâng lên.
Lãnh đạo cấp phòng, sở thấy giáo viên đó luôn có học sinh giỏi hằng năm thì cứ vậy điều động từ năm này sang năm khác. Những góc khuất của việc chấm thi chỉ được tiết lộ giữa những người thân thiết với nhau.
Một tổ trưởng chuyên môn cũng là thành viên hội đồng cốt cán môn Ngữ văn của một tỉnh phía Nam chia sẻ với người viết rằng: mỗi năm đi chấm với cô A (xin được giấu tên) thấy mắc mệt.
Thôi thì có ưu ái cho học trò của mình thì cũng nên dừng lại ở tệp bài mình được phân công chấm. Đằng này, cô ấy chấm tệp bài được phân công rồi sang nhóm chấm khác để tìm bài học sinh của mình để nhờ giám khảo nhóm bên này lưu ý.
Cùng làm giám khảo và quen biết nhau lâu năm, một khi không “chiếu cố” cho bài đồng nghiệp đã “lưu ý” thì mất lòng, nhưng làm như vậy ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh khác. Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh chỉ lấy đậu tối đa 30% thí sinh nhưng “nguồn” của mấy giám khảo chấm thi đã chiếm mất một nửa.
Nên lựa chọn những giáo viên không ôn thi học sinh giỏi chấm thi sẽ đảm bảo công bằng
Theo tỉ lệ mà các phòng, sở giáo dục của nhiều địa phương đưa ra đối với kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh thì mỗi môn thi chỉ lấy tối đa 30% thí sinh dự thi đạt giải. Vì thế, 10 thí sinh thi thì chắc chắn có tới 7 thí sinh rớt.
Có những thí sinh rớt không hẳn là do các em không giỏi mà do tỉ lệ đã được ấn định từ khi chưa thi và có cả nguyên nhân thiếu khách quan trong quá trình chấm thi, nhất là môn Ngữ văn.
Thực ra, kỳ thi nào thì cũng có đề thi và hướng dẫn chấm thi. Hướng dẫn chấm thi bao giờ cũng tường minh, cụ thể. Vì vậy, không nhất thiết phải điều động giáo viên đang ôn thi học sinh giỏi đi chấm thi. Chẳng ai dại gì mà lại không nương tay với học trò của mình đã ôn thi.
Những em giỏi thực sự đương nhiên điểm cao, nhưng những em làm bài chưa tốt thì việc nâng điểm sẽ làm mất đi tính trung thực của kỳ thi. Bởi lẽ, một số môn thi như Ngữ văn hoặc môn Giáo dục công dân nâng lên, hạ xuống 1-2 điểm/ thang điểm 20 không khó.
Bởi, môn Ngữ văn thiên về cảm nhận văn học, lý giải vấn đề nghị luận; môn Giáo dục công dân có nhiều bài tập tình huống. Vậy nên, cho dù khi có thí sinh đề nghị phúc khảo hoặc bài thi được chỉ đạo chấm kiểm tra cũng không khó để người chấm giải trình vì những môn học này có một phần nghiêng về định tính của người chấm.
Một khi giáo viên có học sinh giỏi đạt giải nhiều, giải cao sẽ dẫn đến nhiều quyền lợi khi xét thi đua, giáo viên đó được mọi người ngưỡng vọng. Vì vậy, không ít giáo viên đã dễ dàng nâng “uy tín” của mình lên qua kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Thiết nghĩ, kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở mà các địa phương đang tổ chức hiện nay là sự đầu tư công sức của các trường học. Giáo viên ôn thi học sinh giỏi rất áp lực, học sinh tham gia đội tuyển cũng vô cùng vất vả vì các em vừa phải học chính khóa, tham gia các hoạt động của nhà trường và mỗi tuần phải ôn thi 2-3 buổi cùng thầy cô của mình.
Nếu các em rớt nhưng việc chấm thi khách quan, công tâm cũng dễ dàng chấp nhận. Nhưng, rớt vì lý do thiếu khách quan của người chấm là điều rất đáng suy nghĩ và không đáng có trong kỳ thi học sinh giỏi.
Vì thế, các phòng, sở giáo dục khi tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh cũng cần lưu ý và thay đổi để tạo sự công bằng cho thầy và trò ở các nhà trường.
Chúng tôi cho rằng cấp tổ chức không nên điều động giáo viên đang ôn thi đội tuyển ở các nhà trường đi chấm thi. Người đi chấm thi, chỉ cần là giáo viên có kinh nghiệm, đang dạy môn học đó ở lớp cuối cấp thì họ sẽ đáp ứng đầy đủ tiêu chí, yêu cầu.
Chỉ khi tách bạch riêng lẻ các khâu: ôn thi, ra đề, coi thi, chấm thi ra từng bộ phận riêng biệt, không liên quan với nhau thì mới ra kết quả khách quan, công tâm và uy tín của kỳ thi mới được nâng lên. Hay, nói đúng hơn là lấy lại niềm tin cho đa số những thầy cô đang ôn thi học sinh giỏi.
Nếu vẫn nhập nhằng giữa người ôn thi, người chấm, thậm chí việc ra đề lên vai một vài cá nhân thì kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở chỉ là “sân chơi” nội bộ của một vài giáo viên mà thôi.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
LÊ VĂN MINH