Cơ sở điều chỉnh giá điện theo Quy hoạch điện VIII: Bộ Công thương giải trình gì?

Cơ sở điều chỉnh giá điện theo Quy hoạch điện VIII: Bộ Công thương giải trình gì?
một ngày trướcBài gốc
Giá điện bình quân vào năm 2030 khoảng 10,6 - 10,9 Uscent/kWh
Bộ Công thương cho hay, theo Quyết định 2699 của Bộ Công thương quy định về giá bán điện, mức giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), thời gian áp dụng giá bán điện từ ngày 11/10/2024. Mức giá này tương đương với mức giá quy đổi theo USD giá hiện hành là 8,3 Uscent/kWh.
Giai đoạn 2011 - 2019 mức tăng giá điện tính theo giá hiện hành có mức tăng bình quân 6,5%/năm. Giai đoạn 2019 - 2023 giá điện được giữ bình ổn, không tăng để đảm bảo phát triển kinh tế và đời sống dân sinh trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19.
Theo Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, với việc tăng cường mạnh mẽ đầu tư các nguồn điện sạch đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giá điện bình quân vào năm 2030 (tính theo giá trị USD 2020) là 9,1 - 9,4 Uscent/kWh. Với giả thiết duy trì mức lạm phát đồng USD khoảng 1,5%/năm và trượt giá bình quân tiền đồng so với USD khoảng 1,5%/năm trong giai đoạn 2025 - 2030, quy đổi theo USD hiện hành, giá điện bình quân vào năm 2030 khoảng 10,6 - 10,9 Uscent/kWh.
So sánh với quốc tế, theo Bộ Công thương, mức giá điện đến năm 2030 theo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII tương đương mức giá điện năm 2023 của Indonesia (10,1 Uscent/kWh, thu nhập đầu người 4.287 USD/người) và Thái Lan (10,7 Uscent/kWh, thu nhập đầu người 7.058 USD/người).
Địa phương đề xuất nguồn điện vượt 1,8 lần nhu cầu
Tại báo cáo này, Bộ Công thương cũng giải trình về việc tiếp thu tối đa các đề xuất về nguồn điện của địa phương.
Theo đó, Bộ Công thương cho biết, khối lượng đề xuất nguồn điện của các địa phương vượt khoảng 1,8 lần so với nhu cầu tại điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Cụ thể, tổng công suất đề xuất khoảng 432.000 MW so với tổng công suất đặt của phương án cao năm 2030 khoảng 236.363 MW.
Nếu so với công suất đặt năm 2035 của phương án phụ tải cao khoảng 370.953 MW thì tổng công suất do các địa phương đề xuất vẫn vượt khoảng 1,16 lần (cao hơn khoảng 61.000 MW).
Đề xuất phát triển nguồn điện của các địa phương tập trung nhiều trong giai đoạn 2026 - 2030. Một số nguồn điện LNG, nguồn điện gió ngoài khơi, nguồn thủy điện mở rộng có phân kỳ đầu tư sang giai đoạn 2031-2050.
Tình huống này, Bộ Công thương cho rằng, đặt ra rất nhiều khó khăn cho bộ này trong việc cân đối phát triển nguồn điện theo đề xuất của các địa phương.
Do đó, nguyên tắc và quan điểm tính toán Bộ Công thương đang thực hiện trong điều chỉnh Quy hoạch điện VIII là nhằm mục tiêu khai thác tối đa các nguồn năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng, nhưng phải phù hợp với đặc điểm vận hành hệ thống điện của Việt Nam, phù hợp với tình hình phát triển phụ tải của từng địa phương.
Bên cạnh đó, đảm bảo sự phát triển hài hòa, hợp lý giữa các miền, hạn chế tối đa truyền tải liên miền và chi phí hệ thống tối thiểu, chống lãng phí, bảo đảm hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy và an ninh năng lượng quốc gia.
Trên cơ sở đó, đối với các nguồn điện được đề xuất nhưng chưa cân đối hết trong quy hoạch thời kỳ này, Bộ Công thương cho hay, sẽ được xem xét đưa vào phục vụ cơ chế mua bán điện trực tiếp, không đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, hoặc xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực, bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Hồng Hạnh
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/co-so-dieu-chinh-gia-dien-theo-quy-hoach-dien-viii-bo-cong-thuong-giai-trinh-gi-192250402111653847.htm