Giáo viên chia sẻ kinh nghiệm quản lý điện thoại học sinh hiệu quả tại trường

Giáo viên chia sẻ kinh nghiệm quản lý điện thoại học sinh hiệu quả tại trường
5 giờ trướcBài gốc
Học sinh Trường THCS-THPT M.V. Lômônôxốp nộp điện thoại trước giờ học.
Cách quản lý để học sinh chỉ sử dụng điện thoại phục vụ học tập
Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định: Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
Là một giáo viên chủ nhiệm, cũng là người trực tiếp đứng lớp, giảng dạy bộ môn tiếng Anh, cô Đinh Thị Bích Liên bày tỏ nhất trí cao với quy định của Bộ GD&ĐT và cho rằng, việc quản lý điện thoại, các thiết bị khác trong giờ học của học sinh là vô cùng cần thiết.
“Từ lâu, Trường THCS & THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp đã bắt buộc học sinh phải nộp điện thoại trước giờ học và chỉ được cầm lại sau giờ học. Kết quả, học sinh học tập trung hơn, giáo viên không phải lo "canh" học sinh chỗ này, góc kia dùng điện thoại, không chú ý đến bài giảng”, cô Đinh Thị Bích Liên chia sẻ.
Nói thêm về lợi ích của việc quản lý điện thoại của học sinh, theo cô Đinh Thị Bích Liên, trong các giờ nghỉ giải lao, các em còn tham gia vào các hoạt động chung như chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe, nói chuyện giao lưu, tăng tinh thần đoàn kết, hiểu nhau hơn.
Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của nhà trường để đảm bảo học sinh tập trung học tập, tận dụng điện thoại như một công cụ hỗ trợ học tập, cũng như giáo dục học sinh kỹ năng sử dụng công nghệ an toàn, hiệu quả, cô Đinh Thị Bích Liên cho biết:
Tại Trường THCS & THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp, học sinh bắt buộc nộp điện thoại di động trước giờ học vào một hòm riêng, sau đó lớp trưởng hoặc một học sinh có uy tín trong lớp cho vào tủ khóa lại.
Điện thoại được lưu giữ trong hòm đựng điện thoại đảm bảo an toàn, có đánh số thứ tự rõ ràng trong suốt thời gian học sinh học tập tại trường.
Học sinh chỉ được phép sử dụng điện thoại khi giáo viên yêu cầu cho các hoạt động liên quan đến học tập. Các mục đích sử dụng bao gồm: tra cứu thông tin, tham gia bài tập trực tuyến, làm bài kiểm tra trên các nền tảng học tập.
Học sinh không được phép sử dụng điện thoại trong giờ nghỉ giải lao, cũng như giờ bán trú với bất kỳ lý do nào ngoài việc phục vụ mục đích học tập hoặc trong các trường hợp khẩn cấp.
Tất cả điện thoại của học sinh được thu và cất giữ trong hộp nhựa, bảo đảm học sinh không sử dụng điện thoại trong giờ học.
Cần quy định bắt buộc trong nội quy nhà trường
Theo cô Đinh Thị Bích Liên, quản lý điện thoại di động của học sinh trong nhà trường không chỉ hướng tới việc nâng cao hiệu quả học tập mà còn đảm bảo học sinh sử dụng công nghệ một cách đúng đắn và an toàn. Việc kết hợp giữa quản lý nghiêm ngặt, giáo dục ý thức, và khuyến khích sử dụng công nghệ trong học tập sẽ giúp học sinh phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Bên cạnh đó, nhà trường cần không ngừng đổi mới các phương pháp tiếp cận, tận dụng công nghệ hiện đại để tạo ra môi trường học tập tiên tiến. Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh sẽ là nền tảng vững chắc để thực hiện thành công kế hoạch này, tạo dựng một môi trường học tập hiện đại, an toàn, và hiệu quả trong thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ.
Để trở thành thói quen cho học sinh và giáo viên chủ nhiệm làm việc một cách dễ dàng, nhà trường, cô Đinh Thị Bích Liên cho rằng, Ban Giám hiệu cần phải có những quy định bắt buộc nằm trong nội quy của nhà trường, cấm học sinh vi phạm.
Với giáo viên chủ nhiệm ,cần phải có quy định cụ thể về việc lưu giữ điện thoại. Ví dụ, mỗi lớp có một khay nhựa, hay hộp nhựa đựng điện thoại tránh làm bị thương cho học sinh khi dùng hòm sắt.
Giáo viên kiểm soát việc trả điện thoại của học sinh cuối ngày. Khi trả điện thoại lại cho học sinh, yêu cầu giáo viên bộ môn đang dạy tiết cuối của lớp đó cùng với lớp trưởng sẽ kiểm tra xem tất cả thiết bị đã được trả cho đúng chủ chưa.
Về tổ chức sử dụng điện thoại trong giờ học, giáo viên có thể xây dựng các bài học yêu cầu học sinh sử dụng điện thoại như: tra cứu tài liệu, tham gia trò chơi trực tuyến (Kahoot, Quizizz), gửi bài qua Padlet; hoặc lựa chọn một tiết học trong ngày phục vụ việc ứng dụng CNTT.
Giáo viên có thể sử dụng phần mềm quản lý (như Google Classroom, Microsoft Teams) để giao và thu bài; hoặc yêu cầu học sinh chia sẻ kết quả hoặc hoàn thành nhiệm vụ trên lớp.
Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên giáo dục ý thức cho học sinh. Trong các buổi sinh hoạt lớp trao đổi về nâng cao nhận thức về tác hại của việc lạm dụng điện thoại và lợi ích khi sử dụng đúng cách cho học sinh; dạy học sinh cách tra cứu thông tin đáng tin cậy, phân biệt tin giả, tin sai lệch.
Giáo viên cũng có thể thảo luận các chuyên đề về vai trò của ứng dụng CNTT, giúp học sinh thấy được tác dụng rất lớn của công nghệ, dùng đúng mục đích sẽ mở ra những cơ hội học tập không giới hạn cho học sinh.
Việc hợp tác với phụ huynh là vô cùng quan trọng. Phụ huynh và học sinh cùng ký cam kết tuân thủ quy định sử dụng điện thoại. Giáo viên chủ nhiệm cập nhật tình hình sử dụng điện thoại của học sinh cho phụ huynh.
Nhà trường tổ chức khảo sát học sinh, giáo viên và phụ huynh sau mỗi học kỳ để đánh giá tính hiệu quả việc sử dụng điện thoại của các em; từ xem xét các góp ý của các bên để tối ưu hóa quy định và các hoạt động hỗ trợ.
Hải Bình
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/giao-vien-chia-se-kinh-nghiem-quan-ly-dien-thoai-hoc-sinh-hieu-qua-tai-truong-post715498.html