Có nhất thiết thay quần áo ngay sau khi về nhà?

Có nhất thiết thay quần áo ngay sau khi về nhà?
7 giờ trướcBài gốc
Đối với một số nghề nghiệp nhất định như chuyên gia y tế, nhân viên chăm sóc sức khỏe, nhân viên cửa hàng tạp hóa và nhà hàng, người làm vườn, công nhân vệ sinh..., thay đồ ngay khi về nhà là cần thiết. Vậy còn những ngành nghề khác thì sao?
Có nên thay quần áo ngoài ngay khi về nhà?
James Matos, nhân viên y tế tại Bệnh viện Hải quân Mỹ cho rằng mặc dù không có bằng chứng chắc chắn cho thấy việc thay quần áo ngay sau khi về nhà có thể giảm đáng kể nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn, nhưng quần áo có thể nhiễm vi khuẩn và virus là điều mà các nghiên cứu khoa học đã chứng minh.
Một nghiên cứu có hệ thống được công bố vào năm 2020 ghi nhận rằng, vi khuẩn có thể tồn tại tới 206 ngày trên polyester và 90 ngày trên các loại vải khác, bao gồm một số loại vải cotton và vật liệu làm từ hỗn hợp sợi. Virus có thể vẫn còn khả năng lây nhiễm trên hàng dệt may trong 2 - 4 tuần.
Theo tài liệu của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, virus cúm có thể sống từ 30 phút đến 1 tuần trên vải, tùy thuộc vào loại virus cụ thể, trong khi một số chủng COVID có thể tồn tại tới 24 giờ.
Đối với vi khuẩn, Bordetella Pertussis (ho gà) sống trên vật liệu trong 3 - 5 ngày. Escherichia coli (E. Coli) tồn tại từ 4 giờ - 8 tuần trên vải.
Có nhất thiết thay quần áo ngay sau khi về nhà? (Ảnh: Getty Images)
Bác sỹ da liễu Hannah Kopelman thường xuyên khuyên bệnh nhân của mình (đặc biệt là những người mắc các bệnh như chàm hoặc mụn trứng cá) nên hạn chế tiếp xúc lâu dài với các chất gây ô nhiễm từ môi trường ngoài trời, bao gồm cả những chất có thể bám vào quần áo của họ.
Các tác nhân gây bệnh chàm bao gồm phấn hoa, nấm mốc và khói từ cháy rừng, ô tô và một số nhà máy. Vì vậy, bạn không nên tiếp tục mặc bộ đồ có thể đã tiếp xúc với bất kỳ tác nhân nào trong số này vào trong nhà. Đối với những người dễ bị mụn trứng cá, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ô nhiễm không khí là tác nhân gây bệnh.
Bác sỹ Hannah cho biết: "Mặc dù nghiên cứu so sánh cụ thể lợi ích của việc thay quần áo ngay lập tức vẫn còn hạn chế, nhưng nguyên tắc cơ bản này có ý nghĩa, đặc biệt là trong bối cảnh đô thị. Thói quen thay quần áo bên ngoài khi về nhà là một cách dễ dàng để duy trì môi trường gia đình sạch sẽ".
Bà cũng nhấn mạnh rằng, vệ sinh da nói chung nên bao gồm các biện pháp rửa tay sạch sẽ, giặt quần áo thường xuyên và thói quen chăm sóc da.
Vi khuẩn từ nơi công cộng có thực sự xâm nhập nhà bạn?
Bất cứ khi nào ra ngoài, đặc biệt là ở nơi công cộng đông đúc, chúng ta đều có nguy cơ tiếp xúc với đủ loại vi trùng, một số có khả năng khiến chúng ta bị bệnh.
Shanina Knighton, y tá chuyên gia phòng ngừa nhiễm trùng tại Trường Điều dưỡng Frances Payne Bolton thuộc Đại học Case Western Reserve (Mỹ), nói: “Ngăn chặn các chất gây ô nhiễm từ nơi công cộng xâm nhập ngôi nhà là biện pháp kiểm soát nhiễm trùng quan trọng”.
Bà cho biết những không gian mà chúng ta phải tiếp xúc nhiều hơn với vi khuẩn, nấm và virus bao gồm phương tiện giao thông công cộng (cụ thể là chỗ ngồi), môi trường làm việc, đặc biệt là khi có vải. Những chiếc ghế dài hoặc ghế ngồi bọc vải trên tàu hỏa và xe buýt có khả năng chứa nhiều mầm bệnh hơn so với những chiếc ghế làm từ gỗ hoặc nhựa.
Tiến sỹ Laura Purdy, bác sỹ gia đình, giải thích thêm rằng bất kỳ không gian nào có nhiều người qua lại mỗi ngày đều làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn qua lây truyền gián tiếp, chẳng hạn như chạm vào cùng một tay nắm cửa hoặc nút thang máy với người bị nhiễm bệnh hoặc ngồi cùng một ghế tàu điện ngầm.
Một số chất độc hại trong môi trường cần đặc biệt lưu ý
Y tá Knighton cho biết, ngoài việc lây truyền gián tiếp, các chất độc trong môi trường từ khí thải xe cộ và vi khuẩn trong không khí đều có thể bám vào quần áo và da suốt cả ngày, đó là lý do bạn nên rửa tay và rửa mặt khi bạn đi từ bên ngoài về.
Một ví dụ về độc tố môi trường là nhóm hóa chất sản xuất được gọi là chất per- và polyfluoroalkyl, hay PFAS. Mặc dù mức độ tiếp xúc của chúng ta với các hóa chất này vẫn ở mức thấp, nhưng trong thời gian dài hơn, chúng có thể tích tụ trong cơ thể. Việc vệ sinh tốt có thể giảm thiểu điều này.
Các tác động xấu đến sức khỏe do tiếp xúc lâu dài với nhóm hóa chất này gồm giảm khả năng sinh sản, chậm phát triển ở trẻ em, tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư tuyến tiền liệt và ung thư thận.
Mức độ ảnh hưởng tùy theo nghề nghiệp của bạn hoặc nơi bạn sống. Cụ thể, một số công nhân khu công nghiệp hoặc những người sống gần các cơ sở sản xuất PFAS có nguy cơ tiếp xúc với PFAS cao hơn.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, khí thải từ xe cơ giới (và đặc biệt là khí thải diesel) có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm tổn thương hệ thần kinh, tim mạch, hô hấp, sinh sản hoặc miễn dịch cũng như tăng nguy cơ ung thư. Bạn có thể hít phải hoặc hấp thụ trực tiếp qua da. Những chất độc này có thể lưu lại trên quần áo, nên việc thay quần áo sau khi ở ngoài về sẽ có ích.
Tóm lại, các chuyên gia đều cho rằng rửa tay và rửa mặt là cách tốt nhất để giảm đáng kể khả năng nhiễm vi khuẩn, virus từ môi trường bên ngoài. Và nếu không muốn thay quần áo ngay, ít nhất bạn cũng nên chú ý đến hai vật dụng dễ bị nhiễm bẩn nhất là túi xách và điện thoại.
Nhật Thùy (Nguồn: Huffpost)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/co-nhat-thiet-thay-quan-ao-ngay-sau-khi-ve-nha-ar943670.html