Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: Đ. KHOA
Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, khả thi trong phân cấp, phân quyền
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội thống nhất với các nội dung đề xuất sửa đổi tại Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nhằm phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của Chính phủ, khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (Đoàn Quảng Ninh) nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và của đồng chí Tổng Bí thư, đó là thay đổi tư duy “không quản được thì cấm” để hỗ trợ phát triển; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; đồng thời xác định rất rõ mối quan hệ giữa Chính phủ với Thủ tướng Chính phủ; tăng vai trò của chính quyền địa phương trong mọi mặt công tác.
Với quan điểm đó, đại biểu cho rằng, nhiều khái niệm trong Dự thảo Luật cần được làm rõ như khái niệm phân cấp, phân quyền với ủy quyền. “Cấp thì có cấp trên, cấp dưới, nhưng phân quyền thì có khi là ngay cả trong cùng cấp, thì quyền cũng phải được phân định một cách rõ ràng, rồi nội dung nào được ủy quyền…” - đại biểu đặt vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu thảo luận. Ảnh: TRỌNG QUỲNH
Ủng hộ việc phân cấp, phân quyền song đại biểu Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, phân cấp, phân quyền phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện. “Với quy định như thế này, kể cả trách nhiệm của người phân cấp, trách nhiệm của người được phân cấp cũng chưa thật sự rõ ràng. Điều kiện để phân cấp gắn với phân quyền, gắn với giao nguồn lực để tổ chức thực hiện nhưng nguồn lực ở đây cũng chưa rõ ràng. Người nhận phân cấp phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những việc đó trong khi chưa được phân cấp, chưa được giao thêm năng lực tổ chức thực hiện như tiền, con người và các điều kiện cần thiết khác” - đại biểu Vũ Hồng Thanh nhận xét.
Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình), quy định về phân cấp (Điều 8), ủy quyền (Điều 9) Dự thảo Luật là điểm mới so với Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành, với phương châm địa phương quyết, địa phương bàn, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Đại biểu đề nghị cần xác định rõ cơ chế để phân cấp, ủy quyền với mục tiêu là tăng cường tính tự chủ, chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Vì vậy, Ban soạn thảo cần rà soát kỹ nội dung này, đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức thực hiện cũng như bảo đảm thống nhất giữa Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Điều kiện để phân cấp, phân quyền, các tiêu chí cũng như nội dung phân cấp, phân quyền trong Luật này phải quy định hết sức chặt chẽ, cụ thể. Nếu không quy định rõ thì rất khó khăn trong tổ chức thực hiện và ở địa phương, nếu không có một cơ chế đảm bảo thì dù có phân cấp địa phương cũng không dám làm.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc
Xác định rõ trách nhiệm để không đẩy việc lên Chính phủ
Góp ý về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Đặng Bích Ngọc bày tỏ thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 2 về thực hiện mô hình chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND như Luật hiện hành và theo quy định của Hiến pháp.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc phát biểu thảo luận. Ảnh: TRỌNG QUỲNH
Tuy nhiên, dự kiến sẽ có điều chỉnh về mô hình chính quyền địa phương, có thể có những nơi không thực hiện mô hình HĐND. Đại biểu đề nghị Trung ương chỉ đạo tổng kết, đánh giá về mô hình thí điểm tại TP. Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, từ đó sửa đổi Hiến pháp, luật cho phù hợp để thực hiện thống nhất trong cả nước.
Liên quan đến quy định về phân cấp cho chính quyền địa phương, khoản 1, Điều 14 Dự thảo Luật quy định “HĐND được phân cấp cho UBND cùng cấp hoặc HĐND cấp dưới…”, đại biểu đề nghị xem xét, làm rõ mối quan hệ giữa HĐND cấp trên và cấp dưới
“HĐND cùng cấp thì phân quyền cho UBND cùng cấp là đương nhiên, nhưng HĐND cấp tỉnh phân cấp cho HĐND huyện để thực hiện một số các chức năng, nhiệm vụ thì có đúng không? Bởi, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì mỗi cấp có những thẩm quyền khác nhau, nếu thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương mà không đảm bảo đúng quy định thì sẽ rất khó khăn” - đại biểu Ngọc băn khoăn và đề nghị cân nhắc nội dung này để bảo đảm phù hợp.
Đại biểu cũng tán thành với quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được phân cấp không được phân cấp tiếp nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi được phân cấp, để đảm bảo tính nguyên tắc, trách nhiệm giữa chủ thể phân cấp và chủ thể nhận phân cấp.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng thì đề nghị, cần làm rõ quy định UBND thực hiện theo cơ chế thủ trưởng là như thế nào? Theo đại biểu, khi thực hiện theo cơ chế thủ trưởng thì tính quyết định của Chủ tịch UBND rất lớn, nhất là khi chúng ta đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trong khi không còn ban cán sự đảng thì xử lý như thế nào mối quan hệ của UBND để tránh tình trạng độc đoán, chuyên quyền; đồng thời, cần làm rõ cơ chế giám sát ra sao khi không còn HĐND.
Từ góc độ Cơ quan chủ trì soạn thảo 2 Dự án Luật trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, về tư duy xây dựng pháp luật, đây là 2 đạo luật gốc của nền hành chính nhà nước, nếu đi vào cụ thể, không đưa ra nguyên tắc chung thì sau này không có căn cứ để luật chuyên ngành thiết kế theo, khi đó sẽ phá vỡ hết mục tiêu, nguyên tắc.
Bộ trưởng cũng cho biết, lần sửa đổi này đã tập trung phân định rõ thẩm quyền của Chính phủ và chính quyền địa phương. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Tương tự, đối với chính quyền địa phương cũng có sự thiết kế rành mạch giữa HĐND, UBND và Chủ tịch UBND các cấp.
Hay thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, với tư cách là thành viên Chính phủ, Luật quy định rất rành mạch để không có sự chồng lấn, giao thoa, xác định rõ trách nhiệm để không đẩy việc lên Chính phủ.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, vấn đề phân cấp, phân quyền và ủy quyền là nội dung mới nhất, cốt lõi của 2 luật. Theo đó, Luật Tổ chức Chính phủ là luật gốc, phải đưa ra các nguyên tắc rạch ròi trong phân cấp, phân quyền, ủy quyền, sau này, tất cả luật chuyên ngành phải đi theo. Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải căn cứ vào nguyên tắc này để khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện theo quy định về phân quyền, phân cấp và ủy quyền.
Đ. KHOA