Ngày 30/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/2/2025 và thay thế cho Luật Điện lực năm 2024.
Điểm chính của Luật Điện lực sửa đổi
SSI research cho rằng Luật Điện lực sửa đổi được coi là một cột mốc quan trọng, có thể giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy các cơ chế phát triển từng loại hình nguồn điện và hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Cụ thể, luật này đưa ra một số quy định để giúp đẩy nhanh việc triển khai các dự án điện khẩn cấp, ví dụ như đơn giản hóa thủ tục liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chuyển mục đích sử dụng rừng, điều này có thể giúp cải thiện an ninh năng lượng quốc gia. Các dự án điện khẩn cấp bao gồm các dự án, công trình xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo để kịp thời khắc phục hậu quả của thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và bù đắp cho sự chậm tiến độ/tạm dừng của các dự án điện khác và nhu cầu đột biến ở một số khu vực hoặc trên toàn quốc (có thể gây ra tình trạng thiếu điện).
Luật mới giúp tháo gỡ điểm nghẽn liên quan đến quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư lưới điện có cấp điện áp từ 220 kV trở xuống đi qua địa giới hành chính từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Trong đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có vị trí điểm đầu đường dây được xác định theo tên dự án lưới điện trong quy hoạch phát triển điện lực hoặc phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và có trách nhiệm lấy ý kiến Ủy ban nhân dân các tỉnh còn lại trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới (như hydrogen và amoniac) là một trong những chủ đề chính của Luật Điện lực sửa đổi, giúp Việt Nam đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong thời gian tới, SSI Research kỳ vọng các cơ chế bổ sung (như cơ chế giá mới) sẽ được phê duyệt để hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng này. Bên cạnh đó, Luật cũng khuyến khích đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện và khuyến khích các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch áp dụng các biện pháp giảm thiểu phát thải vào môi trường (bao gồm cả việc chuyển đổi dần sang các nguồn nhiên liệu phát thải thấp hơn).
Luật nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn, đặc biệt là đối với các nhà máy điện khí/LNG, các dự án điện gió ngoài khơi và các nguồn năng lượng mới, kỳ vọng sẽ giúp đảm bảo lợi ích giữa các nhà đầu tư và Nhà nước. Đối với điện gió ngoài khơi, luật cũng giao cho Chính phủ quy định cụ thể các ưu đãi cho các dự án đầu tư vào loại hình điện này.
Nhà nước sẽ độc quyền trong việc đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân. Quốc hội đã đồng ý việc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (4.000 MW), đã bị tạm dừng từ năm 2016. Trước những thách thức trong việc triển khai các dự án điện khí LNG, và các nhà máy nhiệt điện than và thủy điện bị hạn chế về trữ lượng lẫn việc có những tác động môi trường, SSI Research cho rằng việc tái khởi động dự án này sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Luật tái nhấn mạnh 3 cấp độ của thị trường điện lực Việt Nam gồm thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM), thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (VCRM). Hiện tại, thị trường điện Việt Nam đang ở cấp độ thứ hai (VWEM). Luật cũng giới thiệu các định nghĩa về hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn. Các thuật ngữ này có thể đóng vai trò quan trọng về hành lang pháp lý để hoàn thiện cấp độ VCRM trong tương lai.
Cải cách cơ chế giá điện có thể giúp loại bỏ dần việc bù chéo giữa các nhóm khách hàng, vùng và miền, bao gồm việc đề xuất giá điện nhiều thành phần. Việt Nam đang áp dụng giá điện một thành phần (chỉ dựa trên sản lượng điện tiêu thụ, tính bằng VND/kWh).
Nhiều dự án điện gió dự kiến khởi công năm sau. Nguồn: EVN
Cổ phiếu hưởng lợi
Đầu tư năng lượng tái tạo đã bị đứng nhiều năm nay để chờ cơ chế chính sách mới. Việc Luật Điện lực sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2025 nhấn mạnh phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới, cùng cụ thể ưu đãi đầu tư điện gió là cơ sở để doanh nghiệp như REE Corporation (mã: REE), Hà Đô Group (mã: HDG) hay Bamboo Capital (mã: BCG) khởi động dự án đầu tư; Tập đoàn PC1 (mã: PC1) hay Lizen (mã: LCG) hưởng lợi mở mảng xây lắp.
