Chất xúc tác đến từ thương chiến hạ nhiệt và định giá hấp dẫn
Bank of America dự báo các thị trường mới nổi là "thị trường tăng giá tiếp theo". "Đồng đô la Mỹ yếu hơn, lợi suất trái phiếu Mỹ đạt đỉnh, kinh tế Trung Quốc phục hồi... nên không gì có hiệu suất tốt hơn cổ phiếu thị trường mới nổi", nhóm chuyên gia Bank of America do chiến lược gia đầu tư Michael Hartnett đứng đầu, cho biết.
Tương tự, JPMorgan mới đây cũng nâng cấp cổ phiếu thị trường mới nổi từ mức "trung lập" lên "vượt trội", với lý do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đang "tan băng" và định giá hấp dẫn.
Tòa nhà Sở giao dịch chứng khoán Bombay ở thành phố Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: AFP
Niềm tin vào các tài sản của Mỹ sa sút đã thúc đẩy sự lạc quan vào các thị trường mới nổi. MSCI Emerging Markets, một chỉ số theo dõi các công ty vốn hóa lớn và vừa ở 24 thị trường mới nổi, đã tăng 8,55% kể từ đầu năm đến nay. Con số này bỏ xa mức tăng 1% của chỉ số S&P 500 của Mỹ trong cùng kỳ.
Khoảng cách tăng điểm càng rõ rệt hơn trong những tuần sau ngày 2/4, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch thuế quan "có đi có lại" đối với tất cả đối tác thương mại.
Hầu hết các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều suy giảm trên diện rộng trong nhiều ngày sau ngày 2/4 - một dấu mốc mà Tổng thống Trump gọi là "ngày giải phóng". Những tuần sau đó đã ghi nhận sự phân kỳ giữa cổ phiếu thị trường mới nổi và cổ phiếu Mỹ. Cụ thể, từ ngày 9-21/4, chỉ số S&P 500 đã "bốc hơi" hơn 5%, trong khi chỉ số MSCI Emerging Markets lại tăng 7%.
Mặc dù cổ phiếu và trái phiếu kho bạc Mỹ đã phục hồi nhẹ kể từ đó, nhưng việc Moody's hạ cấp xếp hạng tín nhiệm của Mỹ gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại của các nhà giao dịch. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm đã tăng nhẹ lên trên 5% trong ngày 19/5, một dấu mốc chưa từng thấy kể từ tháng 11/2023, trong khi cổ phiếu Mỹ đã phá vỡ chuỗi 6 ngày tăng điểm vào ngày 20/5.
Bắt đầu một đợt luân chuyển mới?
Các diễn biến gần đây đã củng cố nhu cầu tiếp xúc thị trường đa dạng hơn, theo ông Malcolm Dorson, trưởng nhóm đầu tư tích cực tại Global X ETFs.
"Sau khi hoạt động kém hơn S&P trong thập kỷ qua, cổ phiếu thị trường mới nổi đang có vị thế độc nhất để vượt trội trong chu kỳ tiếp theo", ông Dorson nói thêm.
"Cơn bão hoàn hảo có thể xảy ra này bắt nguồn từ đồng đô la Mỹ có khả năng yếu hơn, định vị của nhà đầu tư cực kỳ thấp và tăng trưởng vượt trội ở mức định giá chiết khấu", nhà phân tích của Global X ETFs nói với đài CNBC.
Theo dữ liệu do ông Dorson cung cấp, về mặt định vị, nhiều nhà đầu tư Mỹ chỉ có 3% đến 5% ở các thị trường mới nổi, so với mức 10,5% trong MSCI Global, chỉ số nắm bắt hiệu suất của các công ty vốn hóa lớn và vừa ở 23 thị trường phát triển.
Các thị trường mới nổi cũng đang giao dịch ở mức gấp 12 lần lợi nhuận kỳ hạn "và với mức chiết khấu lớn hơn mức thông thường" so với các thị trường phát triển, theo số liệu thống kê từ JPMorgan.
Trong số các thị trường mới nổi, ông Dorson cho rằng Ấn Độ mang lại cơ hội tăng trưởng dài hạn tốt nhất còn Argentina có lợi thế định giá rẻ. Ngoài ra, việc nâng cấp trái phiếu chính phủ ở các quốc gia như Hy Lạp và Brazil cũng giúp các thị trường này trở nên hấp dẫn hơn.
"Chúng ta có thể đang ở giai đoạn đầu của một chu kỳ luân chuyển mới", ông Mohit Mirpuri, nhà quản lý quỹ tại SGMC Capital cho biết.
"Sau nhiều năm hoạt động vượt trội của cổ phiếu Mỹ, các nhà đầu tư toàn cầu đang bắt đầu tìm kiếm sự đa dạng hóa và lợi nhuận dài hạn ở nơi khác, và các thị trường mới nổi đã quay trở lại một cách vững chắc", ông Mirpuri cho biết.
Còn theo bà Ola El-Shawarby, giám đốc danh mục đầu tư tại VanEck, đồng đô la Mỹ suy yếu do áp lực từ các mối quan ngại về tài chính và nợ gia tăng, đã thúc đẩy dòng tiền đổ vào các thị trường mới nổi và sự ổn định tỷ giá hối đoái.
"Chúng ta đã chứng kiến các đợt tăng giá của thị trường mới nổi trước đây nhưng cuối cùng lại mất đà, thường là do chúng bị thúc đẩy bởi các chất xúc tác vĩ mô ngắn hạn", bà El-Shawarby cho biết.
Còn chu kỳ hiện tại có thể khác vì sự kết hợp của định giá chiết khấu sâu, vị thế nhà đầu tư thấp trong lịch sử và tiến trình cấu trúc bền vững hơn trên các thị trường chính, bà El-Shawarby nhận định, đồng thời dẫn chứng câu chuyện tăng trưởng dài hạn của Ấn Độ dựa trên nhu cầu trong nước.
Đông Phong