Theo đó, gần 540 triệu cổ phiếu VAB sẽ được niêm yết lên HOSE, tương ứng với vốn điều lệ gần 5.400 tỷ đồng.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, ban lãnh đạo VietABank đã thông tin về kế hoạch chuyển sàn niêm yết từ UPCoM sang HOSE. Động thái này nhằm nâng cao uy tín, vị thế và thương hiệu của Ngân hàng, đồng thời tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu VAB, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút thêm nguồn vốn từ nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế.
Hiện nay, sàn HOSE đang có tổng cộng 18 mã cổ phiếu ngân hàng niêm yết, bao gồm: VCB, BID, CTG, TCB, MBB, VPB, ACB, LPB, HDB, STB, SHB, VIB, SSB, EIB, TPB, MSB, OCB và NAB. Nếu niêm yết thành công, VietABank sẽ là ngân hàng thứ 19 có cổ phiếu giao dịch trên HOSE.
Trong khi đó, HNX hiện chỉ có 2 mã ngân hàng (BAB, NVB) và sàn UPCoM còn 7 mã ngân hàng là Vietbank, Kienlongbank, Saigonbank, BVBank, ABBank, PGBank và VietABank.
Ngân hàng TMCP Việt Á được thành lập năm 2003, trên cơ sở hợp nhất giữa Công ty Tài chính Cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng TMCP Nông thôn Đà Nẵng, với vốn điều lệ ban đầu chỉ khoảng 75,72 tỷ đồng. Đến tháng 3/2022, VietABank đã nâng vốn điều lệ lên gần 5.400 tỷ đồng.
Theo danh sách cập nhật ngày 16/11/2024, VietABank có hai cổ đông lớn là CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (sở hữu 12,21%) và CTCP Đầu tư Phát triển Hòa Bình (sở hữu 5,52%). Ngoài ra, một số cổ đông tổ chức đáng chú ý gồm Văn phòng Thành ủy TP HCM (4,97%), SJC (2,77%) và CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp Thương mại Củ Chi (1,2%).
Trong nhóm cổ đông cá nhân, ông Phương Hữu Việt - Chủ tịch Tập đoàn Việt Phương nắm giữ 4,55% cổ phần. Một số lãnh đạo khác như ông Trần Tiến Dũng (Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc) sở hữu 1,02%, bà Đỗ Thị Ngọc Hà (em dâu bà Phương Minh Huệ - TGĐ Tập đoàn Việt Phương) sở hữu 0,13%.
Kể từ khi chính thức giao dịch trên sàn UPCoM vào ngày 20/07/2021 với giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu, hoạt động kinh doanh của VietABank đã ghi nhận những bước tăng trưởng rõ rệt. Từ mức lợi nhuận trước thuế thường xuyên chỉ khoảng 100 - 300 tỷ đồng/năm, VietABank đã bứt phá, đạt lợi nhuận vượt 1.000 tỷ đồng/năm kể từ sau khi lên sàn.
Riêng trong quý I/2025, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VietABank đạt 440 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng đồng thời giảm 48% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích hơn 87 tỷ đồng, qua đó nâng lợi nhuận trước thuế lên gần 353 tỷ đồng, tăng mạnh 42% so với quý I/2024.
Sau ba tháng đầu năm, VietABank đã hoàn thành 27% kế hoạch lợi nhuận năm 2025 (1.306 tỷ đồng).
Anh Chi