Triệu chứng
Theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng khoa Khoa Nội tiết và Đái tháo đường - Bệnh viện Bạch Mai, basedow là một bệnh lý khá phổ biến. Tuyến giáp, nằm ở phía trước cổ, có chức năng tiết ra hai hormone quan trọng là Thyroxin (T4) và Tri-iodothyronin (T3). Những hormone này đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, ở một số người bị bệnh basedow, tuyến giáp sản xuất quá mức các hormone này, dẫn đến tình trạng cường giáp. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: mệt mỏi, tim đập nhanh, run đầu ngón tay, sụt cân, yếu chân tay và rối loạn tiêu hóa. Nhiều bệnh nhân còn cảm thấy nóng bức, đổ nhiều mồ hôi, khó ngủ và dễ bị kích thích, cáu gắt hơn. Đôi khi, người bệnh có thể nhận thấy sưng to ở phía trước cổ do tuyến giáp phì đại, đó chính là bướu cổ. Một số trường hợp còn có biểu hiện mắt hơi nhức hoặc lồi hơn so với trước đây.
Cũng theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy, basedow là bệnh không lây nhiễm, trong đó các yếu tố gen và di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh. Do đó, có thể có nhiều người trong cùng một gia đình mắc bệnh này. Bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi trẻ hoặc trung niên, và phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới. Các yếu tố khiến bệnh có thể xuất hiện và tiến triển là stress, nhiễm virus… Cho đến nay người ta đã biết cơ chế gây bệnh là sự xuất hiện kháng thể kháng thụ thể TSH (TSH Receptor Antibody – TRAb) tác động lên thụ thể TSH ở tuyến giáp, và tuyến giáp bị nhầm tưởng là TSH thực sự nên sẽ gia tăng về kích thước và tăng hoạt động sản xuất hormon tuyến giáp một cách quá mức, vượt khỏi sự kiểm soát của hệ nội tiết, và gây hại cho cơ thể.
Phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay
Điều trị nội khoa là phương pháp tốt nhất và nên được ưu tiên áp dụng cho đa số bệnh nhân Basedow - TS.BS Nguyễn Quang Bảy cho biết. Bệnh nhân sẽ uống thuốc kháng giáp tổng hợp trong khoảng 18-24 tháng. Thuốc này có tác dụng làm giảm sản xuất hormone tuyến giáp, và thông thường nồng độ hormone tuyến giáp trong máu sẽ trở về bình thường sau 4-12 tuần. Trong những tuần đầu điều trị, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số thuốc để giảm nhịp tim và đỡ run tay trong thời gian chờ thuốc kháng giáp phát huy tác dụng như thuốc chẹn beta. Đồng thời, người bệnh cần hạn chế lao động (cả về thể chất và trí óc) trong những tháng đầu, đảm bảo giấc ngủ và chế độ ăn uống phù hợp.
Thông thường, sau 4-6 tuần điều trị, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Basedow sẽ giảm rõ rệt, và bác sĩ sẽ bắt đầu giảm dần liều thuốc kháng giáp cho bệnh nhân.
Theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy, khoảng 50-60% bệnh nhân sẽ được chữa khỏi sau một đợt điều trị kéo dài từ 12-24 tháng. Gần đây có một số nghiên cứu cho thấy thời gian điều trị nội khoa có thể kéo dài tới 5 năm, nếu kháng thể TRAb vẫn cao. Cơ hội chữa khỏi sẽ thấp hơn nếu bệnh nhân đã từng không đáp ứng hoặc thất bại với điều trị trước đó, hoặc nếu bướu cổ quá to, hoặc uống thuốc không đều, hay bị stress. Khoảng 40-50% bệnh nhân có thể bị tái phát. Trong trường hợp này, có thể hướng đến các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật hoặc iod phóng xạ.
Khoảng 25% bệnh nhân Basedow có những thay đổi ở mắt. Nhiều người nhận thấy mắt họ như lồi hơn, nhưng thường chỉ một bên mắt bị ảnh hưởng, khiến kích thước hai mắt trông khác nhau. Sau điều trị, tình trạng lồi mắt thường sẽ giảm bớt, nhưng ở một số bệnh nhân, mắt có thể không trở lại hoàn toàn bình thường như trước khi mắc bệnh.
Trong những trường hợp nặng, mắt có thể đau, đỏ, lồi to, xuất hiện nhìn đôi, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa ở một số bệnh nhân. Những bệnh nhân có bệnh mắt nặng cần được nhập viện để truyền thuốc điều trị đặc hiệu.
Khuyến cáo của bác sĩ
TS.BS Nguyễn Quang Bảy đã đưa ra một số khuyến cáo như sau:
Khám lại sau mỗi 1-2 tháng:
Người bệnh cần tái khám để bác sĩ điều chỉnh liều thuốc, bất kể bệnh có đáp ứng tốt với điều trị hay không. Việc không tái khám và tiếp tục sử dụng liều thuốc kháng giáp cũ trong thời gian dài có thể dẫn đến nguy cơ cao bị suy giáp (nồng độ hormone tuyến giáp trong máu quá thấp). Các triệu chứng của suy giáp bao gồm tăng cân nhanh, chậm chạp, sợ lạnh, táo bón, hay buồn ngủ, nhịp tim chậm hoặc bướu cổ to ra. Khi xuất hiện những dấu hiệu này, người bệnh nên đi khám lại ngay.
Hoãn mang thai khi mắc bệnh:
Nên trì hoãn việc mang thai ít nhất cho đến khi nồng độ hormone giáp trở về bình thường, vì khi nồng độ hormone giáp còn cao, nguy cơ sảy thai sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nếu phụ nữ có thai ngoài ý muốn trong thời gian này thì không nhất thiết phải bỏ thai. Các thuốc kháng giáp hầu như không ảnh hưởng đến thai nhi, nhưng bác sĩ thường sẽ chỉ định sử dụng thuốc ở liều thấp nhất có thể trong suốt thời gian mang thai.
Không ăn nhiều iod:
Có một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn nhiều iod, như hải sản và rong biển, có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh Basedow, vì vậy nên tránh. Bên cạnh đó, thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh mắt do Basedow hoặc làm cho tình trạng bệnh mắt trở nên nghiêm trọng hơn nên người bệnh Basedow cần phải bỏ thuốc lá và tránh chỗ có người hút thuốc lá.
Không bỏ cuộc nửa chừng:
Thời gian điều trị càng dài thì dường như cơ hội chữa khỏi càng cao. Nếu bệnh nhân ngừng thuốc quá sớm, nguy cơ tái phát là rất cao. Còn nếu uống thuốc không đều hoặc không điều trị, sau một thời gian, nồng độ hormone giáp cao sẽ gây ra các biến chứng nặng nề như: suy kiệt, suy tim, loạn nhịp tim, lồi mắt, loãng xương hoặc thậm chí tử vong do cơn nhiễm độc giáp cấp.
Mai Hoa