Mảng điện đang là mảng mang lại doanh thu và lợi nhuận chính cho REE Corporation. Doanh nghiệp định hướng đẩy mạnh năng lượng tái tạo, thủy điện và thoái vốn khỏi nhiệt điện. Trong 9 tháng đầu năm, REE đã M&A 1 dự án điện gió là nhà máy điện gió Duyên Hải tại tỉnh Trà Vinh, công suất thiết kế 48 MW có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng. Công ty đang chuẩn bị công tác đầu tư cho dự án, dự kiến quý II/2025 có thể khởi công.
Hà Đô Group cũng có đến 61% doanh thu đến từ mảng điện. Tập đoàn sở hữu danh mục 7 nhà máy điện gió, tương đương công suất 748 MW, đều nằm trong danh mục tờ trình Quy hoạch điện VIII và chờ khung giá điện điển có thể triển khai đầu tư. Vào tháng 4, Hà Đô đã nhận chứng nhận đầu tư nhà máy điện gió Phước Hữu tổng đầu tư 1.700 tỷ đồng, dự kiến khởi công từ tháng 1 năm sau, nghiệm thu và phát điện từ quý IV/2025.
BCG Energy (mã: BCE) – đơn vị thành viên của Bamboo Capital (mã: BCG) cho biết có 8 dự án điện gió với tổng công suất 925 MW trong Quy hoạch điện VIII được ưu tiên thực hiện đến 2030. Công ty cũng vừa M&A một nhà máy điện rác trong năm 2023 là Tâm Sinh Nghĩa tại TP.HCM. Mục tiêu của BCG Energy là đạt tổng công suất 2 GW đến 2026, đa dạng hóa danh mục đầu tư năng lượng tái tạo.
Tập đoàn PC1 có nhiều nguồn thu từ mảng năng lượng (thủy điện), sản xuất công nghiệp, khai khoáng, bất động sản (khu công nghiệp và dân dụng), xây lắp. Trong đó, xây lắp đóng góp đến 1/3 doanh thu mỗi năm. SSI Research cho rằng quy định mới tại Luật Điện lực sửa đổi kỳ vọng mở ra giai đoạn tăng trưởng mới cho đầu tư hạ tầng điện, từ đó tăng số hợp đồng ký mới ở cả 2 mảng xây dựng điện và cung cấp cột thép.
Lizen là nhà thầu thi công trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo, xây lắp điện, nước. Các năm qua, đón động lực đầu tư công, doanh nghiệp đẩy mạnh mảng xây lắp hạ tầng giao thông trong khi xây lắp điện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong doanh thu. Tuy nhiên, mảng năng lượng cũng là một mũi nhọn kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh xây lắp, Lizen cũng ghi dấu là chủ đầu tư của 2 dự án năng lượng tái tạo là nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc – Gia Lai và nhà máy điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải. Doanh nghiệp có dự án điện gió Thăng Hưng và Đình Lập chờ cơ chế chính sách.
“Ông lớn” ngành điện – PV Power (mã: POW) đang triển khai đầu tư dự án Nhơn Trạch 3&4 sử dụng LNG. Doanh nghiệp kỳ vọng Nhơn Trạch 3 có thể vận hành thương mại từ tháng 6 và Nhơn Trạch 4 từ tháng 9. Dự án khi mới đi vào vận hành có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận 2025 – 2026 của PV Power. Song, SSI Research kỳ vọng cam kết sản lượng điện khí LNG tối thiểu dài hạn có thể giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của dự án cũng như lợi nhuận của POW trong dài hạn.
Ngoài ra, việc cải cách cơ chế giá điện có thể giúp EVN hạn chế lỗ trong tương lai và giúp cho tất cả các nhà máy điện được hưởng lợi gián tiếp. SSI Research phân tích khác với giá điện một thành phần, giá điện hai thành phần bổ sung thêm một thành phần giá công suất (tính bằng VND/kW) bên cạnh thành phần giá điện năng để phản ánh đẩy đủ hơn chi phí đầu tư điện và khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả hơn. Để thúc đẩy điều này, vào tháng 11/2024, EVN đã gửi báo cáo lên Bộ Công Thương, đề xuất triển khai thí điểm cơ cấu giá điện hai thành phần cho nhóm khách hàng theo cơ chế DPPA (Nghị định số 80/2024/NĐ-CP).
Ngọc Điểm