Cổ phiếu AGM lên UPCoM với giá chỉ 1.700 đồng. Ảnh minh họa
Sở giao dịch Chứng khoán TP Hà Nội (HNX) vừa thông báo liên quan đến việc giao dịch cổ phiếu của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã: AGM).
Theo đó, toàn bộ cổ phiếu AGM sẽ chính thức giao dịch trở lại trên sàn UPCoM kể từ ngày 23/5. Tổng cộng 18,2 triệu cổ phiếu AGM sẽ được đưa vào giao dịch với giá tham chiếu 1.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức vốn hóa gần 31 tỷ đồng.
Trước đó, AGM bị hủy niêm yết trên sàn HOSE từ ngày 9/5/2025 sau ba năm liên tiếp thua lỗ, theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán giai đoạn 2022 - 2024. Công ty không chỉ ghi nhận lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp mà còn rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu.
Tiền thân là Công ty Ngoại thương An Giang, Angimex được thành lập năm 1976 và chính thức hoạt động dưới mô hình cổ phần từ cuối năm 2007. Từ năm 2012, cổ phiếu công ty niêm yết trên sàn HoSE. Doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực lương thực, vật tư nông nghiệp và thương mại dịch vụ, với sản phẩm chủ lực là lúa gạo.
Trong hơn một thập kỷ (2008 - 2020), Angimex duy trì doanh thu quanh mốc 2.000 tỷ đồng mỗi năm và liên tục báo lãi. Đỉnh cao của doanh nghiệp đến vào năm 2021, khi doanh thu bùng nổ lên gần 3.925 tỷ đồng, gấp đôi năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt gần 45 tỷ đồng. Thành tích này gắn liền với giai đoạn Louis Holdings của ông Đỗ Thành Nhân trở thành cổ đông lớn và đưa Angimex vào hệ sinh thái "họ Louis".
Tuy nhiên, đà tăng nhanh chóng đứt gãy chỉ sau một năm. Bắt đầu từ 2022, chi phí tài chính phình to – gồm chi phí lãi vay, đầu tư tài chính và lỗ tỷ giá khiến Angimex lỗ ròng 233 tỷ đồng dù doanh thu vẫn trên 3.400 tỷ đồng. Cùng năm, ông Đỗ Thành Nhân bị khởi tố vì thao túng chứng khoán, đẩy Angimex vào chuỗi lao dốc không phanh.
Năm 2023, công ty tiếp tục lỗ thêm 220 tỷ đồng. Đến năm 2024, doanh thu sụt mạnh xuống chỉ còn hơn 240 tỷ đồng – giảm tới 70% so với năm trước, trong khi chi phí tài chính chiếm gần một nửa doanh thu, khiến Angimex lỗ sau thuế hơn 250 tỷ đồng. Lỗ lũy kế chạm mốc gần 420 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 235 tỷ.
Tính đến cuối 2024, Angimex mang hơn 950 tỷ đồng nợ vay tài chính – chiếm hơn 90% tổng nguồn vốn – chủ yếu là nợ ngắn hạn và trái phiếu đến hạn trả với lãi suất lên tới 12%/năm.
Quý 1/2025 tiếp tục ghi dấu một mùa kinh doanh ảm đạm của Xuất nhập khẩu An Giang. Doanh thu thuần chỉ đạt 21 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ do không còn đóng góp từ các công ty con đã thoái vốn. Tuy nhiên, nhờ không còn bán hàng dưới giá vốn, công ty ghi nhận lãi gộp hơn 170 triệu đồng – cải thiện đáng kể so với mức lỗ gộp gần 3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Một điểm sáng hiếm hoi là khoản doanh thu tài chính tăng đột biến lên 18 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thanh lý đầu tư, giúp lợi nhuận thuần đạt 7 tỷ đồng, đảo chiều so với mức lỗ thuần 15 tỷ đồng quý 1/2024.
Dù vậy, khoản lỗ khác hơn 26 tỷ đồng từ việc nhượng bán, thanh lý tài sản cố định đã kéo kết quả chung trở lại vùng đỏ. Sau khi trừ các chi phí, AGM lỗ ròng 19 tỷ đồng – đánh dấu quý thua lỗ thứ 6 liên tiếp.
Tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản của AGM giảm nhẹ về 997 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chỉ còn 189 tỷ đồng. Lượng tiền mặt sụt còn 4,3 tỷ đồng, tồn kho gần như cạn (169 triệu đồng) do dự phòng giảm giá hàng tồn kho lên tới 6,8 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, nợ vay ngắn hạn chiếm phần lớn với tổng nợ phải trả hơn 1.230 tỷ đồng, trong đó 863 tỷ đồng là vay tài chính, giảm 8% so với đầu năm. Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm hơn 247 tỷ đồng, lỗ lũy kế vượt 429 tỷ đồng – phản ánh tình trạng tài chính ngày càng kiệt quệ của AGM.
Thu Trang