Trái ngược với diễn biến lình xình trong thời gian gần đây của thị trường chung, cổ phiếu DHT của CTCP Dược phẩm Hà Tây lại liên tiếp lập kỷ lục về giá trong những phiên gần đây.
Đơn cử như phiên sáng ngày 3/12, mã này đã tăng 9,35% lên 108.800 đồng/cổ phiếu. Hay như phiên hôm qua (2/12), mã này đã tăng kịch trần 9,94% lên 99.500 đồng/cổ phiếu.
Thực tế, mã DHT đã "bốc đầu" tăng từ hồi tháng 5, quanh vùng giá 27.000 đồng/cổ phiếu lên thị giá hiện tại, tương đương tăng gấp 4 lần. Thậm chí so với hồi đầu năm ở quanh vùng giá 21.000 đồng/cổ phiếu, mã này đã tăng hơn 5 lần.
Điều này đã giúp DHT trở thành cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong ngành, thậm chí nằm top cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn chứng khoán sau hơn nửa năm.
Với thị giá hiện tại, P/E của DHT đã đạt mức 120 lần. Vốn hóa theo đó được kéo lên gần 8.934 tỷ đồng, vượt Imexpharm và Dược Việt Nam để xếp thứ 2 ngành dược tại Việt Nam, chỉ đứng sau Dược Hậu Giang.
Diễn biến thị giá DHT (Nguồn: TradingView).
Đà tăng mạnh của cổ phiếu Dược Hà Tây nhờ một số điều của Luật Dược (sửa đổi) với 7 nhóm điểm mới cơ bản. Cụ thể ở bài viết Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Bên cạnh đó, cổ đông chiến lược Nhật Bản ASKA Pharmaceutical cũng liên tục có động thái gia tăng sở hữu trong bối cảnh cơ cấu cổ đông của Dược Hà Tây hiện khá cô đặc.
Gần nhất, ASKA Pharmaceutical vừa đăng ký mua thêm gần 2,2 triệu cổ phiếu DHT để tăng sở hữu, thời gian giao dịch dự kiến từ 3/12 - 31/12/2024. Nếu thành công, ASKA Pharmaceutical có thể nâng sở hữu lên hơn 38% vốn tại Dược Hà Tây.
Hiện ASKA Pharmaceutical đang nắm giữ hơn 29,3 triệu cổ phiếu DHT, tương ứng tỉ lệ 35,61% vốn cổ phần.
ASKA Pharmaceutical là hãng dược có tuổi đời hơn 100 tuổi, trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản. Ngành nghề kinh doanh chính của ASKA là sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu dược phẩm, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế... Trong mảng dược phẩm, công ty chuyên về các sản phẩm nội khoa, sản phụ khoa và tiết niệu.
Trước đó vào năm 2021, ASKA đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của Dược Hà Tây khi mua gần 5,3 triệu cổ phần phát hành mới với mức giá 70.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 18% thị giá cổ phiếu DHT khi đó. Thời điểm này, ASKA nắm 24,9% vốn điều lệ của Dược Hà Tây (6,6 triệu cổ phiếu) và là cổ đông lớn nhất tại công ty dược này.
Dù cổ phiếu tăng mạnh, nhưng tình hình kinh doanh của Dược Hà Tây lại không quá nổi bật.
Gần nhất trong quý III/2024, Dược Hà Tây ghi nhận doanh thu thuần 544 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số trên cách xa lợi nhuận 156 tỷ đồng của Dược Hậu Giang, 75 tỷ đồng của Dược Bình Định, 72 tỷ đồng của Imexpharm,…
Lũy kế 9 tháng 2024, doanh thu thuần của Dược phẩm Hà Tây tăng nhẹ từ 1.525 tỷ lên 1.544 tỷ đồng. Song lợi nhuận sau thuế lại giảm 24% xuống gần 55 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do gánh nặng từ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng.
Trần Thị Tú Anh