Ngày 19-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết trong tuần qua (từ 9 đến 16-5), thành phố ghi nhận 23 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội ghi nhận gần 40 ca mắc, giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại cơ sở y tế
Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội có thể tiếp tục tăng nhẹ và xuất hiện rải rác, do nhiều sự kiện, lễ hội đông người cùng việc giao lưu, đi lại tăng cao trong mùa hè.
Trước tình hình trên, CDC Hà Nội khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi đông người hoặc trên phương tiện công cộng; hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết); rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi.
Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực và dinh dưỡng hợp lý để nâng cao thể trạng. Khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời. Người dân trở về từ quốc gia có dịch cần chủ động theo dõi sức khỏe và phòng ngừa lây lan cho người thân và cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, trên phạm vi toàn cầu, số trường hợp mắc, tử vong do COVID-19 đang có xu hướng giảm; việc tăng số mắc COVID-19 tại Thái Lan gần đây trùng với thời điểm Tết truyền thống, nhiều khả năng do tụ tập đông người và sự xuất hiện của biến thể XBB.1.16.
Biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron đã xuất hiện từ năm 2023, có khả năng lây lan nhanh chóng nhưng chưa có bằng chứng gây triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế về phòng chống COVID-19
Tại Việt Nam, COVID-19 hiện là bệnh lưu hành. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 148 ca mắc tại 27 tỉnh, thành.
Dịp nghỉ lễ vừa qua, do người dân đi lại và giao lưu nhiều, số ca mắc COVID-19 được dự báo có thể tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định các biến thể hiện nay không quá nguy hiểm, nên số ca bệnh nặng khó có khả năng tăng.
D.Thu