Cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải chủ trì việc tham vấn chính sách

Cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải chủ trì việc tham vấn chính sách
6 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) bày tỏ đồng tình với việc bổ sung quy định về tham vấn chính sách các cơ quan, đối tượng chịu sự tác động, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình xây dựng dự án luật. Sự tham gia từ sớm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sẽ góp phần hoàn thiện dự thảo ngay từ khâu xây dựng hồ sơ dự thảo của Chính phủ, thể hiện sự đồng hành vào cuộc và trách nhiệm của Quốc hội từ sớm trong quá trình xây dựng luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) góp ý dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: TRỌNG HẢI
Đặc biệt, việc tham vấn ý kiến các đối tượng tác động là vô cùng quan trọng, đồng thời cũng là hình thức tuyên truyền cho nhân dân và cho các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp về các quan điểm, chính sách mới sắp được ban hành.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, quy định về tham vấn chính sách là vấn đề rất mới mà luật hiện hành không có. Việc tham vấn chính sách là cực kỳ quan trọng. Do vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, khi họp tham vấn chính sách, cơ quan soạn thảo phải lấy ý kiến rộng rãi, đặt doanh nghiệp và người dân lên trên hết, đặc biệt là những đối tượng chịu tác động liên quan đến dự thảo luật cần lấy ý kiến.
“Còn đối với các vị đại biểu Quốc hội thì cũng cần nhưng không nhất thiết phải lấy nhiều, vì các vị đại biểu Quốc hội trong thảo luận ở hội trường, thảo luận ở tổ đã phát biểu, cũng đã có tham gia”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo phải chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng như các vị đại biểu Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ tham vấn chính sách.
Có quan điểm tương tự với đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Thành phố Hà Nội) nêu rõ, theo dự thảo luật, các ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm cho ý kiến tham vấn, phải tổ chức hội nghị, lập báo cáo kết quả tham vấn, chậm nhất 20 ngày kể từ ngày nhận được tài liệu phải gửi báo cáo kết quả tham vấn đến cơ quan soạn thảo và phải chịu trách nhiệm về nội dung tham vấn.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, quy định này chưa phù hợp với Hiến pháp và các quy định của pháp luật hiện hành, dẫn tới hệ quả “chưa đúng vai”, quy trình lấy ý kiến hoàn thiện chính sách trước khi trình Quốc hội là trách nhiệm của cơ quan soạn thảo. Hơn nữa, cũng có ý kiến cho rằng đã tham vấn trước khi thẩm tra rồi thì các cơ quan của Quốc hội có cần thẩm tra nữa hay không?
Từ đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề xuất cân nhắc bỏ quy định về trách nhiệm tham vấn chính sách tại dự thảo luật. “Việc quy định tham vấn là cần thiết, nhưng đó là tham vấn với các chuyên gia, với các nhà khoa học, với các cá nhân đại biểu Quốc hội và thậm chí với từng thành viên Ủy ban, nhưng đó là tính chất cá nhân, còn hình thành nên một quy trình để áp dụng cho 1 Ủy ban thì chưa hợp lý”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.
Ý kiến của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhận được sự đồng tình của đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa).
Phát biểu giải trình làm rõ về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, Bộ Tư pháp cùng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã dự kiến tiếp thu theo hướng cơ quan đề xuất chính sách sẽ chủ trì việc tham vấn chính sách đối với Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.
Hội đồng Dân tộc, các ủy ban Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan đề xuất chính sách mời các đối tượng có liên quan đến để bảo đảm hội nghị tham vấn này thực chất. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo cũng đã phối hợp với cơ quan thẩm tra dự kiến bỏ quy định trong thời hạn 20 ngày Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội phải gửi văn bản tham vấn tới cơ quan đề xuất tham vấn.
Theo chương trình, dự kiến, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua trong phiên họp sáng 19-2.
CHIẾN THẮNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/co-quan-soan-thao-van-ban-quy-pham-phap-luat-phai-chu-tri-viec-tham-van-chinh-sach-815582